THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:23

Từ lao động xuất khẩu trở thành giám đốc công ty

 

Hai anh em cùng làm giám đốc công ty Nhật

Đó là hai anh em Nguyễn Ngọc Trung và Nguyễn Ngọc Hiếu (quê Thanh Hóa), từ lao động xuất khẩu, hai anh em đã trở thành giám đốc của hai công ty Nhật ở Củ Chi, TP.HCM.

Giám đốc Nguyễn Ngọc Trung đang hướng dẫn và kiểm tra mọi hoạt động của nhà máy. (Hồ Văn).

 

Năm 2002, Nguyễn Ngọc Trung tốt nghiệp khoa cơ khí chế tạo máy trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Thời điểm đó theo Trung, anh có thể kiếm được việc làm ổn định tại TP.HCM. “Nhưng tôi muốn đi Nhật học hỏi thêm kỹ năng, kiếm nhiều tiền để về quê lập nghiệp. Vì vậy tôi đã đăng ký đi Nhật làm việc”, Trung cho biết.

Ba năm ở Nhật làm việc, Trung cần mẫn học hỏi kỹ năng, vốn tiếng Nhật để tích lũy kinh nghiệm với mục đích cao cả là về Việt Nam lập nghiệp. Nhận thấy cậu học trò cần cù, chịu khó học hỏi, vị giám đốc Nhật đã “chấm Trung” cho kế hoạch đầu tư về Việt Nam của mình. “Ông ấy bắt tôi đi từ việc lau máy sáu tháng, mài dao sáu tháng… cho đến năm cuối hợp đồng mới cho tôi học nghề và truyền hết những gì ông ấy biết cho tôi. Ban đầu tôi không biết mình bị thử thách, cứ chăm chỉ làm việc nên được ông ấy để ý. Cuối năm ông ấy gọi tôi lên yêu cầu về Việt Nam tìm đất, làm các thủ tục để đầu tư công ty. Về Việt Nam tôi mới biết mình nằm trong kế hoạch quan trọng của ông ấy”, Trung nhớ lại.

Hiện nay, Trung đang là giám đốc công ty Công ty liên doanh sản xuất linh kiện chính xác O.N.P. “Trước khi đưa Trung qua Nhật làm việc, tôi đã nói với Trung là ông chủ nhà máy muốn chuyển hoạt động vào Việt Nam và có ý định chọn người Việt Nam làm quản lý. Tôi đã khuyên Trung học hỏi và làm việc tận tình, nếu tạo được uy tính và sự mến mộ từ ông chủ biết đâu Trung sẽ là người được chọn khi nhà máy đầu tư về Việt Nam” – ông Lê Long Sơn, giám đốc Esuhai nhớ lại.

           Người lao động chuẩn bị sang Nhật làm việc

 

Nối gót anh trai, Nguyễn Ngọc Hiếu cũng theo đường XKLĐ vào năm 2006. Có được lời khuyên của anh trai trước khi lên đường Hiếu vừa làm việc tại công ty Tsukara vừa chăm lo học hỏi kỹ năng và trau dồi tiếng Nhật. Hợp đồng ba năm kết thúc vào 2009, Hiếu được giám đốc công ty gọi lên trao cho hai cơ hội: Một, ở lại tiếp tục làm việc cho công ty tại Nhật với lương cao; Hai, trở về Việt Nam giúp công ty làm kế hoạch đầu tư chi nhánh tại Củ Chi. “Tôi cân nhắc kỹ việc này, nhưng nhìn gương anh trai đang thành công ở Việt Nam nên tôi quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp”. Hiện nay, theo tiết lộ của Hiếu anh đang làm giám đốc cho chi nhánh công ty Tsukara ở Củ Chi, đồng thời thành lập công ty con chuyên thầu lại dự án của chi nhánh mình làm giám đốc.

Và cậu em út làm Kỹ sư ở Nhật

Sự thành công của hai người anh thôi thúc cậu em út là Nguyễn Ngọc Dũng (SN 1985) chọn con đường “Đông du” Nhật Bản để học hỏi và lập nghiệp.

Năm 2009, Dũng tốt nghiệp Đại học trong ngành cơ khí và đăng ký đi XKLĐ Nhật Bản diện kỹ sư thiết kế trong lĩnh vực cơ khí. Được công ty Esuhai đưa sang làm việc cho tập đoàn Panasonic, Dũng xem đây là cơ hội nên không ngừng học hỏi để tiến bộ.

Trong những năm suy thoái của Nhật, tập đoàn Panasonic cắt giảm nhân lực, Dũng chuyển sang làm cho tập đoàn Hisaka tại thành phố Osaka. Dũng được giao công việc cùng với các chuyên gia người Nhật chuyên về thiết kế, sản xuất hệ thống trao đổi nhiệt. Với bản tính cần cù, không ngại gian khó và luôn học hỏi nên Dũng được công ty ký hợp đồng dài hạn với chức danh kỹ sư. “Hiện nay, Dũng được công ty trả mức lương khoảng 100 triệu đồng/tháng và cho phép đưa cả vợ con qua cùng sinh sống”, anh trai cả Nguyễn Ngọc Trung tiết lộ.


Cũng theo Nguyễn Ngọc Trung, hiện công ty tại Nhật muốn giữ Dũng ở lại làm việc lâu dài. “Nhưng tôi đang vận động Dũng về Việt Nam làm việc cho công ty của tôi một thời gian sau đó có thể mở thêm công ty cho em nó hoạt động độc lập. Dũng cũng đã đồng ý nhưng xin ở lại thêm vài năm nữa để học hỏi thêm kinh nghiệm trước khi về Việt Nam lập nghiệp”, Trung cho biết.

 

Chia sẽ vê thành công của ba anh em, cả Trung và Hiếu cho biết làm việc với người Nhật thì tính trung thành phải đặt lên hàng đầu, phải biết cần cù, kiên nhẫn thì sẽ được đền đáp xứng đáng. “Như anh em tôi, khi về Việt Nam giúp công ty ban đầu cũng chỉ hưởng lương như các công nhân bình thường trong nhà máy. Nhưng dần dần được cân nhắc vị trí cao cũng như mức lương tăng dần theo công việc là do đặt niềm tin vào công việc cũng như tin tưởng vào công ty. Đam mê công việc, sống có trách nhiệm là điều mà người Nhật rất cần ở các lao động như chúng tôi, đương nhiên phải giỏi cả tiếng Nhật”, Trung cho biết. Hiện nay, ngoài việc được cân nhắc làm giám đốc Trung còn được ông chủ nhà máy tặng 20% cổ phần công ty. 

PHONG THUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh