THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:59

Chậm xử lý các vụ xâm hại tình dục trẻ em: Sẽ xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân

 

Khu vực ngõ được cho là nơi xảy ra sự việc bé gái bị hàng xóm xâm hại tại quận Hoàng Mai, Hà Nội ngày 8/1/2017. Ảnh: Kênh 14.

 

Xâm hại trẻ em chủ yếu từ người quen

Theo ông Đặng Hoa Nam, gần đây các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng. Điều này một phần do các kênh thông tin đã tốt hơn, báo chí và mạng xã hội phát triển. Đồng thời, hiểu biết pháp luật, nhận thức của gia đình, cộng đồng cũng tốt hơn, mạnh bạo hơn trong việc tố cáo hành vi xâm hại trẻ em. Tuy vậy, tính chất các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ngày càng phức tạp, đặc biệt các vụ xâm hại tình dục trẻ em từ người thân, người quen biết. Cùng đó, việc xử lý thường kéo dài, thậm chí có nguy cơ “chìm xuồng”. “Các vụ việc xâm hại trẻ em không hẳn nhiều hơn, nhưng có xu hướng nghiêm trọng, phức tạp hơn, đặc biệt các vụ việc loạn luân”, ông Nam nói.

Vừa qua, một số vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra và gia đình nạn nhân khiếu nại khắp nơi, nhưng cơ quan chức năng chậm trễ vào cuộc. Chỉ khi dư luận lên tiếng, thậm chí Thủ tướng có chỉ đạo, chính quyền địa phương mới rốt ráo vào cuộc. Vậy theo ông, trách nhiệm chính quyền địa phương ra sao trong các vụ việc này?

Pháp luật hiện hành quy định, Chủ tịch UBND cấp xã, huyện, tỉnh phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Cấp xã nếu vượt thẩm quyền xử lý, có quyền yêu cầu cấp huyện, tỉnh, trung ương hỗ trợ các biện pháp bảo vệ trẻ em, từ yêu cầu tài chính tới nhân lực. Đặc biệt, Luật Trẻ em 2016, có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, đã quy định rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan. Trong đó có quy định về lưu trữ hồ sơ, quá trình xử lý vụ việc. Để sau đó chỉ cần lật dở hồ sơ sẽ biết được vụ việc bị chậm trễ ở đâu, do tổ chức, cá nhân nào để xử lý trách nhiệm. Với luật mới, chắc chắn các vụ việc vừa qua sẽ xác định rõ được trách nhiệm người gây chậm trễ để xử lý.

Phải chăng, các cơ quan địa phương có phần xem nhẹ các vụ việc xâm hại trẻ em?

Tôi chia sẻ áp lực và khó khăn của chính quyền địa phương, họ có nhiều việc. Tuy nhiên, vấn đề xâm hại trẻ em phải luôn ưu tiên theo quy định. Hy vọng khi Luật Trẻ em có hiệu lực và được thực hiện nghiêm, các vụ việc chậm trễ xử lý như vừa qua ít nhất sẽ chỉ rõ được trách nhiệm thuộc về cá nhân, cơ quan nào chậm hoặc không có biện pháp hỗ trợ trẻ em. Tuy nhiên, biểu hiện xã hội có phần coi nhẹ hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em.

 
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em.
 

Tốn thời gian do giám định

Khi trả lời báo chí, một số cơ quan cho rằng, không đủ bằng chứng để xử lý các cá nhân bị tố cáo xâm hại trẻ em, theo ông lý do đó có thuyết phục?

Điều đó cũng có, ngoài nhận thức của gia đình nạn nhân chưa đầy đủ nên chậm trễ trong việc tố cáo, dẫn tới thu thập bằng chứng khó khăn. Hay việc nghi phạm, thủ phạm tìm cách mua chuộc, đe doạ nạn nhân và người nhà để ngăn tố cáo. Ngoài ra, các hành vi dâm ô vẫn chưa được quy định rõ ràng. Các quy định về giám định pháp ý cũng chưa đáp ứng yêu cầu thu thập bằng chứng xác minh hành vi dâm ô trẻ em. Nếu làm đúng quy định sẽ rất khó thu thập chứng cứ vì mất nhiều thời gian. Trong khi việc khởi tố vụ án, bị can được hay không phụ thuộc vào kết quả giám định. Dù gia đình có yêu cầu giám định, nhưng việc giám định chỉ được thực hiện khi cơ quan trưng cầu giám định có yêu cầu. Tới khi đầy đủ thủ tục để giám định đã quá lâu, nghi phạm, thủ phạm không còn dấu vết gì nữa. Vì vậy, quy định về giám định cũng cần cải cách để được tiến hành nhanh nhất.

Thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có biện pháp gì để bảo vệ trẻ em tốt hơn, ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em?

Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để xã hội nhận thức rõ hơn về xâm hại tình dục trẻ em. Để xã hội lên tiếng, tố cáo tội phạm khi thấy có các dấu hiệu, hành vi nghi ngờ trẻ em bị xâm hại. Đặc biệt các hành vi xâm hại trẻ em diễn ra trong gia đình, do người thân thích, người cùng khu vực cư trú gây ra. Thời gian tới Cục Trẻ em sẽ phối hợp cơ quan liên quan xây dựng đường dây nóng bảo vệ trẻ em, số này chỉ 3 số (bên cạnh các số 113, 114, 115).

Ngoài ra, nâng hình phạt với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, và các biện pháp bảo vệ trẻ em và người tố cáo. Vì theo quy định hiện hành, người bị tố cáo xâm hại trẻ em, nhưng chưa đủ chứng cứ cơ quan chức năng chưa thể khởi tố, họ vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Điều này gây lo ngại cho nạn nhân và người tố cáo.

Cảm ơn ông!  

Bắt đối tượng dâm ô học sinh tiểu học

 Thông tin từ Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, cơ quan này vừa phối hợp Công an quận Hoàn Kiếm bắt giữ đối tượng N.Đ.B. (SN 1991, ở quận Đống Đa), do có hành vi dâm ô học sinh.

Bước đầu, công an xác định, sau khi đột nhập vào Trường Tiểu học Mai Động, quận Hoàng Mai, B. đã có hành vi xâm phạm thân thể học sinh tại đây. Mở rộng điều tra, công an phát hiện đối tượng có hình ảnh xâm phạm học sinh tương tự, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ngày 22/5, Công an quận Hoàng Mai phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm đã bắt giữ B., chuyển Phòng Cảnh sát Hình sự tiếp tục điều tra.          

Minh Đức


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh