CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:50

Từ ăn mày thành tỉ phú: Vâng, tôi từng là ăn mày!...

Củ chuối rồi đến ngay cả củ ráy, củ khoai ngứa cũng đều bị bòn cho bằng hết tống vào nồi nấu lên ăn mà những cái dạ dày vẫn chỉ được lấp một góc nhỏ. Đói vàng mắt, đói bủn rủn chân tay.

Ăn cả cỏ

Nhìn ngôi nhà mái bằng đường hoàng, vững chắc, vườn trước vườn sau rộng thênh thang lại thêm 3 mẫu đất sổ đỏ mới mua, khách lạ ước tính tài sản của anh theo thời giá ít nhất cũng phải dăm tỉ.vChắc gia cảnh anh bố mẹ không phú quý cũng phải có người “chống lưng”. Có ai ngờ, trần gian có một người khổ đến thế. Thời trẻ anh đã phải bỏ học giữa chừng, chân đất, đầu trần lang thang xin ăn khắp chốn.

Khi tôi nhắc đến chuyện cũ, anh thần người trong phút chốc rồi gật gật đầu, nhỏ nhẻ: “Vâng, tôi trước đây từng là ăn mày”. Ký ức của một thời chưa xa chợt ùa về, tươi mới và vẹn nguyên những đắng cay, tức tưởi.

Anh Sông kể về quãng thời gian phải đi ăn mày...

Quê anh gốc ở làng An Định xã An Thanh (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) ven con sông Thái Bình phù sa màu mỡ nên bố mẹ đặt tên con là Sông, Phạm Văn Sông. Họ sinh hạ được tới 5 khúc ruột, gia cảnh có lẽ cũng không đến nỗi bi đát nếu không có đợt đi kinh tế mới ở Quảng Ninh, vấp chiến sự biên giới lại phải chạy dạt về nơi chôn rau, cắt rốn.

Trở về, không ruộng, không nhà, không xã viên, lúc đầu họ phải ở nhờ sân kho HTX. Về sau, thôn xóm thương tình cắt cho họ một mảnh đất hoang gần cơ đê, sát nghĩa địa, dựng túp lều rạ, vách đất vá víu mà rau cháo nuôi nhau.

Quãng đầu những năm 80 của thế kỷ trước nhiều người lâm cảnh đói. Người ta đói một còn nhà anh đói mười bởi không có bất kỳ quyền lợi công dân nào dù là nhỏ nhất. Đã thế, vết thương thời chống Pháp của bố anh thường xuyên tái phát, một mắt mù, thi thoảng còn bị điên, còn mẹ anh mắc chứng phong rút, chân tay sưng phồng, biến dạng như hai cái càng cua, chẳng thể lao động được nữa. Gánh nặng cơm áo dồn tất cho đàn con.

Mấy chị lớn lúc có việc thì đi làm thuê, lúc rảnh lại ra đồng móc cua, bắt cáy còn chị thứ ba và anh lúc ấy quá nhỏ chẳng theo nổi. Một cân cáy đổi được một bò khi thì gạo lúc lại mạch. Bữa ăn của cả nhà thường xuyên là một vốc gạo hay hạt mạch rang lên, ông bố lấy cái chén sứt mẻ đong ra đong rồi gạt ngang miệng mỗi người một lượt.

Có lần may mắn hai chị lớn kiếm được mấy đồng hí hửng mua ít sắn bột về nhào lên, nặn ra thành bánh rồi luộc cho cả nhà ăn một bữa. Ních xong bụng bánh sắn anh mò ra bờ đê định kiếm ít rau thài lài, đến khu Mộ Tù bỗng người gục xuống, nhũn ra, sùi bọt mép, bẹp nhũn.... 

 

Phút thảnh thơi của tỉ phú Sông... 

Suốt từ trưa cho đến tối anh nằm đó. Khi những giọt sương khuya lạnh buốt nhỏ tong tong xuống mặt anh mới tỉnh dần rồi lê lết bò về nhà. Cả gia đình đều bị ngộ độc bánh sắn sùi nặng, ngoại trừ ông bố vì nhường vợ, nhường con nên ăn nhịn bụng, không dám ăn. Về sau mới hay đám gian thương đã trộn cả vôi sống vào bột sắn để gia tăng trọng lượng. Kể từ đó, hễ nhìn thấy sắn là anh hãi hùng.... 

Củ chuối rồi đến ngay cả củ ráy, củ khoai ngứa cũng đều bị bòn cho bằng hết tống vào nồi nấu lên ăn mà những cái dạ dày vẫn chỉ được lấp một góc nhỏ. Đói vàng mắt, đói bủn rủn chân tay nên chị ba rủ anh (lúc đó chừng tám, chín tuổi) đi hái một rổ sề thài lài - thứ rau chỉ để dành nuôi lợn luộc lên, chấm muối ăn ngon lành. Bụng căng phồng cỏ như một con bò mà vẫn đói vì thiếu chất. Nằm ổ rơm, mót những hạt thóc lép mà đầu óc quẩn quanh một suy nghĩ làm sao để có cái gì bỏ vào bụng cho khỏi chết.... 

Vốn sáng dạ, anh học rất giỏi, đặc biệt là môn toán nên được cô giáo quý mua tặng cả sách vở, đồ dùng học tập. Cả trường chọn ra được hai học trò đi thi học sinh giỏi, bạn thi văn còn anh thi toán. Hôm đi, cô giáo đèo anh bằng chiếc xe đạp cũ lên tận xã Cộng Lạc, trước khi vào phòng còn dúi vào tay trò một cái bánh chưng ăn lót dạ vì biết trong bụng anh chỉ toàn là cỏ thài lài....

Thương anh thỉnh thoảng cô lại rủ về nhà ăn cơm dù gia cảnh cô lúc bấy giờ cũng chỉ là kiếp giáo nghèo. Anh toàn từ chối dù thú nhận với tôi rằng lúc ấy chỉ cần nhìn thấy một hạt cơm trắng đã thèm đến mức nước miếng tứa hết cả mồm miệng lẫn chân răng. Giải thưởng anh mang về là 7 đồng, chỉ đủ đong một vài bò gạo. Đói vẫn hoàn đói. Ngồi học mà con chữ cứ bò lổm ngổm như cua, như cáy trên trang giấy trắng chứ nhất định không chịu vào đầu.... 

Anh Sông chăm sóc chuối... 

Anh quyết định bỏ học, nhường lại sách vở cho em nhưng không may nó lại tối dạ chẳng chịu đi học. Tập sách để mấy năm bị giọt gianh làm cho mủn bằng hết. Chị ba cùng anh mò ra khu chợ Đấm bới trong đám rác khi thì ngọn rau úa lúc lại củ khoai hà về bỏ vào nồi chống đói. Hai chị em lại rủ nhau ra cửa hàng lương thực ở Cầu Xe. Tuần hai buổi thứ hai và thứ sáu cửa hàng cấp gạo cho cán bộ, họ chầu chực quét những hạt rơi, hạt vãi về. Đãi đi, đãi lại nhưng bát cháo khi đưa lên môi chốc chốc lại lốc cốc một hai hạt sạn, hạt sỏi.... 

Hành trình ăn mày

Chẳng nhẽ lại nằm ôm nhau mà chết? Bần cùng quá, bố mới rủ anh đi ăn xin. Sáng sáng mỗi người một ngả chia nhau đi khắp huyện, sang cả huyện Thanh Hà, sang cả nông trường Quý Cao bên Hải Phòng mà xin....

Hành trang của họ là cái túi vải rách vắt vai, đi cả ngày rã cẳng, chồn chân cũng chỉ lọc xọc một hai bò gạo xấu, vài đồng “tiền bồm”. Nhìn chúng bạn tung tăng đến trường lắm lúc phải ngoảnh mặt đi. Đã thế có bận ăn xin qua khu An Thổ anh còn bị một kẻ du côn xông ra chặn đường, trấn lột hết, tủi thân chỉ còn biết đứng giữa đường mà khóc.

Trên bờ là chuối, dưới là thả rươi...

Sau 3 năm ăn mày, 15 tuổi anh xin đi làm trong một cái lò vôi bên Hải Phòng để lại cha già, mẹ yếu và một đứa em còn thơ dại. Suy dinh dưỡng hạng nặng nên người nhỏ chỉ như một đứa trẻ lên mười, vai và tay anh lúc đầu trầy xước vì vác vôi. Máu đỏ thắm trên những cục vôi trắng, dần dần cũng biến thành chai sạn, có chỗ dày đến mức dao cứa vào mà vẫn không thấy đau.

Bố mất khi anh 17 tuổi, nếu không có HTX thương tình cho cái áo quan thì phải đành bó chiếu. Vét hết gạo trong nhà anh nấu được bát cơm trắng, đặt quả trứng gà luộc lên trên làm cỗ đám ma cho bố. Trên bờ là chuối, dưới là thả rươi Ba năm sau mẹ anh cũng qua đời vì bạo bệnh.

Các chị lớn đã đi lấy chồng hết, nhà chỉ còn hai anh em với một cái nồi được người họ hàng xa cho, một cái bát sành còn sót lại. Lúc em gái đi lấy chồng, anh gói ghém cái nồi và cái bát duy nhất ấy làm của hồi môn cho nó. Tình cờ anh gặp chị ở một đám dạm ngõ, thấy thích nhưng vẫn còn ngại ngần bởi gia cảnh. Ai ngờ khi biết tin, người anh và nhất là bà mẹ chị lại đồng lòng vun vén. Anh trai thì thường rủ anh về nhà nhưng dẫn cửa trước, chị luồn cửa sau… trốn. Thấy vậy, mẹ chị khuyên: “Tao chỉ thương thằng Sông hiền lành, chăm chỉ!”. Bà còn giấu chị cho người lớn đến nhà anh nói chuyện, đặt chị vào sự đã rồi, đành phải lấy. Đó là năm 1998.... 


Theo Dương Đình Tường/Nongnghiep.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh