THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:38

Tự chủ ĐH: Phải giao quyền cho Hội đồng trường

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong tự chủ ĐH, con người là yếu tố cốt tử. Vì vậy phải giao quyền tự chủ cho Hội đồng trường. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.


Tuy nhiên, hiện mới có 7/13 trường ĐH tự chủ thành lập Hội đồng trường. Theo lãnh đạo của một số trường ĐH tự chủ, hiện nay hoạt động Hội đồng trường còn mờ nhạt, thiếu quyền lực, vai trò lãnh đạo thực sự. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do cơ quan chủ quản vẫn giữ quyền quản lý, bổ nhiệm hiệu trưởng, ban giám hiệu, các chức danh quản lý...

 Nút thắt nằm ở bộ chủ quản

Ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng bày tỏ: Nếu trường ĐH công lập chưa thực hiện tự chủ thì việc cơ quan chủ quản quyết định cán bộ là đúng nhưng nếu đã khuyến khích theo hướng tự chủ mà vẫn làm công tác cán bộ như cách đây hàng chục năm là không phù hợp.

Theo ông Danh, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường là thực hiện công tác giám sát, xây dựng định chế pháp lý trong trường, xem xét cán bộ, quyết định chiến lược... Như vậy chính Hội đồng trường là đại diện cơ quan chủ quản quản lý tài sản do Nhà nước giao.

“Vì vậy, nếu Hội đồng trường chưa đủ mạnh, chúng ta cần kiện toàn còn nếu Hội đồng trường đã làm tốt các nhiệm vụ của mình thì có cần thiết cơ quan chủ quản can thiệp vào công tác cán bộ chủ chốt không? Hãy để Hội đồng trường tự chủ trong quyết định công tác cán bộ chủ chốt thì mới đúng tinh thần tự chủ vì cốt lõi của tự chủ là con người”, ông Danh đề nghị.

Quan điểm này nhận được sự đồng tình của lãnh đạo nhiều ĐH tự chủ.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm vận hành Hội đồng trường, đại diện ĐH FPT và ĐH RMIT cho biết đây là cơ quan có quyền lực cao nhất, quyết định chiến lược phát triển, bổ nhiệm hiệu trưởng cùng các chức danh lãnh đạo, ban giám hiệu của nhà trường.

Một số ĐH tự chủ kiến nghị được tự quyết định bổ nhiệm những người còn năng lực, có trình độ đã nghỉ hưu vào vị trí quản lý Nhà nước, thành lập hội đồng chức danh xét công nhận, bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư trên cơ sở quy định chung của Thủ tướng Chính phủ về hội đồng chức danh Nhà nước; trường ĐH tự chủ được vận dụng cơ cấu tổ chức như ĐH vùng (có thể thành lập trường trong trường nếu bảo đảm điều kiện và chất lượng đào tạo).

Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TPHồ Chí Minh Nguyễn Đông Phong cho rằng: “Muốn Hội đồng trường là một chủ thể thực sự có quyền lực thì Chủ tịch Hội đồng trường phải là những nhân vật tầm cỡ chứ không phải bầu lên cho có như hiện nay”.

Giải đáp một phần những ý kiến liên quan đến hoạt động của Hội đồng trường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nêu thực tế những văn bản pháp quy hiện hành liên quan đến quy trình bổ nhiệm nhân sự chưa quy định rõ chức năng, quyền hạn của Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường dẫn đến hoạt động của cơ quan này tại các trường rất mờ nhạt.

Đại diện Đảng ủy khối các trường ĐH, CĐ TP. Hà Nội khẳng định, quy trình bổ nhiệm nhân sự của Hội đồng trường vẫn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ Đảng, không có gì vướng mắc. Vấn đề là hiện nay Hội đồng trường tồn tại khá hình thức, nên nếu không kiện toàn lại cơ quan này có thể dẫn đến nguy cơ hoạt động của ĐH tự chủ bị cá nhân thao túng.

 

Ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng, các bộ chủ quản nên giao quyền quản lý, bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo cho Hội đồng trường đối với ĐH tự chủ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

 

Phải mạnh dạn giao quyền

Từ ý kiến của các trường ĐH tự chủ, các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét: Chúng ta chưa chính thức hóa vai trò, thẩm quyền của Hội đồng trường nên cơ quan này hoạt động hình thức dẫn tới nguy cơ quyền lực tập trung vào người duy nhất là hiệu trưởng. Vì vậy phải tháo nút thắt này.

Theo Phó Thủ tướng, Hội đồng trường không phải là cơ quan cho ý kiến tham khảo về việc bổ nhiệm hiệu trưởng mà phải là cơ quan quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng và trình lên cơ quan chủ quản phê chuẩn. Đồng thời đây là cơ quan đưa ra các quyết định về định hướng phát triển lớn của nhà trường; yêu cầu hiệu trưởng, ban giám hiệu nhà trường giải trình các vấn đề hoạt động điều hành, đào tạo...

Làm rõ thêm lo ngại sự chồng chéo về quan hệ phối hợp giữa Hội đồng trường với Đảng ủy trường khi thực hiện công tác nhân sự, lãnh đạo, chỉ đạo, đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết rà soát các quy định cho thấy không có vướng mắc giữa Đảng ủy và Hội đồng trường trong việc bầu, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo. Bởi các quyết định về nhân sự luôn phải có sự đồng ý của Đảng ủy và các trường hợp ngoài quy hoạch thì Đảng ủy cho ý kiến khi tiến hành quy trình bổ nhiệm theo quy chế hoạt động của trường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, về nguyên tắc, đã giao quyền tự chủ cho các trường ĐH thì vai trò bộ chủ quản phải giảm đi thì tự chủ mới thực sự có ý nghĩa.

Phó Thủ tướng cho rằng phải tăng quyền quản lý cũng như trách nhiệm giải trình trong trường bằng cơ chế Hội đồng trường. Việc mới có 7/13 trường ĐH tự chủ thành lập Hội đồng trường nhưng đa phần hoạt động chưa tương xứng, điều này có trách nhiệm của bộ chủ quản và các trường, nhất là người đứng đầu.

Thực tế này đặt ra cần phải đổi mới mạnh mẽ, mạnh dạn giao quyền quyết định cho Hội đồng trường trong việc bầu Chủ tịch Hội đồng trường và hiệu trưởng. Còn Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan chủ quản chỉ cần ra quyết định phê chuẩn kết quả bầu lãnh đạo trường của Hội đồng trường.

“Việc này chúng ta phải giải quyết rốt ráo nếu không Hội đồng trường sẽ không có quyền lực. Các bộ chủ quản, mà trước hết là Bộ GD&ĐT, cần tin tưởng giao quyền cho Hội đồng trường được bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trường, Bộ chỉ phê chuẩn. Các bộ vẫn quản nhưng chúng ta thay đổi cách quản nếu không Hội đồng trường sẽ vẫn mờ nhạt”.

Phó Thủ tướng thẳng thắn đặt vấn đề: “Hiệu trưởng các ĐH tự chủ có dám tiên phong thực hiện các quy chế liên quan đến Hội đồng trường để thực sự đổi mới giáo dục ĐH nước nhà hay không vì với vai trò của Hội đồng trường, quyền lực của các hiệu trưởng sẽ bớt đi nhiều và những vấn đề lớn sẽ do Hội đồng trường quyết”.

Ông Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân khẳng định nếu quy định rõ ràng về vai trò của Hội đồng trường đối với việc bầu, bổ nhiệm lãnh đạo trường thì đây sẽ là nhân tố quan trọng ổn định, phát triển nhà trường.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Đông Phong đề nghị phải có hướng dẫn cụ thể thẩm quyền, mối quan hệ giữa Đảng ủy trường và Hội đồng trường và những quy định để cơ quan này phải tuân theo.

Từ câu chuyện về Hội đồng trường, Phó Thủ tướng cho rằng cần cho phép các ĐH tự chủ vận dụng cơ chế đại học vùng (trong trường có trường), được chủ động trong thành lập hội đồng chức danh xét công nhận, bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư trên cơ sở quy định chung của Thủ tướng Chính phủ về hội đồng chức danh Nhà nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu: “Thời gian tới cần phải kiện toàn các Hội đồng trường, phân định rõ trách nhiệm với hiệu trưởng, ban giám hiệu trong phương hướng phát triển, đầu tư, bổ nhiệm nhân sự, cơ chế kiểm soát. Các bộ chủ quản cần tập trung xem xét kỹ lưỡng nhân sự để bầu Hội đồng trường khóa đầu tiên và chỉ làm công tác phê chuẩn chức danh hiệu trưởng sau khi đã được Hội đồng trường bầu theo đúng quy định”.

Khi có những vướng mắc, khó khăn trong đổi mới chúng ta cứ đổ lỗi do cơ chế này kia. Nhưng rõ ràng có những cơ chế đã được đồng bộ mà đổi mới vẫn chưa thành công, là do quá trình thực hiện.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh