THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:42

Từ năm 2018 đào tạo sư phạm phải gắn với nhu cầu sử dụng

 

Bộ GD&ĐT khẳng định từ năm 2018 đào tạo sư phạm phải gắn với nhu cầu sử dụng. 

 

Đó là khẳng định của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường sư phạm, với sự tham dự của đại diện 30 trường ĐH sư phạm, trường ĐH có đào tạo sư phạm và trường cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước tổ chức ngày 27/12 tại Hà Nội.

 Đào tạo sư phạm dựa trên cơ sở nhu cầu của địa phương và năng lực của cơ sở đào tạo

Thực tế thời gian qua cho thấy, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của nhiều trường sư phạm chưa đảm bảo cân đối về cơ cấu, trình độ và ngành nghề để đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, theo từng vùng miền, địa phương. Các chính sách thu hút người có năng lực theo học sư phạm chưa hấp dẫn, hệ quả là nhiều ngành sư phạm cần, có chỉ tiêu tuyển sinh nhưng không tuyển sinh được. Điều kiện đảm bảo chất lượng của nhiều trường còn hạn chế.

Để chấm dứt tình trạng này, Bộ GD&ĐT khẳng định từ năm 2018 đào tạo sư phạm phải gắn với nhu cầu sử dụng. Cụ thể, UBND các tỉnh, thành xác định nhu cầu nhân lực sư phạm trong các giai đoạn trung và dài hạn, xây dựng kế hoạch đặt hàng, tuyển dụng và phân công công việc sau khi đào tạo. Các cơ sở đào tạo xây dựng đề án tuyển sinh cho từng ngành đào tạo giáo viên trên cơ sở đề xuất của địa phương và năng lực của cơ sở, đảm bảo các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định hiện hành. Bộ GD&ĐT sẽ giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm theo cơ chế đặt hàng dựa trên cơ sở nhu cầu của địa phương và năng lực của cơ sở đào tạo. Đồng thời, cần có chính sách điểm sàn riêng đối với ngành sư phạm để tuyển sinh được những người khá, giỏi.

Theo đó, cùng với giải pháp về tuyển sinh, các giải pháp về tài chính cũng được thảo luận theo hướng, ngân sách nhà nước cấp cho các cơ sở giáo dục đại học theo định mức kinh tế kỹ thuật qua việc giao chỉ tiêu và kết quả tuyển sinh. Việc giao chỉ tiêu cần rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm, đảm bảo điều kiện đảm bảo chất lượng, đồng thời cần có chính sách điểm sàn riêng đối với ngành sư phạm để tuyển sinh được những người khá, giỏi.

Về vấn đề tái cấu trúc các trường sư phạm, Hội nghị thống nhất đây là vấn đề cần thiết và phải được triển khai trong thời gian tới. Tuy nhiên, để thực hiện được còn phụ thuộc vào mức độ tự chủ của các trường sư phạm; điều kiện về nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất; thói quen, tâm lí của cán bộ giảng viên và quyết tâm của lãnh đạo nhà trường.

Ngành sư phạm phải chấm dứt tình trạng đào tạo ra không sử dụng 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định đã đến lúc ngành sư phạm phải chấm dứt tình trạng đào tạo ra không sử dụng, đây vừa là trách nhiệm chính trị vừa là trách nhiệm xã hội. Để làm được điều đó, không có cách gì khác là phải đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng và yêu cầu chất lượng. Bộ GD&ĐT sẽ có trách nhiệm làm việc với các địa phương để có giải pháp cụ thể. Từ năm 2018, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ giao chỉ tiêu cho các trường dựa trên nhu cầu sử dụng mà các địa phương đưa ra.

 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đã đến lúc, ngành sư phạm phải chấm dứt tình trạng đào tạo ra không sử dụng.

 

"Chúng ta thống nhất rằng từ năm 2018 chỉ tiêu tuyển sinh các trường sư phạm phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng. Học sinh vào học ngành sư phạm phải là những học sinh ưu tú nhất, quyết tâm để năm 2018 điểm đầu vào sư phạm nằm trong top đầu, các trường không vì chạy theo chỉ tiêu mà chấp nhận điểm đầu vào thấp", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Bộ trưởng đề nghị, các trường sư phạm nhanh chóng xây dựng danh mục giảng viên sư phạm chủ chốt ở tất cả các môn học, đội ngũ này cần tham gia tích cực để góp ý cho các môn học theo hướng kiến thức phải sát với thực tiễn và kế thừa hiện hành. Đồng thời, tham gia vào xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các trường phổ thông đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Đối với vấn đề tái cấu trúc các trường sư phạm, Bộ trưởng khẳng định, đây là xu hướng tất yếu nhưng cần có lộ trình, trong đó cần có khung đánh giá kỹ thực trạng các trường sư phạm hiện nay để tìm ra những vấn đề còn vướng và tham chiếu với kinh nghiệm của một số nước.

“Đây là thời điểm, cơ hội tốt nhất để tái cấu trúc bởi cả xã hội đang mong đợi các trường nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, vì vậy, từng trường sư phạm căn cứ vào nhu cầu để có quy trình, cách đi phù hợp. Tôi đề nghị các trường sư phạm đang tham gia dự án ETEP tiến hành làm trước, các trường khác làm sau. Trên cơ sở đó Bộ sẽ trình Chính phủ đề án tái cấu trúc các trường sư phạm”, Bộ trưởng nêu rõ.

HOA HẠ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh