CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:13

Khi đàn ông bị bắt về làm... chồng

 

Trong khi vợ leo núi làm rẫy, chồng ở nhà ăn nhậu.

Người dân tộc Raglai chủ yếu sinh sống ở các huyện miền núi tỉnh Ninh Thuận. Khi “ưng cái bụng” chàng trai nào trong làng, cô gái Raglai mới lớn, thậm chí mới 12-13 tuổi cũng có thể bắt anh chàng về làm chồng, không kể gần xa, họ hàng…

Bắt chồng từ tuổi 13

“Mình là nhà gái, đi bắt con người ta về làm cho nhà mình thì phải chịu bỏ tiền ra chứ. Công người ta nuôi con mấy chục năm mà”.              

Ông Ka Tơ Toàn

Những ngày này, xung quanh con đường nhựa ngoằn ngoèo dẫn vào xã nghèo Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, cây rừng bắt đầu đâm chồi, nảy lộc sau mùa khô trụi lá. Cái nắng lúc gần trưa vẫn chói chang, hừng hực. 

Con đường bê tông rộng chừng hơn một mét dẫn vào thôn bản có nhiều đoạn dốc ngắn nhưng khá gắt. Đường vắng tanh, không một bóng người. Vị Chủ tịch xã giới thiệu cho chúng tôi một anh tên Hoa chuyên mảng văn hoá xã dẫn đến nhà một số người già. Vừa đi anh vừa kể về phong tục tập quán của địa phương. Anh nói nơi đây vẫn còn quá nhiều hủ tục, tảo hôn là chuyện bình thường nhưng khó xử lý. “Ở khu vực ngoài này còn đỡ, chứ mấy thôn ở sâu trong núi vẫn còn nhiều lắm, đa số là tảo hôn, con gái 12-13 tuổi đã bắt chồng rồi”, anh Hoa nói.

Một góc làng Do, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh:  Ngô Bình

Anh Hoa dẫn chúng tôi tìm đến ông Ka Tơ Toàn (SN 1953). Giữa trưa nắng, ông Toàn ngồi chẻ mây đan gùi trước cửa. Thấy khách lạ vào hỏi thăm, ông dừng tay châm ly trà. Căn nhà cấp bốn chừng 40m2 của ông được Nhà nước xây cho cách đây chưa lâu, bên trong là bốn đứa cháu chừng 7-8 tuổi quần áo xộc xệch đang chơi đùa, không đứa nào được đến trường. 

Ông nói: “Mẹ chúng nó đi rẫy rồi, bố thì đang nhậu ở nhà bên”. Xung quanh nhà là những căn nhà gỗ lụp xụp của 7 người con của ông. “Bắt chồng hả? Ở đây nhà nào chả thế, mấy đứa con của tôi cũng bắt từ khi 16 tuổi, nhưng làng nào bắt làng đó thôi, chứ đi sang làng khác họ đòi thách ghê lắm”, ông Toàn nói. Theo ông, ở đây, nhiều đứa trẻ mới 13-14 (không đi học) đã đòi gia đình cho đi bắt chồng; cảnh người mẹ 14-15 tuổi địu đứa trẻ sơ sinh trên vai đi rẫy không phải hiếm, người lạ nhìn thấy tưởng chị trông em.

Tiêu chí chọn rể của người Raglai nơi đây là khỏe mạnh, biết làm rẫy, săn bắt, siêng năng, không rượu bia, không quậy phá. Theo ông Toàn, khi đôi trai gái đã thích nhau rồi thì bắt buộc gia đình phải tổ chức đám cưới, nếu không, có khi cả hai hái lá ngón ăn. 

Nhớ lại chuyện một nữ sinh 16 tuổi ở sát nhà mình ăn lá ngón tự tử, ông Toàn nói: “Ở đây, tự tử nhiều lắm rồi, con gái cứ ưng thằng đàn ông nào mà gia đình không cho lấy là tìm cách tự tử à. Chúng thích nhau là phải cho cưới cho dù là anh em họ gần. Cách đây không lâu, bên cạnh nhà tôi có đứa bắt chồng là anh em họ mới một đời”, ông kể.

Một trong những mái nhà lụp xụp của con già làng Chammalé Âu. Ảnh:  Ngô Bình

Ông Toàn cho biết, nữ sinh ăn lá ngón tự tử cũng là con cháu trong dòng họ của ông. Hồi đó, nữ sinh này thích một chàng trai ở làng bên, nhưng gia đình không cho cưới, cô gái này bỏ nhà đi một thời gian để dọa gia đình, nhưng vẫn không được đồng ý cho bắt chồng. 

Mấy ngày sau, cô gái cùng người yêu lên núi hái lá ngón ăn. “Ở đây, mỗi năm có cả chục vụ tự tử bằng lá ngón vì đòi bắt chồng mà không được phép. Có những đứa 13-14 tuổi cũng đòi đi bắt chồng, rồi khi bị cản ngăn, chúng lên núi hái lá ngón tự tử”, ông nói.

Vợ leo núi, chồng bê bết rượu chè

Xế chiều, chúng tôi trở lại một tiệm tạp hóa ở thôn Do, xã Ma Nới. Tại đây, nhiều chàng trai khỏe mạnh túm tụm quanh chiếc bàn nhựa để uống rượu. Đồ mồi của họ chỉ là đĩa cá khô và mấy quả dưa chuột, nhưng dưới chân bàn đã có 3-4 chai nhựa rỗng nằm lăn lóc. Khuôn mặt ai nấy đỏ ửng vì đã thấm men. Xung quanh không có người phụ nữ nào. Hỏi ra mới biết, những người vợ của họ đã lên nương làm rẫy, bẻ ngô thuê, hái rau rừng trên các sườn núi cheo leo. “Đa số đàn ông ở đây là như vậy, suốt ngày ở nhà ăn chơi, nhậu nhẹt, chứ không chịu đi làm. Mọi công việc kiếm tiền đều do người vợ lo hết”, anh Hoa, cán bộ văn hoá xã, nói.

Theo phong tục của người dân tộc nơi đây, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, trong đó có tài chính, đều do người phụ nữ quản lý. Khi chia tay, người đàn ông phải rời khỏi nhà vợ mà không được mang theo bất cứ tài sản gì. Mọi chi phí cho lễ ăn hỏi, lễ cưới đều do gia đình nhà gái lo. Theo ông Toàn, với lễ hỏi, nhà gái phải chuẩn bị đồ lễ gồm cơm, rượu cần, nhẫn (nhẫn thường làm bằng nhôm, sắt, inox), chuỗi hạt cườm… đem đến nhà trai để nói chuyện. Nếu hai bên đồng ý thì 8 ngày sau, nhà gái sẽ chuẩn bị đồ lễ khác để đến làm đám cưới, bắt rể về nhà. 

Cháu của ông Ka Tơ Toàn không được đến trường, chơi quanh quẩn ở nhà ngoại.

“Một cái đám hỏi cũng tốn 5 triệu đồng, 8 ngày sau, nhà gái chưa chuẩn bị kịp thì xin thêm 8 ngày nữa, nếu vẫn không kịp thì xin lên 34 ngày. Nếu hết 34 ngày mà nhà gái không chuẩn bị đủ sính lễ để làm lễ cưới, bắt rể thì coi như bỏ”, ông Toàn nói. Để chuẩn bị cho một đám cưới, nhà gái phải bỏ ra kinh phí lớn gấp 10 lần lễ hỏi, gồm nhẫn vàng, cơm, rượu, thịt, quần áo… đem đến cho nhà trai. Tổng chi phí không dưới 50 triệu đồng. Về việc nhà gái phải lo toàn bộ chi phí cho đám cưới, ông Toàn lý giải: “Mình là nhà gái, đi bắt con người ta về làm cho nhà mình thì phải chịu bỏ tiền ra chứ. Công người ta nuôi con mấy chục năm mà”.

Ông Ka Tơ Toàn vừa đan gùi vừa chăm cháu.

Theo ông Toàn, người Raglai ở Ma Nới ưng là bắt chồng về sống chung luôn chứ không trải qua phong tục ngủ thảo (ngủ chung với nhau để tâm sự, tìm hiểu nhau, không có chuyện ái ân) như ở huyện Bác Ái. Ở đây, đàn ông khi về nhà vợ sẽ phải trải qua 1-3 năm thử thách. Trong thời gian này, nếu phạm lỗi hay đánh vợ thì có khả năng bị đuổi về nhà bố mẹ đẻ mà không được mang theo thứ gì. 

Chammalé Âu, già làng thôn Do, cho biết, dân tộc Raglai theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ nắm quyền trong gia đình và chi phối mọi việc. Nếu chàng trai về nhà làm rể mà phạm lỗi lớn thì cả họ họp lại giáo dục. Lần một, lần hai rồi lần ba. Nếu không chịu sửa đổi thì sẽ bị đuổi rể, tức là đuổi về nhà bố mẹ đẻ và khi đó người đàn ông sẽ rất khó để có người khác bắt làm chồng.

Ông Nghiêm Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Ma Nới, cho biết, cư dân trong xã miền núi này phần lớn là người dân tộc thiểu số, hủ tục ở đây vẫn còn. Thậm chí có đến 60-70% người dân tộc thiểu số tảo hôn. Xuất phát từ thực trạng dù chồng có làm được bao nhiêu, nhưng khi vợ chết, chồng ra đi tay trắng, nên phần lớn đàn ông không lo làm ăn, mà suốt ngày ăn nhậu, chơi bời.

Theo Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh