THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:27

Tự hào tuổi 40

 

Những người bạn nhóm 30/4.

1. Chúng tôi thực sự cảm động khi được thầy Đoàn Ngọc Hiệp, Thạc sĩ – Trưởng khoa Quy hoạch trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh nhiệt tình giới thiệu với những bạn được sinh ra trong ngày trọng đại của đất nước, ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975. Những cái tên mà chỉ mới nghe đến đã như thấy hình ảnh đất nước trước phút giây thiêng liêng, sung sướng đến nghẹn lòng.

Nguyễn Hòa Bình tiếp tôi trong một góc phòng, anh biết về giấy phút mình sinh ra qua lời kể của mẹ. Ngày 29/4, gia đình anh chạy đi di tản ở quận 8 rồi lạc nhau. Mẹ đau bụng đến khuya, vừa chạy vừa vác bao đựng quần áo trẻ sơ sinh, đến cầu chữ Y thì bị phong tỏa lưới B40 không cho qua nên mẹ đành đi nhờ xe nhà binh. Mẹ tìm đến nhà ông bác sĩ chuyên về hộ sản nhưng ông đi đâu mất tăm, cơn đau càng lúc càng dồn dập nên mẹ được đưa đi cấp cứu  và sinh ra Bình tại Bệnh viện Gia Định vào lúc 1giờ 15 phút sáng 30/4.

Nhóm 30/4 kỷ niệm ngày đất nước thống nhất.  

 Nhắc lại chuyện này, Nguyễn Hòa Bình vẫn nhớ như vừa đọc xong trang sách sử: “Cha mẹ  tôi dân gốc Quảng Nam – Đà Nẵng. Hai người vào Sài Gòn trước năm 1975. Nghe cha mẹ kể, trước giờ giải phóng, đường phố biểu tình, mít tinh nhiều lắm. Binh lính bỏ chạy, nhiều người dân chưa hiểu thực hư ra sao cũng bỏ chạy, người ta vứt bỏ quần áo lỉnh kỉnh. Mẹ chạy dữ quá nên mới đau bụng sinh. Mẹ bảo tôi bị ép ra đời. Sau giải phóng 2-3 ngày thì ba mới tìm được mẹ con tôi trong bệnh viện. Họ ôm nhau mừng rỡ, hòa bình rồi, đoàn tụ rồi, không còn cảnh loạn lạc nữa. Và, tên Nguyễn Văn Thành dự định đặt cho tôi đuợc ba mẹ đổi lại thành Nguyễn Hòa Bình”.

Sau ngày giải phóng đất nước, cha mẹ của Nguyễn Hòa Bình về Đồng Nai làm công nhân cao su và sinh thêm 5 người con nữa. Cha anh đã mất hơn 10 năm trước, mẹ đã nghỉ hưu. Còn anh, sau khi tốt nghiệp Khoa ngoại ngữ trường Đại học Đà Lạt thì trở về Sài gòn, giờ đây anh đã là người đàn ông thành đạt và có cuộc sống hạnh phúc bên vợ và hai con trai Toàn Thắng và Tấn Thành. “Hòa bình rồi thì sẽ toàn thắng, tất cả mọi việc sẽ thành công, tên ba cha con là thế đó”, anh nói và cười sảng khoái.

Anh Nguyễn Hòa Bình.

Nguyễn Hòa Bình cho biết anh đã gia nhập “Nhóm 30/4” sau khi Cty du lịch Sài Gon Tourist tổ chức “Kỷ niệm 30 năm Sài Gòn và tôi”- năm 2005, tại Khu du lịch Văn Thánh, quận Bình Thạnh. Đêm hội ấy đã quy tụ gần 2.000 bạn trẻ toàn quốc có ngày sinh 30/4/1975. “Chúng tôi đã rất vui và hạnh phúc, trong lòng trào dâng niềm tự hào vì có ngày sinh lịch sử”, Nguyễn Hòa Bình tâm sự.

 Muốn làm một việc gì đó có ý nghĩa cho những người vinh dự sinh vào ngày miền Nam giải phóng, Bình và một số người quyết định lập “Nhóm 30/4” để các bạn cùng ngày sinh có thể liên lạc thường xuyên với nhau. Không ai từ chối ý tưởng này, “Nhóm 30/4” ra đời cùng hỗ trợ nhau về mọi mặt, cùng làm được những việc làm có ý nghĩa cho Nhóm và cho xã hội.

Khi được hỏi về cảm nhận của mình khi sinh đúng vào ngày 30/4, Nguyễn Hòa Bình bảo, hàng năm, ngay từ cuối tháng 3, các phương tiện truyền thông đã tuyên truyền và nhắc nhiều đến sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Mỗi lần như vậy khiến anh rất vui, lòng rạo rực nhớ về ngày đại thắng và càng hãnh diện khi mình được sinh ra vào đúng thời khắc lịch sử đó. “Mình là một trong những người con đặc biệt của đất nước, của dân tộc nên càng phải sống tốt hơn, sao cho xứng đáng với ý nghĩa của ngày sinh nhật đặc biệt”, Nguyễn Hòa Bình cứ cười hoài và kể rằng “luôn tự nhắc nhủ mình như vậy”.  

2. Câu chuyện giữa chúng tôi gián đoạn khi có thêm một người bạn của Bình tới. Anh giới thiệu: “Đây là anh Giải Phóng, trưởng Nhóm 30/4. Tuy lmỗi người một nơi, nhưng vì chung ngày sinh “đặc biệt” nên đã gần gũi như người trong một nhà vậy”.  

Lê Thành Nam Giải Phóng vốn là cựu sinh viên Khoa Ngoại thương, trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, quê gốc Hưng Yên. Anh vui vẻ cho biết: “Cái tên Lê Thành Nam Giải Phóng nghe dài quá phải không, nhưng tôi vô cùng tự hào vì nó “độc”. Thực ra trước khi sinh, bố mẹ đã  đặt trước tên tôi là Lê Thành Nam, nhưng tôi sinh đúng thời khắc giải phóng đất nước, đúng thời điểm lịch sử quan trọng, cho bố và mẹ bàn nhau, thống nhất thêm hai từ “Giải Phóng” vào giấy khai sinh cho tôi”.

 Lê Thành Nam Giải Phóng là con út  trong gia đình có 6 anh chị em. “Tôi chào đời tại nhà chứ ở trạm xá có ai đâu, vì loa phát thanh cứ đưa tin đánh tới đâu rồi là dân chạy tới đó. Hôm đó mẹ vừa đi ruộng về thì đau bụng, may mà có người chị họ của mẹ làm y sĩ đỡ giùm. Mẹ tôi kể, tôi cất tiếng khóc đúng vào lúc đài phát thanh thông báo miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Đoàn quân giải phóng đã cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập. Khi  đặt tên tôi, bố mẹ bảo, đó là để ghi nhớ ngày tôi chào đời, vừa nhắc nhở đó cũng là ngày đất nước thống nhất”.

Lê Thành Nam Giải Phóng là người năng động, vui vẻ nên rất mê các hoạt động Đoàn – Hội. Anh từng là Chủ nhiệm của Câu lạc bộ lý luận trẻ kiêm Ủy viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Đội – Nhóm của Nhà văn hóa Thanh niên TP. Hồ Chí Minh, từng là Phó giám đốc Khu phát triển phần mềm Sài Gòn. Hiện anh là Giám đốc kinh doanh khu vực miền Nam liên doanh VCLI của ngân hàng Vietcom bank. Dù đang công tác trong lĩnh vực kinh doanh, nhưng Giải Phóng vẫn chung tay cùng bạn bè thực hiện ước mơ anh ấp ủ bấy lâu, đó là liên kết và đưa  môi trường giáo dục hiện đại từ các nước phát triển vào Việt Nam để sinh viên Việt Nam có thêm kiến thức đào tạo theo tiêu chuẩn hiện đại, chú trọng việc đào tạo ngành nghề gắn với thực tế. Các chương trình liên kết đào tạo mà anh và bạn bè đang thực hiện không chỉ phục vụ cho riêng sinh viên, mà còn đáp ứng nhu cầu học tập thực chất của không ít những người đã thành đạt và đang ở cương vị lãnh đạo.

Lê Thành Nam Giải Phóng tâm sự: “Tôi không phải là người con của TP. Hồ Chí Minh, nhưng nhìn lại, tôi thấy mảnh đất này đã cho tôi rất nhiều. Tôi tự nhủ mình hãy sống và làm những việc có ý nghĩa. Vì thế, dù công việc rất bận nhưng tôi sẵn sàng đứng ra làm Trưởng “Nhóm 30/4”, cũng là cách để nhắc nhở các bạn có cùng ngày tháng năm sinh luôn ghi nhớ công lao, sự hy sinh của cha ông và hãy làm những việc tốt dù nhỏ cho bản thân, gia đình và xã hội”.

Nguyễn Hòa Bình và Lê Thành Nam Giải Phóng chỉ là số ít trong những người tuổi 40 sinh ra vào thời khắc lịch sử, nhiều người trong số họ đã thành đạt, thành danh và không ngừng đóng góp công sức của mình để xây dựng quê hương đất nước.     

Vũ Đình

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh