Tuyển sinh ĐH, CĐ 2017: Thí sinh không bị giới hạn nguyện vọng đăng ký
- Giáo dục nghề nghiệp
- 14:06 - 01/02/2017
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016 tại điểm trường Bách Khoa (Hà Nội).
Tổ chức 5 bài thi
Kỳ thi tổ chức thi 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học (KHTN), Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT (KHXH).
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình Giáo dục THPT (THPT) phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.
Thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT (GDTX) phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.
Để tăng cơ hội xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành, thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường ĐH, CĐ.
Nội dung thi trong chương trình lớp 12
Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức hằng năm. Ngày thi, lịch thi, hình thức thi và thời gian làm bài thi được quy định trong hướng dẫn tổ chức thi THPT quốc gia hằng năm của Bộ GD&ĐT.
Nội dung thi: Năm 2017, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 12 THPT; năm 2018, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong Chương trình cấp THPT.
Học sinh lớp 12 đăng ký dự thi tại trường phổ thông nơi học lớp 12; Thí sinh tự do đăng ký tại địa điểm do sở GD&ĐT quy định.
Đối tượng và điều kiện dự thi
Người đã học hết chương trình THPT hoặc chương trình GDTX cấp THPT (THPT) trong năm tổ chức kỳ thi; Người đã học hết chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước; người đã tốt nghiệp THPT; người đã tốt nghiệp trung cấp; các đối tượng khác được Bộ GDĐT cho phép dự thi (gọi chung là thí sinh tự do).
Các đối tượng dự thi không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi; đăng ký dự thi và nộp đầy đủ các giấy tờ, đúng thủ tục, đúng thời hạn. Đối tượng theo quy định trên phải đảm bảo thêm các điều kiện được đánh giá, xếp loại ở lớp 12: hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên, học lực không bị xếp loại kém. Riêng đối với người học thuộc diện không phải xếp loại hạnh kiểm và người học theo hình thức tự học có hướng dẫn ở GDTX thì không yêu cầu xếp loại hạnh kiểm.
Thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT ngoài quy định trên phải đảm bảo các điều kiện: Đã tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS); Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0, đảm bảo khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm đủ điều kiện về học lực theo quy định trên.
Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, phải được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận không vi phạm pháp luật.
Thí sinh không bị giới hạn số nguyện vọng đăng ký
Theo quy chế, thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là cao nhất). Trong xét tuyển đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký.
Nếu thí sinh đăng ký xét tuyển vào nhiều trường/ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách nguyện vọng đã đăng ký. Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài các quy định này còn phải thực hiện hướng dẫn của bộ liên quan.
Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và được làm tròn đến 0,25; cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực. Đối với thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển theo điều kiện phụ do mỗi trường thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên người có nguyện vọng cao hơn.
Điểm mới của quy chế này là các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm, sau đó báo cáo Bộ kết quả tuyển sinh trước ngày 31/12 hàng năm.
Vẫn giữ điểm sàn trong xét tuyển đại học
Khác với dự thảo đã công bố trước đó, năm 2017 Bộ GD&ĐT sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào căn cứ trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Từ năm 2018 trở đi, khi các trường đã công khai đầy đủ và chuẩn xác các thông tin theo quy định thì mỗi trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho trường mình. Như vậy, khác với dự thảo được công bố trước đó, trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, Bộ GD&ĐT vẫn duy trì điểm sàn tuyển sinh vào ĐH.
Đối với các trường ĐH đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 bài thi/môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1,0 điểm (theo thang điểm 10) và phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức.
Các trường ĐH phải công bố điều kiện đảm bảo chất lượng
Theo quy chế mới ban hành, các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh báo cáo Bộ GD&ĐT, trong đó cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng: Cơ sở vật chất (phòng học, phòng thực hành, thí nghiệm và các trang thiết bị chính yếu, học liệu), đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo cùng một số thông tin quan trọng khác.
Từ năm 2018 trở đi, ngoài các thông tin nêu trên, các trường phải công bố thêm: tổng chi phí để đào tạo 1 sinh viên/năm, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất so với năm tuyển sinh (theo nhóm ngành). Đối với những trường không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định này thì không được thông báo tuyển sinh.
Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thẩm định độc lập việc kê khai thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường. Nếu phát hiện kê thông tin không đúng sẽ quyết định dừng tuyển sinh đối với các ngành và nhóm ngành liên quan.