CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:11

Tuyển sinh 2016: Không chỉ ĐHQG Hà Nội thi đánh giá năng lực

 

 

Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, dự kiến năm 2016, trường sẽ tuyển sinh theo hai phương thức: Phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức. Sau khi đề án được Bộ GD&ĐT phê duyệt, nhà trường sẽ công bố thông tin chi tiết trên website của trường.

Đồng thời, trường cũng sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia tại cụm thi do các trường đại học chủ trì (xét tuyển bổ sung nếu còn chỉ tiêu).

Điểm xét tuyển là điểm của 3 môn (theo tổ hợp) cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực (điểm các môn thi không nhân hệ số). Nhà trường sẽ xét thêm điểm môn trọng số trong trường hợp nhiều thí sinh có mức điểm bằng nhau.

Nhà trường nhận thí sinh thi môn năng khiếu tại các trường: ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH Mỹ thuật công nghiệp, ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM, ĐH Mỹ thuật TP.HCM, ĐH Thể dục thể thao, ĐH sư phạm Thể dục thể thao.

Hồ sơ xét tuyển của thí sinh phải có bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi môn năng khiếu tại các trường trên. Các ngành Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang, Thiết kế nội thất, Thiết kế công nghiệp, yêu cầu điểm môn năng khiếu phải đạt từ 5,0 trở lên.

Được biết, Trường ĐH Tôn Đức Thắng dự kiến sẽ tuyển 5.000 chỉ tiêu cho năm 2016, tăng 300 chỉ tiêu so với năm 2015.

Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh cũng dự kiến xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực. Theo đó, phương thức tuyển sinh được nhà trường thực hiện qua 2 bước: Bước 1 - xét tuyển, bước 2 - kiểm tra năng lực với 3 tiêu chí là xét điểm học bạ, xét điểm kỳ thi THPT quốc gia và điểm của bài kiểm tra năng lực.

Căn cứ kết quả xét tuyển và điểm của bài kiểm tra năng lực, Trường sẽ định ra mức điểm chuẩn xét tuyển vào Trường theo từng ngành.

Quy trình tuyển sinh, gồm 2 bước:

Bước 1: Xét tuyển điểm trung bình của 3 môn thuộc tổ hợp các môn xét tuyển theo các khối thi truyền thống (Khối A, A1, C, D1,3,6) gồm học bạ ở 6 học kỳ THPT (chiếm tỷ trọng 20%) và điểm thi THPT quốc gia do các trường ĐH chủ trì (chiếm tỷ trọng 60%). Chỉ những thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển mới được Trường thông báo tham gia làm bài kiểm tra năng lực ở bước 2.

Bước 2: Tổ chức kiểm tra đối với những thí sinh đã đạt yêu cầu xét tuyển tại bước 1. Nội dung kiểm tra liên quan đến 4 nhóm kiến thức: Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; Kiến thức xã hội tổng hợp (gồm kiến thức phổ quát về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, giới tính, lịch sử, địa lý, nông thôn; quan niệm của thí sinh về công bằng xã hội, quyền con người; đạo đức công dân); Kiến thức về pháp luật; và Tư duy logic, khả năng lập luận của thí sinh. Bài kiểm tra này chiếm tỷ trọng 20% điểm trúng tuyển vào Trường.

Trường thực hiện đăng ký xét tuyển trực tuyến (online);

Về kiểm tra năng lực, bài kiểm tra năng lực gồm 2 phần trắc nghiệm và tự luận. Mỗi phần chiếm 50% số điểm của bài kiểm tra. Thời gian làm bài trắc nghiệm là 45 phút và phần tự luận là 60 phút.

Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học FPT cũng đã chính thức thông báo kế hoạch tuyển sinh hệ đại học chính quy năm 2016. Với chỉ tiêu dự kiến 2.000 sinh viên cho các khối ngành, trường này yêu cầu các thí sinh phải đáp ứng đủ hai tiêu chí:

Thứ nhất: Đủ tiêu chuẩn học đại học theo quy định của Bộ GD&ĐT hoặc có điểm trung bình cộng 3 môn từ 6,0 điểm trở lên (theo tổ hợp môn tương ứng với ngành đăng ký học tại Trường Đại học FPT) trong 5 học kỳ ( lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) theo kết quả học bạ THPT.

Thứ hai: Trúng tuyển kì thi tuyển sinh đầu vào hoặc đủ điều kiện miễn thi của Trường Đại học FPT.

Thí sinh có nguyện vọng theo học Trường Đại học FPT sẽ được miễn thi kỳ thi tuyển sinh đầu vào nếu đáp ứng một trong những điều kiện sau:

Thuộc diện được tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ đại học chính quy của Bộ GD&ĐT năm 2016;

Tổng điểm 3 môn đạt từ 21 điểm trở lên (đã bao gồm điểm ưu tiên) trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 theo tổ hợp môn tương ứng với ngành đăng ký học tại Trường ĐH FPT;

Điểm trung bình cộng 3 môn từ 7.0 điểm trở lên (theo tổ hợp môn tương ứng với ngành đăng ký học tại Trường Đại học FPT) trong 5 học kỳ ( lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) theo kết quả Học bạ THPT;

Thí sinh là học sinh Trường THPT FPT có điểm trung bình cộng 3 môn từ 6.5 điểm trở lên (theo tổ hợp môn tương ứng với ngành đăng ký học tại Trường Đại học FPT) trong 5 học kỳ ( lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) theo kết quả học bạ THPT;

Đạt giải cấp thành phố cuộc thi Violympic năm 2015, 2016; vào vòng 2 cuộc thi Alice hoặc Scratch 2015; ngành Ngôn ngữ Anh: Có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 80 hoặc IELTS từ 6.0 hoặc quy đổi tương đương; ngành Ngôn ngữ Nhật: Có chứng chỉ tiếng Nhật JLPT từ N3 trở lên.

Theo LẬP PHƯƠNG / giaoducthoidai.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh