Từ 1/9, tăng mạnh mức phạt đối với người ngoại tình
- Pháp luật
- 15:17 - 01/09/2020
Tăng mạnh mức phạt với người ngoại tình
Tại Nghị định 82/2020 có hiệu lực từ ngày 1/9, Chính phủ quy định mức phạt với người đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác từ 3-5 triệu đồng, thay vì 1-3 triệu đồng như trước.
Mức phạt tương tự cũng áp dụng với người đang có vợ hoặc có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
Những người kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng… phải chịu cùng mức phạt trên.
Đăng ký khai sinh cho con muộn không còn bị phạt
Nghị định 82/2020 còn bãi bỏ quy định xử phạt cảnh cáo đối với bố, mẹ đăng ký khai sinh cho con không đúng thời hạn quy định (tức là trong vòng 60 ngày kể từ ngày trẻ được sinh ra).
Ngoài ra, Nghị định 82/2020 cũng tăng mạnh mức phạt lên 1-3 triệu đồng đối với các vi phạm về đăng ký khai sinh như tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ đã được cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
Các trường hợp cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh; sử dụng giấy tờ của người khác để đăng ký khai sinh sẽ bị xử phạt từ 3-5 triệu đồng.
Bỏ tên gọi "trạm thu giá"
Từ ngày 15/9, Thông tư 15 của Bộ Giao thông Vận tải sẽ có hiệu lực, thay thế cho Thông tư 49. Theo đó, "trạm thu giá" sẽ được trở về tên ban đầu "là trạm thu phí".
Trước khi thành lập trạm thu phí phải công khai vị trí đặt trạm. Đồng thời, trong suốt quá trình thu, đơn vị thu phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử thông tin về tổng thời gian được thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, thời điểm bắt đầu thu, doanh thu tháng trước của trạm thu phí số điện thoại để tiếp nhận thông tin phản ánh….
Trước đó, năm 2010, tại Thông tư 5, Bộ Giao thông Vận tải đã đặt tên cho nơi thực hiện việc thu phí phương tiện tham gia giao thông đường bộ là "trạm thu phí đường bộ".
Đến năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải ban hành ra Thông tư 49, thay thế Thông tư 5; trong đó đổi tên "trạm thu phí" thành "trạm thu giá".
Tăng mức hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp
Theo Nghị định 88/2020 có hiệu lực từ ngày 15/9, mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp, tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động khám, sau khi được bảo hiểm y tế chi trả.
Mức này lên tối đa 800.000 đồng/lần/người thay vì 500.000 đồng như hiện nay. Mỗi người lao động được hỗ trợ tối đa hai lần, và mỗi năm được hỗ trợ một lần.