THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 07:13

Tự chủ - con đường duy nhất để giáo dục Việt Nam thay đổi

 

PGS, TS Bùi Anh Thủy, Phó hiệu trưởng kiêm Giám đốc Đại học Lao động - Xã hội (Cơ sở II - TP Hồ Chí Minh).

 

* Nhiều trường ĐH công lập cũng như ngoài công lập của ta  hiện vào mùa tuyển sinh luôn có mối lo lớn là tuyển không đạt chỉ tiêu, do đó không ít trường đã hạ điểm chuẩn tuyển sinh xuống khá sâu dưới mức điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định. Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề trên?

- Nỗi lo không đạt chỉ tiêu tuyển sinh có thể đến với một số trường ĐH khi vào mùa tuyển sinh, nói các trường ĐH cả công lập, ngoài công lập thì không hẳn. Còn việc hạ điểm chuẩn tuyển sinh dưới điểm sàn, tôi chắc chỉ rơi vào một số ít trường chưa tạo được uy tín và thương hiệu. Từ các thông tin về nhà trường, người học sẽ quyết định việc chọn trường để theo học theo năng lực mà họ có thể đạt tới. Trên thực tế, qua các kỳ tuyển sinh ĐH hàng năm, các tân sinh viên trúng tuyển đều xứng đáng với năng lực của mình.

*Ở các nước phát triển, người ta không “siết” quá “đầu vào”, mà  chú trọng kiểm soát chặt “đầu ra”, trong khi chúng ta hầu như “vào” bao nhiêu thì “ra” bấy nhiêu, dẫn đến thực trạng tốt nghiệp ĐH ồ ạt, sinh viên ra trường khó khăn khi tìm việc làm đúng chuyên môn được đào tạo. Ông suy nghĩ thế nào về điều này?

- Nói các nước phát triển là nói tới một phạm vi quá rộng để có thể so sánh với giáo dục ĐH nước ta. Vì giữa họ cũng đã rất khác nhau, và luôn cạnh tranh với nhau trong việc xây dựng vị thế. Nên nói rằng họ không “siết đầu vào”, chỉ “siết đầu ra” là chưa chính xác. Đơn cử một nền giáo dục ĐH hàng đầu thế giới như nước Mỹ, các trường ĐH có sự phân tầng rõ rệt chất lượng “đầu vào” của sinh viên. Những trường có thứ hạng cao tuyển sinh khá ngặt nghèo về điểm học bạ, và qua bài test, bài luận. Hàng năm, những trường này vẫn có một số sinh viên bị cho thôi học. Trong khi đó, cũng có nhiều trường tuyển sinh với chất lượng khá thấp, dễ dàng. Điều khác ở ta là nước Mỹ đã thực hiện việc kiểm định về chất lượng, xếp hạng trường ĐH khá minh bạch, công khai từ rất lâu. Người học được biết điều đó trước khi đăng ký xét tuyển. Ta cũng cần làm như vậy.

Còn nói ở ta “sinh viên vào bao nhiêu, ra bấy nhiêu” cũng chưa chính xác. Bởi, ở nhiều trường ĐH tôi biết, hằng năm, vẫn có một lượng sinh viên không nhỏ bị ngưng học, cho thôi học, tự bỏ học, do không theo kịp chương trình, do kết quả học tập kém… Số này thường khoảng 10 -15% số sinh viên được tuyển mới mỗi năm. Đó cũng chính là sự sàng lọc “đầu ra”. Còn thực trạng “sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ ra trường ào ạt, khó khăn khi tìm việc làm đúng chuyên môn được đào tạo”, tôi cho rằng cũng là chưa chuẩn xác, bởi chúng ta quá kỳ vọng vào việc các cử nhân nhất định phải có ngay việc làm đúng chuyên môn khi ra trường. Tôi không chắc là trên thế giới có quốc gia nào làm được điều đó.

 

Sinh viên Trường Đại học Lao động - Xã hội tham gia sàn việc làm.

 

*Ông đánh giá thế nào về tình trạng thất nghiệp của cử nhân, thạc sĩ ở Việt Nam hiện nay. Theo ông, có nên giảm tối đa việc đào tạo ĐH để kéo tỉ lệ thất nghiệp của cử nhân, thạc sĩ xuống thấp và tăng cường cho việc đào tạo nghề?

- Vấn đề thất nghiệp của cử nhân và cả thạc sĩ được nói trên nhiều diễn đàn và ở ta hiện đang có những nhận định khá khác nhau, về số liệu, về nguyên nhân cũng như giải pháp ứng phó. Các nước phát triển hàng đầu như Mỹ, Đức, Pháp… cũng luôn có tình trạng này.

Trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế của ta đang phải đối mặt, giải quyết những vấn đề gai góc như: nợ công tăng cao; hàng loạt doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ, thất thoát nguồn lực lớn; việc thu hút nguồn vốn FDI chưa có sự sàng lọc kỹ về hiệu quả, cả trước mắt và lâu dài;  việc huy động nguồn vốn trong dân đầu tư cho sản xuất kinh doanh chưa tương xứng, trong khi nhiều doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động... Hệ lụy của tình trạng trên là thiếu chỗ làm, chứ không phải do ta đào tạo “ồ ạt”. Chúng ta biết, tỉ lệ cử nhân, thạc sĩ tính trên đầu dân số nước ta vẫn thuộc mức thấp nhất trong khu vực ASEAN. Vì vậy, ta vẫn phải tăng cường đào tạo nhân lực trình độ ĐH, trong đó cần đặc biệt chú ý chất lượng, một mặt để nâng cao dân trí, mặt khác để khi kinh tế tăng trưởng trở lại, sản xuất, dịch vụ phát triển, ta đã có đủ nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu thực tế. Song song với việc đào tạo nguồn nhân lực ĐH, Nhà nước cần sớm thực thi chính sách phân luồng từ bậc phổ thông, để tạo động lực và định hướng sớm cho việc học nghề của một bộ phận thanh, thiếu niên. Chúng ta cũng cần tránh những tuyên truyền thái quá về việc nhiều thanh niên xuất sắc bỏ học ĐH đi học nghề, như thể đó là con đường duy nhất để có tương lai. Làm như vậy, chúng ta có thể thui chột những tài năng, mà nếu được định hướng đúng, được đào tạo căn cơ, các em sau này có thể có những đóng góp to lớn cho đất nước.

 

 

* Câu chuyện nhiều giáo viên ĐH có trình độ cao “dạy sô” quá mức đã được cảnh báo từ lâu, kèm theo đó là tình trạng “chảy máu chất xám” đang có chiều hướng gia tăng. Do đó, rất khó để bàn đến việc đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo ĐH. Ông suy nghĩ gì về điều này?

Về việc giảng viên ĐH “dạy sô”, giảng cho nhiều trường, tôi nghĩ là có. Còn điều đó có gây ra hệ lụy gì cho giáo dục không thì phải có một cuộc khảo sát và đánh giá nghiêm túc của cơ quan có thẩm quyền. Nhưng nói “chảy máu chất xám” thì lại là chuyện khác. “Chất xám” ở đây có phải ta đang nói đến những người có trình độ chuyên môn cao, vậy ta thấy “chất xám” này chảy đi đâu? Nếu “chất xám” di chuyển từ tỉnh này sang thành phố khác, từ cơ quan này sang tổ chức khác, doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, và cùng làm việc liên quan đến chuyên môn của người đó, thì chất xám vẫn đang phát huy tác dụng cho nền kinh tế - xã hội nước ta. Còn “chảy” ra nước ngoài thì mới tạm coi là “chảy mất”. Điều đó cũng có nghĩa là ta vẫn có thể bàn và thực hiện cuộc đổi mới sâu rộng về giáo dục, trong đó có giáo dục ĐH, để đưa nền giáo dục nước ta sớm theo kịp các nền giáo dục đi trước trong khu vực và ngày càng tiếp cận với các nền giáo dục hàng đầu thế giới.

  *Có một thực trạng, một số lãnh đạo cơ sở GD&ĐT ngại đụng chạm trong công tác đánh giá, sàng lọc đội ngũ CB, GV. Điều đó dẫn đến hiện tượng xếp loại thi đua cuối năm học hầu như ai cũng hoàn thành nhiệm vụ, lao động tiên tiến,… Ông nghĩ sao về chuyện đó, làm sao có thể sàng lọc được đội ngũ, để đổi mới?

- Tôi cho rằng, nếu không cho các trường ĐH thực hiện đầy đủ quyền tự chủ, thì chuyện đó ở các cơ sở giáo dục ĐH công lập sẽ không bao giờ khắc phục được. Tự chủ ĐH là vấn đề quan trọng có tính cốt lõi, theo đó việc quản trị trường ĐH được tổ chức với cơ cấu Hội đồng trường nắm vai trò quyết định hoạt động của trường ĐH, còn Hiệu trưởng là người điều hành trường trên cơ sở các quyết nghị và định hướng của Hội đồng trường. Trường ĐH được tự chủ về chuyên môn, học thuật, tự chủ về tài chính, về chức trách nhiệm vụ, về xây dựng bộ máy, sắp xếp nhân sự.

Việc này đang gặp nhiều lực cản, bởi nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Tôi cho rằng, tự chủ ĐH là con đường duy nhất để thay đổi diện mạo giáo dục ĐH Việt Nam. Nếu không thực hiện tự chủ ĐH, sẽ chẳng hội nhập, và các trường ĐH của ta sẽ mãi là những “người ăn đong” chính sách, khó có thể lớn được.

*Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi! 

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh