Gia nhập Công ước số 98 ILO là rất cần thiết, ý nghĩa trên tất cả các mặt
- Tây Y
- 16:35 - 29/05/2019
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày trước Quốc hội Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO - Ảnh: Ngọc Thắng
Ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế xã hội
Sáng nay 29/5, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày trước Quốc hội Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (sau đây gọi tắt là Công ước số 98 của ILO).
Tiếp theo, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Công ước số 98 của ILO; và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước này.
Cho biết về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98 của ILO, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế- quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước số 98 là rất cần thiết và ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế xã hội.
Về chính trị, việc gia nhập công ước góp phần khẳng định và thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, đồng thời tiếp tục khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là thành viên của ILO.
Về pháp lý, việc gia nhập công ước sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể một cách thực chất, hiệu quả hơn, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Về kinh tế- xã hội, việc gia nhập công ước góp phần giúp cho thương lượng tập thể được thực chất, hiệu quả hơn. Cơ chế thương lượng tập thể hiệu quả sẽ góp phần làm giảm thiểu tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, hài hòa quan hệ lao động giữa các bên, tác động tích cực đến nâng cao năng suất lao động, giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và bảo đảm công bằng xã hội tốt hơn, góp phần ổn định an ninh-chính trị, kinh tế-xã hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo thuyết minh Công ước số 98 của ILO - Ảnh: Ngọc Thắng
Thúc đẩy thương lượng tập thể thực chất, hiệu quả
Trình bày Báo cáo thuyết minh về việc gia nhập Công ước số 98, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đây là một trong tám công ước cơ bản của Tổ chức ILO. Tính đến tháng 5/2019, trên thế giới đã có 166 trong tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước này. Vì thế, việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 là rất cần thiết.
Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương và điều kiện lao động của người lao động được thực hiện dựa trên thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và tập thể người lao động, do vậy điều quan trọng là cần thúc đẩy thương lượng tập thể một cách thực chất và hiệu quả, nhất là thương lượng tập thể về tiền lương, nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Gia nhập và thực hiện Công ước 98 chính là thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Theo đó, Nhà nước sẽ chỉ ban hành mức lương tối thiểu; giảm dần, tiến tới không can thiệp mang tính hành chính, áp đặt vào việc trả lương của doanh nghiệp. Tiền lương trong doanh nghiệp sẽ do chính các bên quan hệ lao động quyết định thông qua thương lượng mà chủ yếu là thương lượng tập thể.
Bộ trưởng cũng cho biết, các quy định của pháp luật Việt Nam tương thích với các quy định của Công ước số 98. Tuy nhiên, để bảo đảm thực thi đầy đủ, có hiệu quả Công ước trên thực tiễn sau khi gia nhập, Việt Nam cần nội luật hóa các quy định của Công ước. Trong đó, cần bổ sung thương lượng tập thể được tiến hành theo nguyên tắc tự nguyện.
Đồng thời, bỏ quy định thương lượng tập thể được thực hiện định kỳ một năm một lần; sửa đổi quy định về vai trò đại diện đương nhiên của công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở trong việc đại diện cho người lao động tại nơi chưa có công đoàn cơ sở để tiến hành thương lượng tập thể (bãi bỏ Khoản 3 Điều 188 Bộ luật Lao động 2012). Sửa đổi quy định về nội dung thương lượng tập thể, bảo đảm cách hiểu thống nhất.
Bổ sung các quy định bảo đảm thương lượng tập thể không chỉ được thực hiện ở cấp doanh nghiệp và cấp ngành mà có thể được thực hiện ở bất kỳ cấp nào như cấp bộ phận doanh nghiệp, cấp vùng, cấp nhóm doanh nghiệp... và sửa đổi không quy định thủ tục trọng tài bắt buộc đối với mọi tranh chấp lao động tập thể về lợi ích xuất phát từ thương lượng tập thể.
Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc gia nhập Công ước số 98 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong các Hiệp định thương mại tự do và và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO.
Ông Giàu nhấn mạnh, tất cả các Bộ, ngành được Chính phủ lấy ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98.
Tuy nhiên, qua rà soát việc gia nhập Công ước số 98 cần phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật LĐ năm 2012 và 2 Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết liên quan.
Vị Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, có ý kiến cho rằng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Công ước số 98 đều đang được trình Quốc hội xem xét; và theo quy định, việc gia nhập Công ước này sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam sau 12 tháng kể từ khi văn kiện gia nhập của Việt Nam được đăng ký với Tổng Giám đốc Văn phòng ILO.
”Do vậy, cần đảm bảo đồng bộ về thời gian hiệu lực giữa Công ước số 98 và Bộ luật Lao động (sửa đổi) để tránh tạo khoảng trống và xung đột pháp lý khi thi hành Công ước”, ông Giàu lưu ý.
Ngoài ra, cũng theo Ủy ban đối ngoại, một số đại biểu cho rằng khi tiến hành sửa đổi Bộ luật Lao động sẽ có một số quy định mới liên quan đến Luật Công đoàn. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Công ước số 98 có 16 Điều, gồm 3 nội dung cơ bản: - Bảo vệ người lao động và cán bộ công đoàn trước hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; - Bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; - Những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí. |