THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 06:58

Đi Cheonggyecheon nhớ Hàng Bàng ở Sài Gòn

Ảnh: Shutterstock

Chuyện “Sông kia rày đã nên… đường” chẳng mấy lạ tai đối với người dân ở các đô thị lớn, đặc biệt là TP.HCM. Đó cũng từng là quá khứ không quá xa của Cheonggyecheon, dòng suối chảy ngang trung tâm Seoul.

Nếu có dịp dạo bước trong không gian tĩnh mịch mát mẻ dọc theo hơn 8 km của dòng Cheonggyecheon, sẽ khó hình dung nổi chỉ 11 năm trước đây địa danh này còn chưa xuất hiện trên bản đồ du lịch.

Sáu thế kỷ trước, thành phố Seoul được hình thành hai bên bờ dòng Cheonggyecheon. Cũng từ đó, dòng sông này là đường thoát nước thải của Seoul. Đến nửa sau thế kỷ 20, qua binh đao loạn lạc, di dân, đô thị hóa, Cheonggyecheon dần bị bồi đắp, lấn chiếm, ô nhiễm. Và giải pháp của chính phủ Hàn Quốc là vùi lấp dòng nước bẩn dưới một biểu tượng “công nghiệp hóa - hiện đại hóa”: đường nhựa và cao tốc trên cao.

Nhà do dân chạy loạn sau chiến tranh Triều Tiên xây dọc Cheonggyecheon trong thập niên 1950. Trông không khác mấy các dòng kinh rạch ở Sài Gòn

Nhưng đến năm 2000, người dân Seoul thất vọng nhận ra nơi đây đã trở thành khu vực ồn ào và tắc nghẽn nhất thành phố. Thị trưởng khi đó là Lee Myung-bak quyết tâm dẹp đường cao tốc và khơi thông lại dòng chảy năm xưa. Dự án được khởi công vào năm 2003 và hoàn thành 2 năm sau đó. Dân Seoul hân hoan, ông Lee được tặng biệt danh “Ngài máy ủi” và xây chắc nền tảng chính trị để rồi trúng cử Tổng thống Hàn Quốc.

Biểu tượng hiện đại hóa: Cao tốc trên cao lấp trên dòng Cheonggyecheon trước năm 2003

Rũ bỏ quá khứ bê tông cốt thép khói bụi xấu xí, Cheonggyecheon hiện là niềm tự hào của của người dân Seoul, nơi hẹn hò ưa thích của giới trẻ, và điểm đến không thể bỏ qua của du khách. Nhiều sự kiện văn hóa, âm nhạc lớn thường xuyên được tổ chức trong không gian dọc hai bên dòng suối.

Bắc ngang phía trên suối Cheonggyecheon là trên 10 cây cầu với thiết kế đa dạng.

Ở Sài Gòn có nhiều tuyến kinh rạch cũng gánh chịu số phận tương tự như Cheonggyecheon khi xưa. Như kinh Hàng Bàng, từ một dòng nước tấp nập ghe thuyền, đến những năm gần đây chỉ còn là mương rộng nước thải 2 - 3 m, và một đoạn dài bị chôn lấp. Từ cuối năm ngoái, chính quyền TP cũng đang đổ công sức tiền của để phục hồi dòng kinh xưa nhằm làm đẹp cảnh quan và cải thiện môi trường sống.

Đừng bỏ lỡ màn trình diễn laser vào buổi tối

Có thể Hàng Bàng hồi sinh sẽ không thể đẹp bằng Cheonggyecheon, nhưng chỉ cần người dân nhận ra rằng cuộc sống hiện đại không mang màu xám xịt của bê tông cốt thép thì đã là quý rồi!

Hàng trụ của một cây cầu đá ngang dòng Cheonggyecheon

Thanh niên

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh