THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:41

Từ 1/7 ngoại tình có thể bị phạt tù đến 3 năm?

Thời gian qua trên một số phương tiện truyền thông đa đăng tải những nội dung mang tính chất phổ biến pháp luật liên quan đến quy định nội dung về tội “vi phạm chế độ một vợ, một chồng”. Tuy nhiên, một số thông tin đưa ra chưa chuẩn xác khiến nhiều nhiều người hoang mang, hiểu chưa rõ vấn đề. PV Dân trí đã có buổi trao đổi với Luật sư. Ts Nguyễn An, Hãng Luật Cộng Đồng nhằm làm rõ về những thay đổi sắp có hiệu lực (áp dụng từ 1/7/2016) trong Điều 182 Bộ luật hình sự 2015.

PV: Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 quy định quy định nội dung về tội “vi phạm chế độ một vợ, một chồng” cụ thể ra sao, hành vi nào được quy định là phạm tội và phải chịu án phạt đến đâu thưa ông?

 Luật sư An cho rằng người ngoại tình có thể sẽ không đủ các điều kiện để xử phạt hình sự, không phạm tội. Nhưng chính họ sẽ có lỗi trong mối quan hệ của gia đình mình.

Luật sư An cho rằng người ngoại tình có thể sẽ không đủ các điều kiện để xử phạt hình sự, không phạm tội. Nhưng chính họ sẽ có lỗi trong mối quan hệ của gia đình mình.

Luật sư. Ts Nguyễn An: Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 quy định quy định nội dung về tội “vi phạm chế độ một vợ, một chồng” như sau:

“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.”

Theo đó, điều luật này quy định nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ một chồng đã được quy định tại Hiến pháp Việt Nam và Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

Như vậy, người “ngoại tình” sẽ chỉ bị xử phạt khi có đầy đủ các dấu hiệu sau:

Thứ nhất: phải có ít nhất một trong hai bên phải đang có vợ hoặc chồng. Nếu cả 2 bên cùng chưa có vợ hoặc chồng mà chung sống với nhau thì không bị coi là vi phạm. Trường hợp người chưa có vợ hoặc chồng chỉ phạm tội khi người đó “biết rõ” người mà mình chung sống hoặc kết hôn đang có vợ hoặc chồng.

Như vậy phải có sự chung sống như vợ chồng. Không chung sống như vợ chồng thì không được coi là có hành vi vi pham. Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau như vợ chồng, việc chung sống có thể công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó... (Thông tư số 01/2001/TTLT/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC)

Ví dụ: Anh A kết hôn với chị B năm 2014 tại Hà Nam. Năm 2015, Anh B ra hà Nội yêu và sống chung cùng với chị H làm công nhân tại Hà Nội. Mặc dù gia đình nhà Anh A ngăn cấm và khuyên ngăn nhưng 2 người vẫn chung sống với nhau và có 1 người con chung, cùng nhau sống và tạo dựng tài sản tại nhà trọ. Sự việc của anh A và chị H là việc chung sống như vợ chồng.

PV: Trên thực tế, ngày nay có rất nhiều bạn trẻ sống chung với nhau dưới hình thức “sống thử” hay “góp gạo thổi cơm chung”. Hình thức này có thể coi là kiểu chung sống như vợ chồng. Như vậy có vi phạm pháp luật không?

Luật sư. Ts Nguyễn An: Hình thức sống chung như vậy không vi phạm chế độ một vợ một chồng. Bởi cả hai người đều chưa kết hôn nên việc chung sống với nhau cũng chỉ đơn giản như quyền của công dân được lựa chọn nơi cư trú.

Ở góc độ quy định theo quy định của pháp luật người ngoại tình đó có bị phạt tù hay không thì phải xét đến hậu quả của hành vi sống chung như vợ chồng. Nếu một bên vợ hoặc chồng có hành vi vi phạm và dẫn đến hậu quả là một trong các trường hợp sau thì mới được coi là có tội:

- Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;

- Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

- Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng là tội cấu thành hình thức. Do vậy, để truy cứu trách nhiệm hình sự tội này cần phải có đầy đủ yếu tố hành vi và hậu quả. Giữa hành vi và hậu quả phải có mối quan hệ nhân quả với nhau.

Ví dụ: Sau khi gia đình khuyên can anh A quay về với chị B không thành, chị B và anh A quyết định ly hôn với lý do anh A ngoại tình (chung sống với người con gái khác và đã có con).

Như vậy, để cấu thành tội vi phạm chế độ một vợ một chồng và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này phải đảm bảo đủ cả 2 yếu tố là hành vi và hậu quả.

Thực tế đã chứng minh người ngoại tình có thể sẽ không đủ các điều kiện để xử phạt hình sự, không phạm tội. Nhưng chính họ sẽ có lỗi trong mối quan hệ của gia đình mình. Vợ chồng không ly hôn bởi lý do vì con cái họ, nhưng liệu rằng cuộc sống có được hạnh phúc như bên ngoài họ vẫn thể hiện, một bên sẽ phải chịu nỗi đau về tinh thần.

Cảm ơn Luật sư!

theo dantri

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh