Từ ngày 31/3: Báo điện tử, báo nói, báo hình cũng phải thực hiện lưu chiểu
- Tây Y
- 16:08 - 09/02/2017
Ảnh minh họa
Quy định cụ thể về hoạt động lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình, báo điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở trung ương, Nghị định 08 của Chính phủ được áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở trung ương, các cơ quan báo nói, báo hình, báo điện tử và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động lưu chiểu điện tử.
Theo Nghị định, Bộ TT&TT là cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình và báo điện tử. Cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử có trách nhiệm xây dựng, vận hành và quản lý hệ thống lưu chiểu điện tử để lưu giữ, bảo quản và sử dụng tác phẩm báo chí theo quy định của pháp luật; đánh giá, nhận xét về nội dung tác phẩm báo chí được lưu chiểu theo yêu cầu của công tác quản lý; kiểm tra nội dung tác phẩm báo chí lưu chiểu, phát hiện và xử lý đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan báo nói, báo hình, báo điện tử có trách nhiệm thực hiện chế độ lưu chiểu theo quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 52 Luật báo chí; cung cấp tín hiệu truyền dẫn (đối với báo nói, báo hình), quyền truy xuất dữ liệu (đối với báo điện tử) theo yêu cầu của cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử; đồng thời đảm bảo tính thống nhất, chính xác giữa nội dung tác phẩm đăng, phát với nội dung tác phẩm cung cấp cho cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử.
Nghị định 08 cũng nêu rõ, người đứng đầu cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận các tác phẩm báo nói, báo hình, báo điện tử để thực hiện việc lưu chiểu điện tử.
Về quy trình tiếp nhận tác phẩm báo nói, báo hình, báo điện tử, Nghị định quy định, cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử có văn bản thông báo cho cơ quan báo nói, báo hình, báo điện tử để kết nối theo quy định. Trong văn bản thông báo phải nêu phương án kết nối, truyền dẫn tín hiệu phát sóng (đối với báo nói, báo hình), phương án kết nối và truy xuất các tác phẩm báo chí đăng tải trên trang báo điện tử (đối với báo điện tử) về hệ thống lưu chiểu điện tử của cơ quan thực hiện lưu chiểu; thời gian, địa điểm thực hiện việc kết nối.
Chậm nhất 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo về phương án kết nối, cơ quan báo nói, báo hình và báo điện tử phải có văn bản trả lời, thống nhất việc kết nối với cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử.
Sau khi kết nối, cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử kiểm tra, đảm bảo tác phẩm đã được lưu tại hệ thống và xác nhận với cơ quan báo chí sau 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tác phẩm báo chí; tổ chức lưu giữ nguyên trạng nội dung tác phẩm báo chí trên hệ thống lưu chiểu; tổ chức phân loại nội dung để lưu giữ phục vụ công tác quản lý.
Nghị định quy định đối với báo nói, báo hình, thời gian lưu giữ nguyên trạng tối thiểu là 6 tháng kể từ ngày được phát sóng lần đầu. Đối với báo điện tử, thời gian lưu giữ nguyên trạng tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày đăng tải lần đầu.
Các tác phẩm trong hệ thống lưu chiểu điện tử phải được bảo quản an toàn và lưu giữ nguyên trạng về nội dung thông tin. Bên cạnh việc xây dựng giải pháp đảm bảo chất lượng kỹ thuật, giải pháp an toàn thông tin cho hệ thống lưu chiểu điện tử, cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử phải thường xuyên kiểm tra để đảm bảo an toàn, tính toàn vẹn, khả năng truy xuất và sử dụng các biện pháp kỹ thuật để việc phân loại, lưu giữ được thuận lợi nhưng không làm thay đổi nội dung của tác phẩm.
Tác phẩm báo chí lưu chiểu điện tử được sử dụng để phục vụ công tác quản lý nhà nước về báo chí, gồm: Đánh giá, nhận xét về nội dung thông tin theo chuyên đề, sự kiện, cho các cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành thường xuyên và đột xuất theo yêu cầu. Cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử được sử dụng tác phẩm báo chí lưu chiểu điện tử làm căn cứ để xử lý trong trường hợp tác phẩm có nội dung sai phạm.
Lưu chiểu là việc lưu giữ nguyên trạng nội dung các tác phẩm báo nói, báo hình và báo điện tử để đối chiếu, kiểm tra. Lưu chiểu điện tử là việc sử dụng các phương tiện điện tử để thực hiện việc lưu chiểu. |