Tảo hôn và nỗi lo xuyên thế hệ
- Dược liệu
- 13:08 - 06/07/2015
.
Làm mẹ ở tuổi 16
Khi chúng tôi đến nhà, vợ chồng bà Ka Thin, ở thôn Krọt Dờng, (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, Lâm Đồng) tiếp đón thật niềm nở. Hai ông bà không ngớt nói chuyện khoe đứa cháu ngoại đang bồng trên tay mới sinh ra được 9 ngày tuổi. Bà Ka Thin nói: “Nó bị đẻ non, có 8 tháng trong bụng, được có 2,1kg thôi. Đây là con của Ka Hồng, 16 tuổi”. Ông K’Reo (61 tuổi) có 2 đời vợ sinh cả thảy 14 người con và bà Ka Thin là vợ sau có 5 đứa, Ka Hồng là con gái thứ ba của bà Ka Thin. Ông K’Reo nói: “Mình phải lo cho chúng nó, nuôi cháu để mai mốt nó lo giữ đất đai. Do con Ka Hồng còn nhỏ tuổi quá nên cha nhà thờ không cho làm lễ cưới, mới làm đám hỏi thôi. Nhà mình bắt chồng cho nó hết 3 chỉ vàng, 15 cái ui, 7 triệu đồng và còn giết heo, gà làm tiệc nữa”.
Trước đó, trong một chuyến công tác, tôi gặp cô gái trẻ rất xinh đẹp, còn hồn nhiên vô tư đã phải làm mẹ vất vả với đứa con đầu lòng - Ka Hương, 17 tuổi, ở thôn Ka La Tô Krềng (xã Bảo Thuận). Cô địu con trai 4 tháng tuổi từ vườn cà phê vào nhà tiếp đón chúng tôi bằng nụ cười trẻ thơ. Học đến lớp 9, Ka Hương nghỉ học và năm 16 tuổi "bắt chồng" là K’Bróih bên làng Krọt Dờng, sau khi quen nhau được 2 năm và đã có thai 3 tháng. Ka Hương cho biết: “Chúng em chưa tổ chức đám cưới, khi nào có điều kiện thì mới làm đám cưới. Phong tục ở đây ai cũng như vậy. Để bắt chồng về ở với mình thì hai bên gia đình đã gặp nhau, làm lễ nhỏ ở nhà thờ. Bây giờ chúng em còn ăn ở chung với bố mẹ, chưa có phần riêng”. Chia sẻ về việc làm mẹ khi tuổi còn trẻ, Ka Hương nói rằng: “Mang thai vất vả lắm, nhờ có mẹ giúp. Khi sinh bé được 2,9kg, sinh thường, bây giờ bé đã được 7kg rồi. Bố mẹ còn lo cho mình, cho cháu”.
Nỗi lo của cán bộ dân số
Ông K’Bril, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận cho biết: Cuối năm 2013, khảo sát ở các thôn có 35 cặp tảo hôn, như vậy là rất cao. Do phong tục tập quán của bà con, khi lấy vợ lấy chồng, có con, người ta làm lễ trước ở nhà chứ không thèm đi đăng ký kết hôn. Xong cái lễ họ coi như đã lấy nhau, thành vợ thành chồng. Đến khi họ đăng ký kết hôn thì chúng tôi phát hiện ra cặp vợ chồng này đã ở với nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn. Người ta chờ đến khi đủ tuổi vừa đăng ký kết hôn, vừa làm khai sinh cho con.
Ông K’Bril chia sẻ thêm: “Chúng tôi đã cố gắng tuyên truyền vận động, xuống cùng thôn, già làng, trưởng bản để phân tích việc tảo hôn ảnh hưởng sức khỏe phụ nữ. Đồng thời xây dựng CLB “Nói không với tảo hôn”, chọn thôn Bảo Tuân làm điểm, nếu thành công sẽ nhân rộng ra các thôn trên toàn xã. Đặc biệt, thôn nào có tảo hôn cao phải tập trung vào, gia đình nào không thực hiện tốt kết hôn đúng độ tuổi quy định của pháp luật thì việc đăng ký xây dựng gia đình văn hóa không đạt. Ở đây không phải một lúc mà thay đổi ngay được, chúng tôi phải họp thôn, tiếp xúc với người lớn tuổi, trao đổi trực tiếp, phân tích cho bà con hiểu việc tảo hôn là không đúng, nhất là tập trung vào lớp trẻ, đoàn thanh niên ở các thôn xây dựng các phong trào bề nổi để thu hút được tất cả các đoàn viên trong thôn tham gia tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, việc lấy vợ lấy chồng theo pháp luật. Với nhiều biện pháp khác nhau, đồng bộ như thế thì hy vọng một ngày nào đó việc tảo hôn sẽ không còn nữa”.
BS. Phan Văn Xoan, Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Di Linh cho biết: Từ năm 2010 đến nay, chúng tôi triển khai dự án ngăn chặn tảo hôn và kết hôn cận huyệt thống ở 4 xã: Bảo Thuận, Sơn Điền, Gia Bắc, Đinh Trang Thượng. Chúng tôi tiến hành điều tra từ các cháu sinh trong các năm 2011-2013 mới thấy nổi cộm lên các cặp cha mẹ các cháu chưa đến tuổi trưởng thành để kết hôn.
Các trường hợp tảo hôn xảy ra ở tất cả các xã, thị trấn toàn huyện, nhiều nhất ở Liên Đầm 49 cặp, Đinh Lạc 34 cặp... Đây là vấn đề xã hội mà ngành dân số đang còn phải tác động, làm sao cùng các ban ngành đoàn thể giảm tình trạng tảo hôn, xóa phong tục lấy vợ bắt chồng sớm của người K’ho. Bởi tảo hôn cũng là khó khăn trong công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Trường hợp người Kinh tảo hôn có 13 cặp là do có thai ngoài ý muốn bắt buộc phải kết hôn mang tính chất gia đình chứ không được cấp giấy đăng ký của tư pháp. Đây là một vấn đề trong ngành dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản thanh niên và vị thành niên.