Tự hào và trân trọng những tư tưởng và tầm nhìn vượt thời đại của Bác về lao động và an sinh xã hội
- Tây Y
- 16:49 - 27/08/2019
Kính thưa Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam
Thưa bà Debora Greenfield, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)., Phó Tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế ILO
Thưa các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan đại diện cho đối tác ba bên tại Việt Nam
Thưa các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, các Bộ, ngành, đoàn thể
Thưa các vị đại diện cho các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán
Thưa toàn thể quý vị
Hôm nay, các đối tác ba bên của Việt Nam gồm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Văn phòng ILO tại Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Tổ chức Lao động Quốc tế ILO và Tư tưởng Hồ Chí Minh về lao động và an sinh xã hội. Cho phép tôi được thay mặt các cơ quan đồng tổ chức nhiệt liệt chào mừng tất cả các quý vị tới dự Lễ kỷ niệm ngày hôm nay.
Thưa các quý vị, cách đây tròn 100 năm, vào năm 1919, Tổ chức Lao động Quốc tế ILO đã chính thức được thành lập sau Hội nghị Hòa bình Paris và trên cơ sở Hiệp ước Véc-Xây về kết thúc Thế chiến Thứ nhất. Trong suốt 100 năm qua, trong khuôn khổ của tổ chức ILO, chính phủ các quốc gia thành viên cùng với các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động đã không ngừng cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu cao cả của ILO, đó là một nền hòa bình bền vững trên cơ sở công bằng xã hội.
BỘ TRƯỞNG ĐÀO NGỌC DUNG
Nhân dịp này, chúng ta xúc động cùng nhau ôn lại những tư tưởng của Bác về lao động và an sinh xã hội để tự hào và trân trọng những tư tưởng và tầm nhìn vượt thời đại của Bác
Cũng trong những ngày này, nhân dân Việt Nam kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dịp này, chúng ta xúc động cùng nhau ôn lại những tư tưởng của Bác về lao động và an sinh xã hội để tự hào và trân trọng những tư tưởng và tầm nhìn vượt thời đại của Bác. Ngay từ năm 1919, trong bức thư gửi tới Hội nghị Hòa bình Paris, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đòi quyền tự quyết cho nhân dân Việt Nam, trong đó có quyền được "tự do hội họp và quyền được học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp". Sắc lệnh 29 của Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1947 có thể coi là Luật Lao động đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, mở đầu cho những nguyên tăc cơ bản trong Bộ luật Lao động ngày nay. Có thể thấy có rất nhiều điểm tương đồng giữa Tư tưởng của Hồ Chí Minh với những nguyên tắc cơ bản của ILO, đó là đều hướng tới việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, không ngừng cải thiện điều kiện làm việc, có chính sách an sinh xã hội thỏa đáng cho người lao động và bảo vệ những quyền và lợi ích chính đáng của người lao động cũng như của doanh nghiệp.
Thưa các quý vị,
Trên cơ sở nhận thức vấn đề lao động là tổng hòa của quyền, lợi ích và trách nhiệm của các bên có liên quan trong quan hệ lao động, tổ chức ILO ngay từ những ngày đầu được thành lập đã hoạt động dựa trên nguyên tắc ba bên, đó là trong mọi vấn đề luôn có tiếng nói của đại diện nhà nước và lợi ích công, đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động. Đây chính là nguyên tắc nền tảng xuyên suốt và quan trọng nhất của ILO, làm nên sức mạnh của tổ chức, tạo được sự đồng thuận tối đa trong các vấn đề kinh tế - xã hội ở phạm vi toàn cầu cũng như phạm vi của từng quốc gia, từng doanh nghiệp. Và, đây cũng là chính là triết lý tạo động lực thúc đẩy phát triển trên cơ sở đồng thuận, hài hòa lợi ích giữa các bên, ổn định và phát triển kinh tế và xã hội, lấy con người làm trung tâm của mọi chính sách.
Căn cứ trên nguyên tắc chung này, tại Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan của Chính phủ phụ trách lĩnh vực lao động và an sinh xã hội luôn phối hợp chặt chẽ với tổ chức đại diện của người lao động là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và các tổ chức đại diện người sử dụng lao động, bao gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp trong việc xây dựng và thực thi luật pháp, chính sách về lao động cũng như triển khai các chương trình, dự án trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội. Chung tay cùng với các cơ quan đối tác chính này còn có các cơ quan cơ liên quan của Đảng, Quốc hội, các đoàn thể chính trị - xã hội các bộ ngành các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ, các địa phương. Đại diện các đối tác quan trọng này đều vui mừng có mặt ở Lễ kỷ niệm quan trọng ngày hôm nay.
Thưa các quý vị,
Hôm nay chúng ta vui mừng nhận thấy Việt Nam, tuy là thành viên có thể nói còn "trẻ", với tuổi đời mới gần 30 năm so với 100 năm của ILO, nhưng luôn là một thành viên có trách nhiệm của tổ chức này. Việt Nam đã phê chuẩn 24 công ước của ILO, trong đó có 6 công ước cơ bản
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
Trong suốt chiều dài 100 năm, các chính phủ cùng với các tổ chức đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động của 42 quốc gia thành viên ban đầu và nay là 187 thành viên của ILO đã thông qua 190 công ước để thiết lập nên hệ thống tiêu chuẩn lao động quốc tế liên quan tới mọi khía cạch của lao động, việc làm, bao gồm các tiêu chuẩn về điều kiện lao động, quan hệ lao động, an sinh xã hội,..Đặc biệt năm 1998, ILO đã thông qua Tuyên bố về Những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động kêu gọi việc tôn trọng, thúc đẩy và thực thi các nguyên tắc và quyền lao động cơ bản, bao gồm quyền tự do hiệp hội và thương lượng thỏa ước lao động tập thể; xóa bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em, nhât là những hình thức bóc lột trẻ em tồi tệ; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong lao động.
. Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam vừa qua đã biểu quyết thông qua Công ước 98 của ILO Về quyền tổ chức và thương lượng tập thể với tỷ lệ 100% các đại biểu Quốc hội có mặt ủng hộ. Đây là một công ước quan trọng của ILO về quyền thương lượng của người lao động với người sử dụng lao động về tiền lương cũng như các quyền và lợi ích khác của người lao động và người sử dụng lao động. Công ước có nội dung cơ bản phù hợp với tinh thần Nghị quyết 27 mới đây của Trung ương Đảng về cơ chế xác định tiền lương của doanh nghiệp thông qua thương lượng.
Hưởng ứng sáng kiến của ILO về Chương trình nghị sự về Việc làm thỏa đáng, tại Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh cùng với các cơ quan đối tác ba bên đã cùng với Văn phòng ILO tại Việt Nam ký kết và triển khai Khuôn khổ hợp tác quốc gia giữa ILO và Việt Nam về Việc làm thỏa đáng, đến nay đang thực hiện pha 3 cho giai đoạn từ năm 2017 đến 2021, với 3 ưu tiên: Thứ nhất là thúc đẩy việc làm thỏa đáng và bền vững, tạo môi trường thuận lợi cho các cơ hội kinh doanh bền vững. Thứ hai là giảm nghèo thông qua việc mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội tới tất cả mọi người và giảm các hình thức việc làm không thể chấp nhận được, đặc biệt cho đối tượng dễ bị tổn thương. Thứ ba là xây dựng cơ chế quản trị thị trường lao động hiệu quả, tuân thủ những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.
Tại Việt Nam, các đối tác ba bên cùng các cơ quan có liên quan đang tích cực tham gia đóng góp xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, Chiến lược phát triển 2021-2030 và Tầm nhìn đến 2045. Với quan điểm phát triển bền vững và toàn diện, cân bằng giữa kinh tế và đầu tư xã hội của Đảng cộng sản Việt Nam, trong các văn kiện này chắc chắn sẽ được lồng ghép những ưu tiên quan trọng của Khung việc làm bền vững và thỏa đáng như phát triển nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động, cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội, thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững, bao trùm để không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thông qua việc thực hiện khuôn khổ hợp tác trên, với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, ILO đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ có hiệu quả cho Việt Nam.
Trước hết phải kể đến hỗ trợ kỹ thuật của ILO trong quá trình nghiên cứu xây dựng hệ thống chính sách và pháp luật lao động của Việt Nam. Ngay từ năm 1994, ILO đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Bộ luật Lao động đầu tiên, sau đó hỗ trợ sửa đổi năm 2012 và nay đang tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Lao động để dự kiến trình Quốc hội thông qua năm 2019. ILO cũng hỗ trợ Việt Nam rất tích cực và có hiệu quả trong quá trình Việt Nam nghiên cứu và phê chuẩn các công ước của ILO, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết cao về lao động.
Với hỗ trợ kỹ thuật của ILO, Hội đồng tiền lương quốc gia của Việt Nam đã được thành lập và hiện là cơ chế ba bên hoạt động hiệu quả nhất ở Việt Nam hiện nay. ILO đã và đang hỗ trợ các đối tác ba bên trong nỗ lực xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trên cơ sở thúc đẩy đối thoại, thương lượng giữa người lao động và người sử dụng lao động; hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội, xây dựng hệ thống an sinh xã hội bao trùm, bền vững.
ILO đã thực hiện nhiều hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường năng lực cho Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, đặc biệt trong việc thì điểm thành lập tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp theo phương thức từ dưới lên, tăng cường đối thoại và thương lượng thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp và cấp nhóm doanh nghiệp.
Thông qua hợp tác với các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động, ILO đã thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ các doanh nghiệp và các hợp tác xã Việt Nam cải thiện điều kiện lao động, tăng năng suất lao động, tăng cường năng lực tuân thủ pháp luật lao động của Việt Nam cũng như những yêu cầu của thông lệ quốc tế nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực trên cơ sở phát triển bền vững về mặt xã hội, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động.
Thưa các quý vị,
Chúng ta kỷ niệm 100 năm thành lập ILO và tư tưởng Hồ Chí Minh về lao động và an sinh xã hội trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những sự thay đổi nhanh chóng về thương mại, lao động, việc làm và an sinh xã hội dưới tác động của cách mạng công nghệ 4.0, của già hóa dân số và biến đối khí hậu. Những yếu tố này đang đặt ra những thời cơ cũng như thách thức cho cả thế giới, cũng như đối với mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp. Các đối tác ba bên cùng với những bên liên quan của Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với ILO phấn đầu cho mục tiêu việc làm bền vững và thỏa đáng cho tất cả mọi người và hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn về Tương lai Việc làm được nêu trong bản Tuyên bố Thế kỷ của ILO mới được thông qua tại Hội nghị lao động quốc tế vào tháng 06 năm năm 2019.
Thưa các quý vị,
Trong không khí kỷ niệm 100 năm thành lập ILO và 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi xin thay mặt cho Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và các cơ quan đồng chủ trì tuyên bố khai mạc Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Tổ chức lao động quốc tế ILO và Tư tưởng Hồ Chí Minh về lao động và an sinh xã hội.
Xin chân thành cảm ơn tất cả Quý vị đại biểu.
ĐÀO NGỌC DUNG - Ủy viên TƯ Đảng
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội