Tuyển sinh 2017: Thí sinh nắm bắt xu hướng thị trường lao động
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:59 - 11/03/2017
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) lưu ý các thí sinh: “Khi chọn nghề thí sinh cần chú ý đến 3 yếu tố quan trọng: Thứ nhất, cần nắm bắt được nhu cầu xã hội, xu hướng phát triển của ngành nghề đó trong những năm tới. Thứ hai, năng lực, sở trường của mình có đáp ứng ngành nghề đó hay không. Thứ ba, ngành nghề đó có đúng với những hoài bão, ước mơ của mình? Nếu các em chọn đúng thì cơ hội phát triển nghề nghiệp cao, dễ thành công”.
Để thí sinh có cơ hội vào ĐH, cũng như được theo học đúng ngành nghề yêu thích và phù hợp với năng lực, sở trường, các chuyên gia hướng nghiệp khuyên thí sinh cần xác định được cá tính, sự đam mê của mình và chỉ nên chọn 2 – 3 ngành nghề để tập trung hướng nghiệp. Bởi vì khi mà cơ hội vào các trường đại học càng lớn thì sai lầm trong lựa chọn càng cao. Không phải cứ đỗ trường nào là vào luôn trường đó, để rồi sau một thời gian lại bỏ ngang sẽ rất lãng phí. Nếu thí sinh chọn trường trước, có thể trường sẽ không đào tạo ngành mà thí sinh mong muốn. Thí sinh có thể liệt kê những trường đào tạo ngành mà mình muốn, mức độ cạnh tranh đầu vào, điểm xét tuyển các năm, từ đó đưa ra những lựa chọn thích hợp. Hơn nữa, khả năng theo học cũng là điều thí sinh cần cân nhắc khi chọn ngành, chọn trường. Những trường xét điểm cao được đánh giá là trường có chất lượng giảng dạy tốt nhưng thí sinh cần tính toán khả năng theo học. Nhiều sinh viên khi vào trường không theo kịp bài học, nợ môn, chán nản vì không yêu thích chương trình học, khó ra trường và đành bỏ dở nửa chừng.
Để chọn trường phù hợp năng lực của mình, các thí sinh cần chú ý phân tích sức học dựa trên kết quả học tập bậc THPT, nhất là năm cuối ở lớp 12. Nếu sức học không quá xuất sắc, đừng vội vàng chọn những trường top đầu như: Đại học Y, Đại học Bách Khoa, Đại học Ngoại thương, Đại học Sư Phạm,... Thực tế cho thấy những kỳ thi trước có rất nhiều thí sinh dù có học lực khá nhưng chọn trường có tỉ lệ cạnh tranh đầu vào cao, dẫn đến cánh cửa cơ hội cho mình khó khăn hơn. Nhiều thí sinh chọn trường vượt quá khả năng, chạy theo xu hướng cùng bạn bè dẫn đến đuối sức, không đạt kết quả như mong đợi. Vì vậy, việc chọn đúng ngành, đúng trường và đúng sức là điều thí sinh cần quan tâm khi mùa tuyển sinh đang đến gần.
Xem xét kỹ các yếu tố khi chọn nghề, chọn trường giúp thí sinh chọn trường vừa sức, cơ hội đỗ đại học cao.
Với vai trò là chuyên gia hướng nghiệp, TS. Phạm Mạnh Hà, Phó Trưởng khoa Công tác Thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đưa ra lời khuyên cho thí sinh: Năm nay cơ hội vào ĐH rộng mở nhưng nếu các em chỉ chọn để đỗ ĐH, rất có nguy cơ vào trường mình không thích. Bởi vậy, thí sinh nên chọn những ngành mình mong muốn, sau đó sắp xếp các trường đào tạo những ngành đó theo uy tín, dựa trên bảng xếp hạng, thời gian thành lập, chuyên ngành đó có là chủ chốt hay không. Trên cơ sở đó, thí sinh lựa chọn theo phổ điểm để cơ hội trúng tuyển đúng nghề sẽ cao hơn. “Không có ngành nghề nào không cần đến kiến thức, kỹ năng mà lại có lương cao. Ngành nghề nào người lao động cũng phải có kiến thức sâu và giỏi thì sẽ nhận được công việc tốt, mức lương cao. Bởi vậy hãy chọn ngành mình đam mê, phù hợp với tố chất”, TS. Phạm Mạnh Hà khẳng định.
Ông Bùi Xuân Tiến, Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) tư vấn: Xã hội đang đòi hỏi sự năng động nên chọn những ngành nghề năng động để dễ kiếm việc hơn là những nghề đặc thù như: Luật sư, giáo viên… Ví dụ, các trường có ngành công tác xã hội và dịch vụ xã hội, ra trường cơ hội kiếm được việc làm cao. Các thí sinh cũng có thể chọn ngành kinh tế, thương mại để có thể tự thân lập nghiệp, kinh doanh đa dạng các ngành nghề. “Nếu chọn trường, thí sinh cần tìm hiểu thông tin về xu hướng thị trường lao động trong vòng 10 năm tới, chứ không phải chỉ ở thời điểm 4 – 5 năm sau khi tốt nghiệp. Chỉ như vậy mới tránh được sai lầm trong hành trình chọn nghề tương lai”, ông Bùi Xuân Tiến chia sẻ.
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện có trên 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Trong đó, nhiều người đang phải cất đi tấm bằng đại học để chuyển sang học nghề… Một trong những nguyên nhân chính là do việc hướng nghiệp không phù hợp, dẫn đến xác định sai ngành học. |