Tự chủ đại học: Điểm sàn thấp vẫn khó tuyển sinh
- Giáo dục nghề nghiệp
- 18:20 - 01/08/2018
Nhiều thí sinh vẫn loay hoay chọn ngành học cho mình.
Sinh viên vẫn có tâm lý chạy theo số đông
Cụ thể, ĐH Kinh tế Nghệ An đưa ra mức điểm sàn là 14 điểm và tuyển sinh 330 chỉ tiêu theo kết quả thi Trung học Phổ thông quốc gia, tuyển 770 chỉ tiêu theo các phương thức khác. Hiện đã có 600 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Mặc dù số hồ sơ nhận được đạt khoảng 50% chỉ tiêu nhưng nhà trường chưa chắc chắn số sinh viên nhập học thực tế là bao nhiêu.
Ngoài ngành Kinh tế kế toán, ngành Thú y vượt chỉ tiêu đề ra, năm nay ngành Quản trị du lịch lữ hành và khách sạn là ngành mới tuyển sinh mùa thứ hai nhưng cũng thu hút rất đông thí sinh đăng ký xét tuyển. Hai ngành Lâm nghiệp trồng trọt và Khoa học cây trồng hầu như không có thí sinh đăng ký xét tuyển.
Ông Nguyễn Mạnh Hưng, Trưởng ban Tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế Nghệ An lý giải, nhà trường không tuyển sinh được nhiều vào các ngành trên không phải do ngành nghề kém hấp dẫn mà tâm lý chung của thí sinh là thường chạy theo số đông.
Muốn lựa chọn được ngành nghề phù hợp, thí sinh cần quan tâm đến các ngành dễ tìm kiếm việc làm, phù hợp với năng lực và có sự đam mê để tạo động lực học tập. Nhà trường đang tư vấn cho thí sinh các ngành nghề mà xã hội cần, hướng cho các em đăng ký học ngành nghề để sau khi ra trường có thể tìm được việc làm ngay.
Tương tự, ở Trường ĐH Vinh, khối ngành Nông-lâm-ngư cũng không hấp dẫn thí sinh dù nhà trường có chính sách miễn giảm học phí, giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp và ưu tiên chỗ ở ký túc xá. Hai năm nay, số lượng thí sinh nhập học vào trường thấp hơn chỉ tiêu khoảng 20%.
50% chỉ tiêu cho thí sinh đăng ký xét tuyển bằng học bạ
Trường ĐH Công nghiệp Vinh năm nay tuyển sinh 1.000 chỉ tiêu và ngưỡng điểm sàn đầu vào là 13,5 điểm. Ông Trần Mạnh Hà, Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận việc Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ cho các trường ĐH sẽ khuyến khích sự phát triển của các đơn vị. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh lại khó cho các trường thuộc tốp dưới hoặc trường ngoài công lập bởi hiện trường nào cũng cố gắng tuyển đủ chỉ tiêu cho mình. Khi nguồn thí sinh đang ngày càng hẹp, những thí sinh có chất lượng thường ưu tiên lựa chọn những trường ĐH tốp đầu. Ngoài điểm sàn thấp, năm nay, các trường tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng hình thức xét tuyển học bạ.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Thị Minh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh cho biết nhà trường dành hơn 50% chỉ tiêu cho thí sinh đăng ký xét tuyển bằng học bạ, 40% còn lại mức điểm xét tuyển khá thấp chỉ từ 13,5-14 điểm.
Do việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, năm nay, nhiều trường ĐH ở Nghệ An đã mở thêm nhiều ngành nghề mới.
Trường ĐH Vinh mở thêm các lớp chất lượng cao với các ngành Sư phạm Toán, Công nghệ thông tin và Quản trị kinh doanh. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh mở thêm ngành Quản trị nhân lực, Sư phạm công nghệ với mục đích thu hút thêm thí sinh vào ngành Sư phạm… Trong quá trình đào tạo, nhà trường đã ký kết với các doanh nghiệp ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc để sinh viên có điều kiện thực tập và có cơ hội việc làm tại các nước đó.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách ưu tiên cũng mở ra với thí sinh. ĐH Công nghiệp Vinh sẽ giảm 25-100% học phí đối với những thí sinh có điểm học bạ hoặc điểm thi Trung học Phổ thông Quốc gia từ 19-23 điểm trở lên.
Trường ĐH Kinh tế ngoài kéo dài thời gian xét tuyển trong suốt cả năm học còn có chế độ ưu đãi giảm từ 50-100% học phí cho những thí sinh từ 18 điểm trở lên (đã cộng điểm ưu tiên).
Trường ĐH Vinh dành 30% chỉ tiêu cho xét tuyển học bạ, tuyển thẳng sinh viên các trường chuyên và miễn học phí 100% một số ngành cho thí sinh các huyện vùng núi cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Thanh Chương.
Những chính sách trên đã mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh đến với giảng đường ĐH trong mùa tuyển sinh năm nay. Mặc dù vậy, thí sinh cần cân nhắc rõ ràng trước khi lựa chọn ngành, nghề.