THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:14

Tuyển điều dưỡng viên, hộ lý làm việc tại Nhật Bản: Không có chuyện tiêu chuẩn thấp

Bà Trần Thị Vân Hà

 

Nhu cầu tiếp nhận cao gấp 3 lần so với số người được đào tạo

Qua 5 khóa đào tạo, phía Nhật Bản đánh giá thế nào về chất lượng lao động Việt Nam, thưa bà?

Trong các buổi làm việc với Tổ chức Phúc lợi quốc tế Nhật Bản (JICWELS),  cơ quan đầu mối phía Nhật Bản và các cơ sở tiếp nhận ứng viên Việt Nam, Cục QLLĐNN đều nhận được những đánh giá cao về trình độ tiếng Nhật và năng lực làm việc của các ứng viên đang làm việc. JICWELS cũng thông tin số lượng ứng viên Việt Nam được phía Nhật Bản đăng ký tiếp nhận ngày càng tăng cao qua các năm.

Với mục tiêu cao nhất là thi đậu chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản để có thể làm việc lâu dài tại Nhật Bản, các ứng viên điều dưỡng từ khóa 1 đến khóa 3 đã tham gia kỳ thi chứng chỉ quốc gia từ năm 2015 đến nay với tỉ lệ thi đỗ hơn 60%, cao nhất trong các nước phái cử điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản liên tiếp trong 3 năm qua.

Hiện các ứng viên khóa 5 đang trong thời gian đào tạo tiếng Nhật 12 tháng và đã dự thi kỳ thi năng lực tiếng Nhật vào đầu tháng 7/2017 và 54/239 ứng viên đạt trình độ N3 trở lên (trong tổng số 240 ứng viên nhập học có 1 ứng viên nghỉ học vì lý do cá nhân). Dự kiến số ứng viên khóa 5 sẽ kết thúc khóa đào tạo và thi lấy chứng chỉ tiếng Nhật trình độ N3 trở lên vào tháng 12/2017.

Chất lượng của ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đã được phía các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản đánh giá cao, dẫn tới nhu cầu tiếp nhận của phía bạn luôn cao hơn nhiều so với số lượng ứng viên đang được đào tạo ở mỗi khóa. Điển hình như khóa 4, chỉ có 210 ứng viên đang trong thời gian đào tạo tiếng Nhật 1 năm tại Việt Nam nhưng nhu cầu tuyển dụng của các cơ sở tiếp nhận Nhật Bản thông báo cho Việt Nam là 760 người. Nhu cầu tuyển dụng lớn gấp hơn 3 lần so với số ứng viên được đào tạo như trên không chỉ thể hiện Nhật Bản có nhu cầu tiếp nhận lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở mức cao, con số này còn thể hiện các ứng viên của chúng ta sau khi sang Nhật làm việc đã nỗ lực hết mình để xây dựng uy tín, hình ảnh của ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam trong lòng người dân Nhật Bản, góp phần thúc đẩy chương trình này phát triển thời gian tới.

Việc tuyển chọn các ứng viên cho khóa đào tạo khóa 6 đã bắt đầu, vậy việc tuyển chọn năm nay có gì mới?

Chúng tôi bắt đầu nhận hồ sơ của khóa 6 từ ngày 2 đến hết 22/10, sẽ có 240 ứng viên sẽ được tuyển chọn và đưa vào đào tạo. Điểm mới của chương trình năm nay là sẽ tổ chức thi tuyển ở 2 địa bàn để tạo điều kiện tốt hơn cho thí sinh và tổ chức một đợt tuyển tại phía Nam để giảm chi phí đi lại cho các ứng viên.

Một điểm mới nữa là ngoài văn bản thông báo về chương trình tới các sở LĐ-TB&XH địa phương, các trung tâm giới thiệu việc làm và các trường đào tạo y tế thì chúng tôi còn gửi tờ rơi, poster có mã quét, người lao động quét mã để vào trực tiếp trang thông tin điện tử của Cục QLLĐNN xem chi tiết về chương trình, tải mẫu hồ sơ đăng ký, mẫu khám sức khỏe và các mẫu đơn có liên quan. Đây cũng là sự đổi mới và là nỗ lực của tổ EPA của Cục QLLĐNN với mong muốn thông tin sẽ chính xác nhất, nhiều nhất, rộng nhất tới những người quan tâm.

Điều dưỡng Việt Nam tham gia khóa đào tạo để sang Nhật Bản làm việc

 

 Nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam

Số liệu trên cho thấy, đây là chương trình hấp dẫn với mức lương rất cao nhưng số lượng còn hạn chế?

Cả Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam đều rất kỳ vọng số lượng ứng viên được đưa sang làm việc tại Nhật theo chương trình này sẽ tăng, tuy nhiên hiện ứng viên được hỗ trợ toàn bộ chi phí đào tạo và hoàn toàn từ ngân sách của hai chính phủ nên số lượng còn hạn chế. Nhưng nếu nhu cầu phía Nhật vẫn cao và nguyện vọng sang Nhật làm việc của các sinh viên ngành điều dưỡng của chúng ta cũng tăng thì các bạn cần chủ động tự chuẩn bị cho mình tiếng Nhật từ khi học ngành điều dưỡng, khi đó, có thể thời gian đào tạo khóa tiếng Nhật tập trung ngắn hạn đi và như thế chương trình sẽ hiệu quả hơn. Hiện nay, theo quy định của chương trình này, các bạn có bằng Cao đẳng, đại học điều dưỡng đa khoa mà có chứng chỉ năng lực tiếng Nhật N1, N2 thì không phải tham gia khóa đào tạo này, các bạn có thể nộp hồ sơ và được xét tuyển vào vòng kết nối với các cơ sở tiếp nhận của Nhật luôn, nếu kết nối thành công, các bạn sẽ được xuất cảnh sau 6 tháng.

Sắp tới, Nhật Bản đưa nghề điều dưỡng vào trong danh mục ngành nghề thực tập kỹ năng thì các công ty phái cử của Việt nam có thể tuyển chọn lao động đưa sang Nhật làm việc, tuy nhiên, cho đến nay, các tiêu chí tuyển chọn, điều kiện cụ thể và quy trình tiếp nhận thế nào thì hiện phía Nhật Bản chưa có thông tin chi tiết. Từ 1/11, phía Nhật bắt đầu áp dụng Luật mới này, sau đó, khi nhận được thông báo cụ thể từ phía Nhật thì chúng tôi sẽ thông tin rộng rãi.

Hiện trên mạng có một số tổ chức, cá nhân đưa lên một số trang web thông tin tuyển điều dưỡng đi Nhật với tiêu chuẩn rất thấp, bà có thể cho biết rõ hơn về thông tin này?

Thời gian qua, nhiều đơn vị không có chức năng đưa thông tin tuyển dụng với những tiêu chuẩn về chuyên môn và tiếng rất thấp, mục đích đi làm việc nhưng giấy tờ lại là đi du học, du lịch. Đây là các thông tin không đúng sự thật, thực tế lao động nước ngoài không thể sang làm việc tại Nhật trong các cơ sở y tế với tiêu chuẩn thấp như vậy về tay nghề và ngôn ngữ dưới bất cứ hình thức nào. Người lao động sang theo cách thức đó sẽ là lao động trái phép, lao động chui và bất cứ khi nào bị cảnh sát truy quét hay các cơ quan chức năng kiểm tra thì người lao động hoàn toàn có thể bị phạt tiền, bị bắt giữ và trục xuất về nước. Chúng tôi đã thông tin và đã có cảnh báo rất nhiều lần rằng hiện nay, chỉ có chương trình EPA là chương trình hợp tác duy nhất giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Còn đối với du học sinh nước ngoài được phép làm thêm nhưng theo luật của Nhật Bản thì chỉ được làm thêm không quá 28h/ tuần.

Trên thực tế, nền y tế của Nhật Bản có trình độ phát triển được đánh giá là hàng đầu thế giới nên những yêu cầu đòi hỏi về tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ của họ rất cao, nếu không có tay nghề, không được đào tạo bài bản thì người lao động không thể đáp ứng được yêu cầu công việc.  Chúng tôi đã sang thăm các bệnh viện và các cơ sở chăm sóc sức khỏe của Nhật và thấy rằng ngay cả công việc vệ sinh cũng do các công ty vệ sinh chuyên nghiệp đảm nhiệm và nhân viên y tế là chỉ làm công việc chăm sóc. Trong ngành y tế của Nhật, nếu không có kỹ năng thì khó có cơ hội việc làm chứ chưa nói đến mức lương cao. Vì vậy chúng tôi khuyến cáo người lao động không nên đi làm việc tại Nhật theo các con đường trái phép, sẽ gặp nhiều rủi ro và rất thiệt thòi cho người lao động. 

 Xin trân trọng cảm ơn bà!

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh