THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:35

Thêm cơ hội cho điều dưỡng, hộ lý làm việc tại Nhật Bản

 

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, đây là chương trình giúp cho những người tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng có nguyện vọng được sang làm việc tại Nhật Bản. Các ứng viên đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định nếu được tuyển chọn sẽ tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật miễn phí 12 tháng tại cơ sở đào tạo do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với đơn vị đầu mối phía Nhật Bản tổ chức. Trong thời gian đào tạo, học viên sẽ được cung cấp miễn phí chỗ ở nội trú, bữa ăn và được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí. Kết thúc khóa học, ứng viên sẽ tham gia kỳ thi chứng chỉ năng lực tiếng Nhật cấp độ N3. Nếu đạt trình độ N3, các ứng viên sẽ được giới thiệu tới các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng ứng viên điều dưỡng và hộ lý để lựa chọn.

Theo đó, ứng viên điều dưỡng là những người sẽ tạm trú ở Nhật Bản 3 năm (mỗi năm gia hạn một lần) và thực hiện công việc hỗ trợ điều dưỡng tại bệnh viện nhằm đạt được chứng chỉ điều dưỡng viên để có thể làm việc lâu dài tại Nhật Bản. Ứng viên hộ lý: là những người sẽ tạm trú ở Nhật Bản 4 năm (mỗi năm gia hạn một lần) và tham gia cung cấp dịch vụ hộ lý tại cơ sở chăm sóc sức khoẻ nhằm đạt được chứng chỉ hộ lý để có thể làm việc lâu dài tại Nhật Bản. Những người được lựa chọn sẽ được sang Nhật Bản vừa học vừa làm với thời gian tối đa 3 năm đối với ứng viên điều dưỡng (mỗi năm gia hạn một lần) và tối đa 4 năm đối với ứng viên hộ lý (mỗi năm gia hạn một lần). Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được phép dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý. Ứng viên điều dưỡng được dự thi mỗi năm một lần, ứng viên hộ lý được dự thi một lần vào năm thứ 4. Nếu đỗ, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn tại Nhật Bản.

 

Ảnh minh họa

 

Các công việc ở vị trí ứng viên điều dưỡng bao gồm: Chăm sóc sinh hoạt thường ngày của người bệnh, chăm sóc theo tình trạng bệnh, ho bệnh nhân ăn, vận chuyển các mẫu, kết quả xét nghiệm, các loại đơn, phiếu. Riêng công việc cụ thể của ứng viên hộ lý bao gồm: Giao tiếp, tạo dựng quan hệ, tư vấn cho người già, người bệnh cần được chăm sóc; quan sát tình trạng tinh thần, sức khoẻ của người già, người bệnh; Hỗ trợ sinh hoạt thường ngày tuỳ theo tình trạng tinh thần và sức khoẻ của người già, người bệnh như hỗ trợ di chuyển, tắm, thay đồ, ăn uống, vệ sinh. Mức lương của ứng viên điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản sẽ theo quy định của pháp luật Nhật Bản. Tuy nhiên, mức lương thông thường của ứng viên điều dưỡng là 130.000 - 140.000 yên/tháng, ứng viên hộ lý là 140.000 - 150.000 yên/tháng. Ngoài mức lương trên, thông thường ứng viên sẽ được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc.

Các công dân Việt Nam có nguyện vọng đăng ký tham gia chương trình này phải tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (3 năm) hoặc cử nhân điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (4 năm) đối với ứng viên hộ lý. Riêng đối với ứng viên điều dưỡng, còn phải được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Và, phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm công việc điều dưỡng.

Ứng viên nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH (Địa chỉ: số 41B, Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể từ ngày 2/10 đến hết ngày 22/10/2017 (trừ Thứ 7, Chủ Nhật và ngày lễ). Kỳ thi tuyển sẽ được tổ chức tại 2 điểm Hà Nội (ngày 9/11 và ngày 10/11/2017) và TP. Hồ Chí Minh (ngày 13/11/2017). Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ thông báo danh sách ứng viên trúng tuyển tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vnwww.molisa.gov.vnwww.hotrolaodongngoainuoc.org ).

Thông báo trúng tuyển và thủ tục nhập học sẽ được thông báo qua bưu điện đến địa chỉ ứng viên đã cung cấp. Các ứng viên cần tìm hiểu thêm thông tin có thể liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 04.3936.6633 hoặc 04-3824-9517 (số máy lẻ 609, 612).

MINH VŨ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh