Tuyên Quang: Năm 2019 đào tạo nghề cho 8000 lao động nông thôn
- Giáo dục nghề nghiệp
- 00:37 - 13/08/2019
Tuy nhiên, tư duy nghề nghiệp của người dân Tuyên Quang vẫn còn hạn chế, sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào các tục lệ, thói quen, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, chưa chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn tình trạng nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người học, chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; tình trạng thiếu lao động có trình độ tay nghề vẫn còn phổ biến; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo nghề còn cao, nhất là lao động khu vực nông thôn; nhiều lao động sau đào tạo vẫn chưa tìm kiếm được việc làm hoặc chưa áp dụng kiến thức vào thực tiễn; vẫn còn thiếu lực lượng lao động lành nghề phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
Ngày hội việc làm đã giúp nhiều lao động nông thôn tìm được công việc phù hợp.
Trước thực trạng trên, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các chương trình, dự án, phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế và nhiều chương trình, dự án trên địa bàn, đặc biệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
Do đó việc đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho lao động, nhất là lao động nông thôn để họ trở thành lao động làm các công việc trong các lĩnh vực nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu lao động sang phi nông nghiệp, xuất khẩu lao động là một yêu cầu cấp thiết, có vai trò quan trọng đối với việc thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm xây dựng một nền nông nghiệp và kinh tế nông thôn có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ và phù hợp để tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn góp phần xây dựng Tuyên Quang trở thành một tỉnh có công nghiệp và dịch vụ phát triển.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 31,5% năm 2010 lên 54,6% năm 2018, tăng 23,1%; trong đó qua đào tạo nghề từ 17,5% lên 33,8%, tăng 16,3%; ước thực hiện năm 2019, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 57%, trong đó qua đào tạo nghề trên 35%.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 15 cơ sở, trong đó có1 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 9 trung tâm và 2 cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, 1 phân hiệu trường đóng trên địa bàn tỉnh.
Tổng số lao động nông thôn được tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp từ năm 2010-2018: 74.403 người (trình độ cao đẳng, trung cấp: 4.453 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng: 69.950 người). Ước thực hiện năm 2019: 8.000 người (trình độ cao đẳng, trung cấp: 850 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng: 7.150 người).
Tổng số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề từ năm 2010-2018: 48.945 người (lĩnh vực nghề nông nghiệp: 34.212 người; phi nông nghiệp: 14.733 người). Ước thực hiện năm 2019: 5.440 người (nghề nông nghiệp: 3.800 người; phi nông nghiệp: 1.640 người).
Số hộ gia đình có người tham gia học nghề được thoát nghèo từ năm 2010-2018: 4.894 người. Ước thực hiện 2019: 544 người; Số hộ gia đình có người tham gia học nghề trở thành hộ có thu nhập khá: 12.236 người. Ước thực hiện 2019: 1.360 người.
Lao động nông thôn sau khi học nghề áp dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm được chi phí sản xuất; có việc làm được các doanh nghiệp, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tuyển dụng, được chuyển nghề, có thu nhập, tăng năng suất lao động, nhiều hộ biết vận dụng kiến thức được học vào phát triển kinh tế hộ gia đình, bước đầu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2019 lên trên 57%, trong đó qua đào tạo nghề trên 35%.
Đạt được những kết quả đó, tỉnh đã thực hiện cơ chế xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp và có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nghề.
Thực hiện các chính sách đối với hoạt động đào tạo nghề nghiệp, từ năm 2010 đến nay có trên 600 lượt nhà giáo, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh thường xuyên được tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng... để chuẩn hóa theo quy định. Thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, kỹ năng, nghiệp vụ đào tạo của giáo viên được nâng lên, qua đó góp phần tăng hiệu quả trong công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao của tỉnh. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy tuy nhiên giáo viên giảng dạy đối với các nghề chất lượng cao còn thiếu; do vậy việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đào tạo nhân lực có tay nghề cao cần phải được tiếp tục tăng cường tốt hơn trong thời gian tới.
PV