Tuyển sinh 2021: Thí sinh thận trọng khi lựa chọn xét tuyển vào những ngành ‘hot’
- Giáo dục nghề nghiệp
- 02:14 - 06/04/2021
Nhiều ngành "hot"
Trao đổi với Giaoducthoidai.vn, GS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho biết, mùa tuyển sinh năm nay có nhiều ngành "hot", trong đó có khối ngành Kinh tế, với xu hướng giao thoa với công nghệ. Chẳng hạn: Ngành kinh doanh số, công nghệ tài chính, thương mại điện tử, logistic… Đây những ngành mới, đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động trong tương lai. Vì thế, dự báo những ngành này sẽ ngày càng "hot"và là lựa chọn của nhiều thí sinh.
TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội nhận định: Do biến động của nền kinh tế thế giới và ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự báo những ngành như: Công nghệ thông tin, điện tử, thương mại điện tử, các nhóm ngành kinh tế, kinh doanh liên quan đến công nghệ sẽ là những ngành "hot" trong mùa tuyển sinh năm nay.
Ở góc nhìn khác, GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm: "Bức tranh" tuyển sinh năm nay không có gì đột biến. Tuy nhiên, xu hướng tuyển sinh sẽ mang hơi thở của thời đại 4.0… Trong đó, có nhiều ngành nghề mới xuất hiện ở Việt Nam. Điều đó làm phong phú thêm sự lựa chọn và cơ hội nghề nghiệp cho thí sinh. Đây là xu hướng tốt, vừa bắt nhịp với thời đại, vừa đón đầu tương lai.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn khuyến nghị: Phụ huynh có thể định hướng nghề nghiệp cho con cái nhưng cũng nên lắng nghe các con nói; khuyến khích các con đăng ký xét tuyển dựa trên sở trường, đam mê và phù hợp với năng lực của bản thân, hoàn cảnh gia đình… Thí sinh cũng nên tự quyết định lựa chọn cho mình, tránh thụ động và không nên đăng ký theo phong trào. Ngoài ra, các em nên tham khảo các thông số từ năm trước và tìm hiểu thật kỹ để có sự lựa chọn ngành nghề đúng và trúng.
Quan trọng vẫn là năng lực phù hợp
Hiện nay có một số ngành học gắn với sự bùng nổ cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 như: AI (trí tuệ nhân tạo), dữ liệu lớn (Big data)… Theo ông Đỗ Ngọc Anh, Ban Tư vấn tuyển sinh (Trường Đại học Mở Hà Nội), thí sinh cần hiểu rằng đây là cơ hội, cũng là thách thức bởi không phải thí sinh nào cũng phù hợp và có thể theo học. Thí sinh nên lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân và gia đình.
Quan trọng nhất là phải phù hợp với lực học của thí sinh. Với lực học trung bình, trung bình khá dù có trúng tuyển cũng khó có thể theo học những ngành kỹ thuật công nghệ cao liên quan đến trí tuệ nhân tạo hay dữ liệu lớn.
Theo TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng ĐH Việt Đức, trước khi đặt bút nguyện vọng, thí sinh cần trả lời các câu hỏi như: Nếu học ngành này, yêu cầu đầu vào, đầu ra là gì? Năng lực của người học sau khi tốt nghiệp ra sao. Nơi đến làm việc là những đâu… Đây là những thông tin đã được nhà trường công khai. Nếu chương trình đào tạo nào không có thông tin công khai có thể coi là không đạt chuẩn và không nên lựa chọn.
Theo một số chuyên gia tuyển sinh thì nhìn vào phương thức tuyển sinh năm 2021 và đối tượng được các trường nhắm đến khi mở rộng phương thức xét tuyển cho thấy thí sinh phải bảo đảm ngưỡng điểm học tập cao nhất định. Nên việc cân nhắc kỹ các yếu tố liên quan là rấ cần thiết với mỗi thí sinh, đặc biệt trong xu thế hội nhập với nền tảng lấy nguồn nhân lực chất lượng cao làm bệ phóng phát triển kinh tế.