THỨ SÁU, NGÀY 09 THÁNG 05 NĂM 2025 05:57

Tương lai việc làm là về con người

 

TS Đào Quang Vinh trình bày tham luận tại buổi tọa đàm

Đến từ Cty tuyển dụng nhân lực trực tuyến lớn nhất Việt Nam Navigos Group, bà Mai Thúy Hằng, Phó Giám đốc bộ phận giải pháp tuyển dụng chia sẻ, vấn đề biến đổi nghề nghiệp dưới tác động của công nghệ đang diễn ra rất mạnh mẽ. Dự kiến đến năm 2030, công nghệ đồng thời làm mất đi/thay đổi một số nghề và tạo ra các nghề mới. Ở quy mô toàn cầu, việc làm vẫn được mở rộng theo mức độ tăng trưởng của lực lượng lao động. Tự động hóa khó có thể “xóa sổ” tất cả các nghề nhưng có thể thay đổi loại hình, một số thao tác và quy trình trong hầu hết các nghề. Dưới 20% nghề nghiệp sẽ biến mất hoàn toàn. Trong khoảng 60% các nghề, 1/3 quy trình thao tác sẽ được tự động hóa. Khoảng 15% việc làm toàn thời gian sẽ được thay thế bằng máy móc tự động. Tác động lớn nhất sẽ xảy ra trong ngành sản xuất chế tạo và một phần của ngành dịch vụ.

Bà Mai Thúy Hằng cho biết thêm, trong tương lai, việc biến đổi mô hình kinh doanh và loại hình việc làm cũng sẽ có thay đổi. Hình thức trung tâm dịch vụ (service center) tăng trưởng mạnh. Một số nghề yêu cầu kỹ năng cấp trung được giao kết hợp đồng lao động thông thường với thời gian làm việc thông thường được thay bằng các hình thức giao kết hợp đồng “khác chuẩn”. Việc làm tạm thời tăng trưởng mạnh nhờ các nền tảng chia sẻ. Dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo giúp kết nối kỹ năng tốt hơn, cải tiến quy trình tuyển dụng của các doanh nghiệp lớn.

Phát biểu tại hội thảo, TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, các yếu tố chính làm thay đổi thị trường lao động trong tương lai là: Công nghệ, chuyển đổi sang môi trường bền vững, thay đổi nhân khẩu học. Cụ thể, trong năm 2018, trên 50% Cty trên thế giới áp dụng tự động hóa để cắt giảm lao động. Và cũng trong năm 2018 triển khai chương trình biển đổi khi hậu Paris sẽ làm mất đi 6 triệu việc làm trong các ngành gây ô nhiễm, đồng thời tạo ra 24 triệu việc làm trong các ngành thân thiện với môi trường...

 

Bà Mai Thúy Hằng, Phó Giám đốc bộ phận giải pháp tuyển dung, Cty  Navigos Group phát biểu tại buổi tọa đàm

Tại Việt Nam, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc xây dựng và thực thi các chính sách lao động, việc làm và phát triển kỹ năng thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế như: Hệ thống luật pháp chưa phù hợp với thực tiễn; thị trường lao động hoạt động kém hiệu quả ở nhiều khâu (thông tin, dự báo, kết nối cung cầu…); chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, hiệu suất, năng suất thấp, chưa tận dụng được lợi thế thời kỳ dân số vàng; hệ thống quản lý, theo dõi và giám sát chính sách còn kém hiệu quả, chậm đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn…

Cũng theo TS Đào Quang Vinh, tương lai việc làm không chỉ là trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, không chỉ tập trung vào những cách mà công nghệ tác động đến nơi làm việc. Tương lai việc làm là về con người. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đang tổ chức đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng định hướng chiến lược của ngành giai đoạn 2021 - 2030. Yêu cầu đặt ra là phải có sự đánh giá toàn diện những mặt được, mặt hạn chế, phương pháp đánh giá khoa học và khách quan, dựa trên bằng chứng. Đặc biệt, việc xác định các định hướng chiến lược, mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn tới cần dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn, phân tích bối cảnh mới, các yếu tố tác động và đặt trong mối quan hệ với các mục tiêu kinh tế xã hội khác. Các chính sách lao động, việc làm và phát triển kỹ năng phải đặt con người làm trung tâm, thực sự vì người lao động.

Yêu cầu đặt ra trong 10 năm tới là phải hoàn thiện thể chế thị trường lao động, đảm bảo thị trường lao động được vận hành đầy đủ theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường, theo quy luật cung cầu để lao động xã hội được phân bổ và sử dụng hiệu quả. Muốn vậy, khung khổ luật pháp về lao động phải tạo ra sân chơi bình đẳng, loại bỏ các rào cản cho mọi hoạt động lao động, mọi doanh nghiệp và đối tác tham gia thị trường lao động. Chính sách lao động việc làm và phát triển kỹ năng phải được thiết kế theo hướng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, tăng cường công bằng xã hội và phát triển bền vững. Quyền của người dân và của người lao động phải được tôn trọng và đảm bảo trong thực tế.

Đến nay, hệ thống luật pháp, chính sách lao động, việc làm và phát triển kỹ năng đã được thiết kế, bổ sung và sửa đổi phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích của người lao động và thúc đẩy công bằng xã hội. Các chính sách lao động, việc làm và phát triển kỹ năng đã phát huy tác dụng, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, giảm thất nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân, thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại.

VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh