Hành trình 20 năm của vở Tấm Cám ở sân khấu kịch Idecaf - Ký ức tuổi thơ của hàng triệu trẻ em Việt Nam
- Bác sĩ
- 17:55 - 09/06/2020
Năm 2000, một mùa hè cột mốc của hàng triệu đứa trẻ ở miền Nam
Hồi đó để có được 1 tấm vé đến tận sân khấu kịch Idecaf đối với tôi mà nói là cả sự phấn đấu, nỗ lực rất lớn kéo dài suốt một năm trời của bản thân. Vì phải đạt được học sinh Giỏi và phải đứng ở top 10 của lớp thì tấm vé ấy sẽ là phần thưởng mẹ dành cho tôi khi bắt đầu kỳ nghỉ hè. Và tôi cũng biết chắc không chỉ riêng bản thân mà còn là câu chuyện quen thuộc của hàng nghìn, thậm chí hàng triệu đứa trẻ ở Sài Gòn vào thời điểm đó.
Nhóm Líu Lo với 5 thành viên vào thời điểm 20 năm trước (trái) và trong lần xuất hiện hồi đầu năm nay 2020.
Bởi với chúng tôi, anh Thành Lộc, chó Lulu, két Lala, mèo Lili và anh hề Lý Lắc là những thần tượng vô cùng lớn của cuộc đời. Nhờ có họ mà lần đầu tiên bọn trẻ con chúng tôi được "nhìn thấy" tận mắt bà tiên, ông bụt biết làm phép. Hiểu được cuộc sống này màu nhiệm đến thế nào khi người xấu xa, xảo quyệt sẽ bị trả giá, còn người hiền lành, tốt bụng rồi sẽ được đền đáp ra sao qua hàng loạt các câu truyện cổ tích từ Việt Nam cho đến thế giới do chính họ hóa thân, biểu diễn trên sóng truyền hình và sân khấu.
Trong đó, Tấm Cám là vở kịch đã để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất với chúng tôi và cũng là cột mốc mang đến sự thành công với nhóm Líu Lo - với sân khấu kịch Idecaf mà suốt 20 năm nay vẫn chưa có bất cứ một phiên bản hay lớp diễn viên trẻ nào có thể thay thế.
Cô Tấm hiền lành do NSƯT Mỹ Duyên, cô Cám chanh chua do NSƯT Thành Lộc và mẹ ghẻ độc ác do NSƯT Hữu Châu thủ vai đã khắc sâu mãu trong tâm trí của hàng triệu người Việt Nam.
Nhưng có một điểm "cười ra nước mắt" rằng, chuyện sở hữu chiếc vé Tấm Cám đối với tôi từ lúc nhỏ cho đến lớn đều là một "thử thách" bởi tình trạng "cháy vé" gần như xảy ra thường xuyên suốt 20 năm qua. Cái chuyện xếp hàng dài ở phòng vé từ sáng sớm hay phải canh vé mua đi bán lại từ người khác là chuyện hầu như ai là fans của Tấm Cám cũng đã từng trải ít nhất 1 lần.
Có khi trầy trật lắm mới có được cặp vé mà chỗ ngồi xa tít tắp hoặc phải ngồi sát phía cánh gà nhưng ai cũng vui vẻ bởi họ biết giá trị và sức hút của vở diễn này lớn như thế nào nên "nếu mình không mua cũng có người khác mua, và tất nhiên là cũng chẳng còn vé khác để kén chọn".
Khoảng gần 1 năm nay sân khấu Idecaf đã được nâng cấp hơn, có dịch vụ bán vé online nên chuyện xếp hàng hay phải vất vả lùng vé "chợ đen" cũng đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên với riêng Tấm Cám thì theo cá nhân tôi, có vé đẹp hay không vẫn còn là chuyện "hên xui, may rủi"...
Những "cơn cháy" không phải ai cũng thấy
Có một điều khá là may mắn đó là khi lớn lên tôi được làm một cái nghề mà thường xuyên được đi đây đi đó, gặp gỡ rất nhiều người ở nhiều ngành nghề khác nhau. Và cái duyên đã đưa đẩy khiến tôi được quen và gặp NSƯT Thành Lộc là qua Viết Tuấn - một người bạn 9X rất yêu Sài Gòn và cũng là người có một ký ức đầy sâu sắc với Tấm Cám.
Thế là chỉ qua vài cuộc trò chuyện, NSƯT Thành Lộc đã cho phép chúng tôi được vào phía sau hậu trường tại sân khấu kịch Idecaf để chứng kiến toàn bộ quá trình làm nên tác phẩm kinh điển trong tuổi thơ của hàng triệu đứa trẻ tại Việt Nam.
NSƯT Hữu Châu trong vai bà dì ghẻ độc ác của cô Tấm.
Vì phải vào vai nữ nên ngoài trang điểm, trang phục thì đội tóc giả cũng là công đoạn mất khá nhiều thời gian.
Nếu nói về sự độc ác, chanh chua và có phần hơi "điêu toa" của cô em Cám thì thật sự là không ai sánh bằng, nhưng không hiểu sao từ lúc nhỏ đến lớn, nhân vật này đã luôn cho tôi ngoài cảm giác đáng ghét ra thì còn có một sự hài hước với kỳ vọng "rồi sẽ có ngày Cám hiền hơn, Cám thương chị Tấm hơn". Và bây giờ khi tận mắt chứng kiến từ phía sau hậu trường, tôi mới nhận ra đó chính là cái tâm mà người diễn viên muốn đặt vào để trong mắt những đứa trẻ sẽ không có cái gì gọi là độc ác, tàn bạo mãi mãi.
Ngoài những pha "gài bẫy" cô Tấm thì những lần bàn mưu kế của mẹ con nhà Cám phải khiến người ta vừa tức lại phải bật cười vì cái sự ngờ nghệch của chính mình mỗi khi làm điều xấu xa. Lúc nhỏ tôi cũng đã ghét họ rất nhiều vì sự ganh tỵ mà bất chấp mọi giá, nhưng giờ tôi thương và trân trọng họ vì sự nỗ lực, cống hiến hết mình để mang tới niềm vui cho bọn trẻ.
Vẫn chiếc bông hướng dương ấn tượng khó quên trên đầu nhưng mọi người đã cách điệu, làm mới, nâng cấp hơn cho phù hợp với thời cuộc.
Suốt hơn 2 tiếng đồng hồ miệt mài trên sân khấu làm tôi có cảm giác vô cùng kính trọng và nể phục tất cả họ. Gần 20 con người bất kể là vai chính hay phụ, là người được đứng trước sân khấu hay âm thầm đứng sau hậu kỳ tôi cũng muốn dành cho họ những lời chúc tốt đẹp nhất vì công sức và sự cống hiến miệt mài không chỉ mang đến thành công cho vở diễn mà họ đã và đang làm cuộc sống của bao đứa trẻ được sống động, nhiều màu sắc hơn.