Tư tưởng Hồ Chí Minh với nghệ sĩ sân khấu Thủ đô
- Văn hóa - Giải trí
- 00:00 - 12/06/2020
Tại buổi hội thảo, các đại biểu cùng nhau tham luận về tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là đối với nghệ sĩ sân khấu Thủ đô.
Chỉ tính riêng trong lĩnh vực sân khấu, đến nay đã có hàng chục vở diễn về Bác, với chủ đề và nội dung tư tưởng rõ ràng, ngôn ngữ được đánh giá có nhiều tìm tòi sáng tạo.
Các loại hình sân khấu truyền thống như: Tuồng, chèo, cải lương, ca kịch… đã có nhiều vở diễn xây dựng thành công hình tượng Bác Hồ, được quần chúng nhân dân đón nhận và yêu mến.
Theo NSND Bùi Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội: “Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh đã là một nhân cách sống của mỗi người nghệ sĩ, bản thân phải rèn luyện yêu nghề, sống tử tế và luôn có nhiều sáng tạo nghệ thuật để trở thành một nghệ sĩ vừa hồng vừa chuyên, nếu không bản thân chỉ suy nghĩ sai lệch đi một chút thì nguy hại”.
Đề tài viết về Đảng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng vô tận với các văn nghệ sĩ. Nhiều tác phẩm sáng tác thành công, lay động trái tim công chúng và truyền đi những giá trị nhân văn.
Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhiều đoàn nghệ thuật đã chuyển thể và dàn dựng nhiều vở diễn về Bác Hồ với đổi mới về nội dung và hình thức như: “Những vần thơ chép” của Nhà hát chèo Việt Nam; “Cái chết chẳng dễ dàng gì” của Nhà hát kịch Quân đội; “Người ra đi từ câu hò ví dặm” và “Lời Người, lời của nước non” của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy dân ca ví dặm Nghệ An…
“Văn học nghệ thuật Thủ đô nói chung và sân khấu Hà Nội nói riêng, làm như thế nào để đưa được tư tưởng Hồ Chí Minh vào sâu rộng trong nhân dân, cũng là làm thỏa mãn đòi hỏi được chiêm ngưỡng hình ảnh Bác có chiều sâu hơn, giống hơn, sống động và xúc động hơn. Đó chính là trách nhiệm của các văn nghệ sĩ”,
NSND Trần Quốc Chiêm chia sẻ.
Sân khấu có những vở diễn kế tục nhau, bổ sung cho nhau để hoàn thiện hơn việc tái hiện lại tiểu sử, sự nghiệp hoạt động và nhân cách, đạo đức và phẩm chất tốt đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đưa hình ảnh của Bác Hồ lên sân khấu được làm một cách cẩn trọng, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có tài năng, tâm huyết, đồng thời phải nghiên cứu, sáng tạo cách thể hiện. Một số nghệ sĩ đã tạo được dấu ấn trong lòng công chúng với vai diễn về Chủ tịch Hồ Chí Minh như nghệ sĩ Tiến Thọ, Tiến Hợi, Đức Trung, Văn Tân, Hà Văn Trọng, Bùi Bài Bình…
Cũng tại buổi hội thảo, các đại biểu cùng ôn lại chặng đường đã qua của Hội Sân khấu Hà Nội. Tư tưởng và đạo đức của Người đã đi sâu và lòng nghệ sĩ sân khấu Thủ đô. Với nhiều vở diễn hay, Hội Sân khấu Hà Nội góp phần ghi lại dấu ấn những năm tháng hào hùng của dân tộc.