CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:20

Tự chủ giáo dục nghề nghiệp: Không chỉ có trường nghề

 

ảnh minh họa

Kinh nghiệm từ Đức

Tại Đức, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được coi là xương sống của nền kinh tế và được ưu tiên hàng đầu. Chính phủ Đức luôn chú trọng các hoạt động đẩy mạnh GDNN như: Ngày mở trường, ngày dành cho học sinh…; Thường xuyên tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, cung cấp thông tin cụ thể về nghề nghiệp như: Mức lương dự kiến của từng nghề, tổ chức tư vấn hướng nghiệp, lộ trình phát triển nghề nghiệp cho học sinh. Theo định hướng đó, các doanh nghiệp mời học sinh đến thực tập tại doanh nghiệp. Đồng thời cung cấp các cơ hội đào tạo cho các em ngay khi còn đang học phổ thông. Thời gian tới đây, chính phủ Đức vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động GDNN hơn nữa để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế.

GS.TS Gebhard Hafer - Hiệu trưởng Trường BBW University of Applied Science (Đức) chia sẻ: Ở Đức hiện có hơn 60% học sinh tốt nghiệp phổ thông đi vào học nghề. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, các cơ sở GDNN phải thường xuyên cập nhật những yêu cầu về năng lực mà doanh nghiệp đòi hỏi. Có 4 trụ cột quyết định sự thành công của GDNN mà vai trò dẫn đầu là chính phủ. Tại Đức, chính phủ đóng vai trò cấp ngân sách cho các cơ sở GDNN. Thứ đến là các công ty, doanh nghiệp, hiệp hội đóng góp 30% nguồn lực cho GDNN.

Các công ty thường đưa ra quyết định về những nghề mà họ cần và tuyển dụng nhân lực đạt được những yêu cầu kỹ năng cần thiết của công việc, từ đó tư vấn lộ trình phát triển cho người học. Chủ thể thứ 3 là cơ sở GDNN, cho đến nay, 90% cơ sở GDNN ở Đức vẫn hoạt động theo các quy định của Bang và Liên bang, có nghĩa là họ hoạt động trong một thể chế thống nhất, công bằng và minh bạch. Chủ thể thứ 4 là các phòng thương mại, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng, tổ chức thi và cấp chứng chỉ, tổ chức lựa chọn cán bộ đào tạo trong doanh nghiệp.

Khuyến nghị cơ chế và chính sách

Như vậy có thể thấy, trong một thể chế đã có rất nhiều sự linh hoạt, tự chủ. Từ chính phủ, doanh nghiệp, đến nhà trường đều chủ động tham gia vào các khâu, nhằm đảm bảo có được nguồn nhân lực chất lượng tốt nhất. Với Việt Nam, GS.TS Gebhard Hafer cho rằng, không nên chỉ nhắm vào tự chủ với các cơ sở GDNN, cần nhìn vào tự chủ qua lăng kính của hệ thống tổng thể có nhiều chủ thể. Trong đó, một vấn đề cần được giải quyết và đẩy mạnh là hai chủ thể doanh nghiệp và nhà trường. Đây là thách thức lớn, nhưng là mấu chốt của việc thực hiện tự chủ.“Dường như Việt Nam đang tập trung quá mức cần thiết vào đối tượng, cụ thể là các cơ sở đào tạo, điều đó là không đủ và không hợp lý. Vì vậy, cần có một cơ chế, chính sách phù hợp để các chủ thể phối hợp với nhau một cách linh hoạt trong các quy trình về xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra…” - GS.TS Gebhard Hafer khuyến nghị.

Theo Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH), nước ta hiện có gần 2.000 cơ sở GDNN. Trong đó có hơn 1.500 trường trung cấp, cao đẳng nghề công lập. Có 3 trường đã và đang thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ là Cao đẳng Kỹ nghệ 2 TP Hồ Chí Minh, Cao đẳng Lilama 2 Đồng Nai và Cao đẳng Bình Định. Sau thời gian thí điểm, các trường này đã tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng và chất lượng; đầu tư cơ sở vật chất được cải thiện, số lượng doanh nghiệp tìm đến hợp tác nhiều hơn.

Tự chủ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng GDNN, tuy nhiên, lãnh đạo một số cơ sở GDNN cho rằng: Bất cập lớn trong tự chủ hiện nay là đang thiếu cơ chế, hành lang pháp lý để thực hiện. Muốn tự chủ được, cơ sở đào tạo phải tự cân đối được nguồn thu chi và vẫn phải có đầu tư và định hướng của Nhà nước. Bởi việc đào tạo vẫn phải đảm bảo nhu cầu nhân lực của địa phương, của xã hội.

PHƯƠNG MINH - ANH QUANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh