Giúp phụ nữ tránh bẫy buôn người
- Pháp luật
- 20:38 - 12/08/2015
Những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương được cải thiện đáng kể. Bộ mặt nông thôn, miền núi ở đây đang dần đổi thay và ngày càng khởi sắc hơn. Thế nhưng một thực tế không thể phủ nhận là, lao động nông nhàn vẫn còn nhiều, nhận thức của người dân còn thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế do đó không ít người đã mất cảnh giác, ham lợi bị bọn buôn người dụ dỗ lên thành thị làm thuê hoặc bị lừa bán sang Trung Quốc.
Vụ em Vi Thị B. ở bản Bãi Xa, xã Tam Quang là một ví dụ điển hình: cách đây hơn 1 năm có một nhóm người đến rủ em đi làm việc ở nhà hàng sẽ có tiền lương cao. Khi đi theo lời dụ dỗ với những lời hứa ngon ngọt về một tương lai giàu có nơi thành thị. Do ít học, lại nhẹ dạ nên khi vừa rời khỏi địa phương em B. bị nhóm người này bán sang Trung Quốc làm vợ; hay chị Lô Thị Lương ở bản Bãi Xa và chị Kha Thị Hà cũng bị lừa bán sang Trung Quốc đến nay vẫn chưa trở về được...
Tính đến nay trên địa bàn xã Tam Quang, huyện Tương Dương có 9 người bị lừa bán sang Trung Quốc và 20 người bị lừa sang Trung Quốc lao động trái phép. Hầu hết họ là phụ nữ nghèo, vì nhẹ dạ, cả tin lại muốn có việc làm, nên bị bọn buôn người lừa. Sau khi trở về, các chị đã được các cấp ngành trên địa bàn tạo điều kiện hỗ trợ vốn để làm ăn, ổn định đời sống...
Đó chỉ là những vụ đã có kết thúc "tốt đẹp" do được kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý. Bên cạnh đó vẫn còn những trường hợp chưa thể trở về sau khi bị lừa; hoặc trở về nhưng không khai báo, mà giấu diếm vì xấu hổ, sợ bị trả thù... Chính vì vậy, họ rất ngại tiếp xúc, cũng như từ chối không tham gia tuyên truyền, vận động phòng chống nạn buôn người khi được yêu cầu.
Một buổi sinh hoạt CLB, tuyên truyền cho hội viên kiến thức phòng chống buôn bán người.
Trước thực tế đáng báo động đó, cuối năm 2014, Hội Phụ nữ xã và Ban Công an xã Tam Quang phối hợp với Hội phụ nữ Công an tỉnh thành lập câu lạc bộ (CLB) "Phòng chống buôn bán người". Đây là CLB làm thí điểm trên địa bàn huyện Tương Dương nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng ngừa tội phạm buôn bán người nói chung, buôn bán phụ nữ, trẻ em nói riêng. Tham gia CLB chủ yếu là cán bộ, hội viên phụ nữ, nhất là những đối tượng phụ nữ trẻ em có trình độ học vấn thấp, không có công ăn việc làm ổn định có nguy cơ bị lôi kéo, lừa gạt.
Theo chị Lương Thị Hoa, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tam Quang là thành viên trong CLB cho biết: “Tại các buổi sinh hoạt, các thành viên không chỉ được tuyên truyền, phổ biến Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm mua bán người; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Phòng, chống mua bán người. Qua các buổi sinh hoạt, hội viên còn được thành viên trong câu lạc bộ tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, được giao lưu văn hoá, văn nghệ và thảo luận về các chủ đề: nuôi con khoẻ, dạy con ngoan; giới và bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; kỹ năng tổ chức cuộc sống trong gia đình; kỹ năng tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm...Từ đó, hội viên dễ dàng nhận biết các dấu hiệu, thủ đoạn và hành vi lừa đảo của các đối tượng tội phạm mua bán người; nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh tố giác đối với các loại tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng. Bên cạnh đó, Ban chủ nhiệm CLB đã phân công từng tuyên truyền viên phụ trách tại các mỗi thôn, bản để vận động cho người dân hiểu cách phòng, chống loại tội phạm nguy hiểm này”.
Có thể khẳng định, qua một thời gian hoạt động, CLB “Phòng chống buôn bán người” ở xã Tam Quang bước đầu thực sự đã phát huy hiệu quả, từ đó đến nay chưa có trường hợp nào bị lừa ban sang Trung Quốc. Nếu sớm được nhân rộng mô hình CLB, chắc chắn số phụ nữ và trẻ em bị lừa, bán trên địa bàn Nghệ An sẽ giảm đáng kể.