“Tự bảo vệ mình” - Trang bị những kỹ năng trẻ tránh khỏi xâm hại
- Dược liệu
- 00:07 - 19/06/2017
Câu chuyện lạm dụng tình dục, xâm hại tình dục trẻ nhỏ hay an toàn giới tính cho con… là vấn đề thời sự đối với mỗi gia đình. Vẫn còn nhiều phụ huynh thiếu kiến thức về “ấu dâm”, xâm hại trẻ nhỏ. Suy nghĩ ấu dâm, xâm hại trẻ là phải có quan hệ tình dục, phải hãm hiếp trẻ, mà coi nhẹ sự động chạm thân thể, để người khác tự ý ôm hôn con hoặc vô tư đùa giỡn với những “vùng nhạy cảm” của trẻ… Cũng có những phụ huynh muốn con “mạnh dạn” làm quen, thân thiết với nhiều người, nhưng cũng có phụ huynh cấm con giao tiếp người ngoài vì sợ con bị xâm hại.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, đừng ép con phải tỏ ra sự thân thiện với người khác chỉ để chứng minh rằng con là một đứa bé đáng yêu, ngoan ngoãn và thông minh. Thế nhưng cũng không ít phụ huynh loay hoay trong việc dạy con bảo vệ bản thân mình. Chính vì không biết cách, phụ huynh cũng dễ dẫn đến những sai lầm. Có người, vì quá sợ hãi, nên hù dọa trẻ tránh xa tất cả mọi người, trừ cha mẹ, khiến trẻ hoang mang, sợ hãi, trở nên nhút nhát, thiếu kĩ năng giao tiếp với mọi người. Rõ ràng, bố mẹ không thể bên cạnh con suốt cả ngày để đồng hành, giám sát, bảo vệ con trong khi nguy cơ con bị xâm hại có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Đặc biệt, qua thống kê cho thấy, đa số những vụ xâm hại tình trẻ em thủ phạm chính là người thân quen. Vậy phụ huynh cần trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết nào để trẻ biết tự bảo vệ mình?
Sách dạy trẻ những kỹ năng cơ bản để phòng, chống xâm hại.
Không rao giảng những điều to tát, bộ sách “Tự bảo vệ mình” dùng hình vẽ minh họa bắt mắt, tươi sáng, lời văn giản dị, đơn giản để giúp bé hiểu nên làm như thế nào khi mình gặp phải những trường hợp xấu, các vấn đề an toàn, bảo vệ cơ thể, các vùng riêng tư trên cơ thể, cách phân biệt những cử chỉ đụng chạm nào là xấu, cử chỉ động chạm nào là thể hiện tình yêu thương...
Bộ sách mang đến những câu chuyện thường gặp trong cuộc sống, nhưng ẩn sâu trong là thông điệp về cách nuôi dạy con sao cho đúng và làm sao để con không trở thành nạn nhân của lạm dụng và xâm hại tình dục trẻ em. Những tình huống được đơn giản hóa, khiến trẻ nhỏ có thể tiếp nhận thật nhẹ nhàng, nhưng lại mang ấn tượng sâu sắc và ghi nhớ đến mãi sau này. Đó là những câu chuyện của các bạn nhỏ Na, Minh, Tú Anh, Tôm dũng cảm và rất nhiều bạn nhỏ dễ thương và đáng yêu khác. Những tình huống có thể diễn ra tại nhà, tại trường học, trên đường phố, khi đi dạo, đi chơi… với rất nhiều đối tượng từ họ hàng, anh hàng xóm, bác bán đồ ăn sáng, nhân viên trường học… đến những người xa lạ. Với mỗi câu chuyện được đưa ra, bé sẽ được hình dung và tập phản ứng trước những tình huống nguy hiểm.
Những câu chuyện, nhân vật trong sách rất gần gũi.
Lạm dụng và xâm hại tình dục trẻ nhỏ vốn là một vấn đề nhạy cảm, tuy nhiên trong bộ sách thiếu nhi "Tự bảo vệ mình", vấn đề nhức nhối này lại được chuyển tải một cách tinh tế, sống động dưới các nét vẽ có sự chăm chút một cách cẩn thận, tỉ mỉ, hợp với trẻ nhỏ. Nội dung thực tế, cách biên soạn dễ hiểu nhưng vẫn không đánh mất đi vẻ trong sáng, đáng yêu của trẻ thơ. Bộ sách “Tự bảo vệ mình” gồm 3 cuốn.
Cuốn “Đừng lạm dụng cháu” hướng dẫn những tình huống cụ thể như bé phải làm thế nào khi có người đụng chạm thân thể bé mà chưa được bé cho phép, khi vào nhà vệ sinh công cộng bị ép xem phim “người lớn không mặc quần áo”, đi chơi công viên gặp “bác thích cởi quần”, bị người quen sờ vào vùng nhạy cảm… Nhưng không phải tình huống nào động chạm vào cơ thể cũng xấu như khi mẹ đưa bé đi khám bác sĩ. Chỉ có những hành vi tùy tiện nhìn, nói hay chạm vào chỗ “riêng tư” của người khác thì con cần phải dũng cảm nói “không” và tìm cách chạy trốn khi cần thiết.
Các em cần được trang bị những kỹ năng tự bảo vệ càng sớm càng tốt.
Trong cuốn “Đừng tùy tiện thơm cháu” có những tình huống mà đi đâu cũng gặp. Bé phải làm gì khi ai gặp cũng thích ôm hôn bé. Người lớn kỳ lạ lắm nhé, cứ gặp trẻ nhỏ là thích ôm hôn, mặc cho các bé đã từ chối, tỏ thái độ không đồng ý. Bé chỉ thích được bố mẹ ôm hôn thôi, anh hàng xóm, bác chẳng chịu cạo râu… thì không thích đâu. “Đừng tùy tiện theo người lạ” là câu nói mà cha mẹ nào cũng thường dạy con và cũng là nhan đề của cuốn sách thứ 3 trong bộ “Tự bảo vệ mình”. Phải làm gì khi bị lạc giữa chốn đông người, khi có người lạ mời bánh kẹo hoặc nước uống, mời bé lên xe máy, ô tô, khi người không quen biết đến nhà… Đôi khi những kẻ xấu không hẳn là những người trông dữ dắn hay ăn mặc xấu xí, họ có thể ăn mặc rất đẹp, lịch sự như “công chúa”, “hoàng tử” trong truyện cổ tích, đó có thể là những người dễ gần…
Với những thông tin hữu ích có trong cuốn sách, cha mẹ, thầy cô sẽ có thể trở thành một chuyên gia, giúp con tiếp thu và sử dụng những kiến thức về xâm hại hiệu quả nhất.