THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:45

Tương lai thế giới qua con mắt của Lý Quang Diệu

 

Bìa cuốn:“Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới”, NXB Thế giới và Thaihabooks xuất bản quý 2/2015)

Cuốn sách “Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới” do Nguyễn Xuân Hồng dịch từ nguyên bản tiếng Anh, sẽ cung cấp cho độc giả rất nhiều kiến thức, mở rộng tầm nhìn của chúng ta về những nước lớn đang xoay chuyển cả thế giới hiện đại và những vấn đề lớn khác như tương lai của “chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan”, của “địa chính trị và toàn cầu hóa”, của “nền dân chủ”… qua sự tuyển chọn những bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của Lý Quang Diệu trong nhiều năm qua.

Trong bài viết “Sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và những hệ lụy” viết từ tháng 3/2011, Lý Quang Diệu đã nhận định: “Ý định của Trung Quốc là trở thành cường quốc thế giới. Các chính sách của mọi chính phủ đối với Trung Quốc, đặc biệt các nước láng giềng, đều phải tính đến vấn đề này. Các chính phủ ấy phải xác định lại vị thế của chính họ bởi vì họ biết rằng sẽ có nhiều hậu quả nếu họ ngăn trở Trung Quốc khi lợi ích cốt lõi của quốc gia đó bị đe dọa…” (trang 3, chương 1).

Một nhận định khác của Lý Quang Diệu về Trung Quốc cũng rất đáng lưu tâm khi ông cho rằng:“Trung Quốc sẽ không trở thành một nền dân chủ tự do… Nếu bạn tin rằng sẽ có một cuộc cách mạng dân chủ dưới dạng nào đó ở Trung Quốc thì bạn nhầm…Tôi không tin rằng bạn có thể áp đặt cho các quốc gia khác những chuẩn mực xa lạ và hoàn toàn không có gì liên hệ với quá khứ của họ…” (trang 19-20).

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu trong một lần gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tuy vậy, Lý Quang Diệu cũng có nhận định không chính xác, ví  như ông cho rằng Trung Quốc vẫn sẽ duy trì “tăng trưởng với một tốc độ phi thường là 10% mỗi năm… ít nhất thêm một thập kỷ nữa” (trang 18). Cái sai cũng dễ hiểu vì đây là nhận định từ 5 năm trước và trong 5 năm qua, thế giới cũng như Trung Quốc đã có những biến động ít ai lường được. Chúng ta đã biết hiện Trung Quốc chỉ tăng trưởng xấp xỉ 7% và sự xuống dốc của thị trường chứng khoán làm mất tiêu hàng ngàn tỷ đô la gần đây có thể là báo hiệu tình hình còn xấu hơn nhiều.

Về nước Mỹ, Lý Quang Diệu đã có những đánh giá cao về nhiều mặt. Ông cho rằng: “Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất nhờ những bước tiến của họ về khoa học công nghệ… Mỹ là một quốc gia vĩ đại không chỉ nhờ sức mạnh và sự giàu có của mình mà chủ yếu vì đây  là một quốc gia đi lên nhờ những ý tưởng tuyệt vời… Hoa Kỳ là cường quốc tốt bụng nhất trong số tất cả các cường quốc, chắc chắn ít áp chế hơn hẳn bất kỳ cường quốc đang trỗi dậy nào…” (trang 32-33). Và không ngại chỉ ra những những điều “lo lắng về chính phủ Mỹ”.

“… Các vị tổng thống không được tái đắc cử nếu họ đưa cho người dân của mình một liều thuốc đắng. Cho nên có xu hướng trì hoãn, lần lữa các chính sách không được ủng hộ để giành chiến thắng trong bầu cử. Cứ thế, các vấn đề như thâm hụt ngân sách, nợ nần và tỉ lệ thất nghiệp cao được đẩy từ chính quyền này sang chính quyền tiếp theo…Chế độ tổng thống chắc chắn không thể tạo ra chính phủ tốt bằng chế độ nghị viện…” (trang 34). Lý Quang Diệu còn thẳng thừng nói rằng: “Tôi thấy có nhiều điều hoàn toàn không thể chấp nhận được: súng ống, ma túy, tội phạm bạo lực, tính không ổn định, ứng xử thiếu văn minh…Các quyền thái quá của cá nhân làm ảnh hưởng đến cả cộng đồng… Ở Hoa Kỳ, mối quan tâm của cộng đồng bị hy sinh vì các quyền con người của những kẻ buôn bán và tiêu thụ ma túy…” (trang 39). Đây là điều Lý Quang Diệu phát biểu tại Diễn đàn Sáng tạo Tokyo từ năm 1992 và đến nay, thực trạng nước Mỹ có thể đã khác, nhưng việc Tổng thống Barack Obama mới đây thú nhận bất lực trước việc sử dụng vũ khí tự do ở Mỹ, chứng tỏ các nhận định của Lý Quang Diệu trước đó là có cơ sở. 

Ông Lý Quang Diệu cũng thẳng thắn: “Ngược với những gì giới bình luận chính trị Mỹ nói, tôi thực sự không tin rằng chế độ dân chủ nhất thiết sẽ dẫn tới phát triển. Tôi tin rằng những gì một đất nước cần để phát triển là kỷ luật chứ không phải dân chủ” (trang 36). Và ông bác bỏ việc truyền thông Mỹ “nhắm vào Singapore và chỉ trích chúng tôi là chuyên quyền, độc tài; một xã hội bị thống trị, bị bó buộc, cứng nhắc và khô khan…” (trang 40). Có lẽ đây là vấn đề đã gây ra những cuộc tranh luận, những ý kiến khác nhau về Lý Quang Diệu và “mô hình Singapore”. Có điều cần lưu ý là Lý Quang Diệu nêu ý kiến đó trên cơ sở có: “một chính phủ tốt…, có những con người giỏi trong chính phủ” và trong chương “Tương lai nền dân chủ”, ông nói thêm: “Chúng tôi thực hiện quyền lực với tư cách những người được nhân dân ủy thác, với ý thức rất rõ về trách nhiệm ủy thác của mình… Khi những người có quyền coi quyền lực được giao cho mình như một thứ đặc quyền cá nhân thì tất yếu họ sẽ làm giàu cho bản thân, làm lợi cho gia đình mình và ưu ái bạn bè… Khi đó người dân phải trả giá đắt và lâu dài cho những tội lỗi của những lãnh đạo này…” (trang 152). Ở một đoạn khác, khi nói về những yêu cầu cho chế độ dân chủ, ông Lý nêu trước hết là:“phải có một cử tri đoàn thận trọng và quan tâm để lựa chọn, và sau đó kiểm soát bằng sức mạnh của công luận đối với những chính trị  gia mà họ chọn để đảm nhận những công việc của đất nước…”

Một góc Singapore tươi đẹp.

Trong cuốn gần 300 trang, Lý Quang Diệu còn có những ý kiến rất đáng tham khảo về nhiều vấn đề hệ trọng khác như “Tương lai quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ”. Theo ông Lý: “Sẽ có sự cạnh tranh giành ảnh hưởng. Tôi nghĩ điều đó sẽ được kiềm chế bởi vì Trung Quốc cần Hoa Kỳ, cần thị trường Hoa Kỳ, công nghệ Hoa Kỳ, cần gửi sinh viên tới Hoa Kỳ học phương pháp và phương tiện kinh doanh để có thể cải thiện số phận mình. Họ sẽ cần đến 10, 20, 30 năm. Nếu bạn gây sự với Hoa Kỳ và trở thành kẻ thù, tất cả những năng lực thong tin và công nghệ đó sẽ bị cắt đứt… Cạnh tranh giữa hai bên là điều tất yếu, nhưng xung đột thì không…”

Không phải tất cả những ý kiến của Lý Quang Diệu đều đúng đắn và được mọi người đồng tình, Việt Nam là một quốc gia có lãnh thổ rộng lớn hơn nhiều với dân số gấp hàng chục lần Singapore, các vấn đề chính trị-xã hội đặt ra phức tạp hơn nhiều. Nhưng từ kinh nghiệm một nhà lãnh đạo quốc gia có thành tựu nổi bật được cả thế giới thừa nhận, từ những mối quan hệ với nhiều nhân vật có vai trò lớn trên trường quốc tế. Những ý kiến của ông rất đáng để chúng ta tham khảo, suy ngẫm và nếu cần, có thể kịp thời bổ sung, thay đổi các chính sách cũng như đường hướng đối nội, đối ngoại cho phù hợp với tình hình thế giới đang biến động nhanh chóng và khó lường như hiện nay…

Nguyễn Khắc Phê

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh