THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:05

Trung tâm DVVL Quảng Ngãi: Xuất khẩu lao động hướng đến thị trường chất lượng cao

 

Theo báo cáo từ Sở LĐ-TB&XH, trong năm 2016, toàn tỉnh đã có trên 1.300 lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài. Trong đó, 2 thị trường lao động chất lượng cao là Nhật Bản và Hàn Quốc đã có 400 lao động đã xuất cảnh. Đây là tín hiệu rất khả quan, cho thấy nhận thức của người lao động đã được nâng lên, trình độ chuyên môn của người lao động trước khi đi XKLĐ đã thay đổi, tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng, đại học cũng tăng lên ở thị trường vừa học, vừa làm là Nhật Bản. Thị trường Hàn Quốc cũng đã định hình có chọn lọc được đối tượng có trình độ chuyên môn, tay nghề cao khi tham gia lao động tại đây.

Ông Võ Duy Yên, Giám đốc Trung tâm DVVL Quảng Ngãi cho biết: Ngoài các chương trình XKLĐ theo Nghị định 71 của Chính phủ, trong vài năm trở lại đây tỷ lệ lao động có trình độ hoặc chọn ngành nghề vừa học, vừa làm đã tăng lên rất nhiều. Điều này cho thấy, xu hướng chuyển dịch lao động có tay nghề mong muốn được trải nghiệm ở những môi trường lao động chất lượng, thu nhập cao có xu hướng tăng.

Lãnh đạo Trung tâm DVVL đến thăm nhà có người đi lao động ở nước ngoài. 

 

Đây là xu thế tất yếu khi thị trường lao động trong nước có sự sụt giảm về chất lượng, tỷ lệ thất nghiệp cao, số sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm cũng tăng, vì vậy XKLĐ sang các thị trường chất lượng cao không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho bản thân người lao động mà trong xu hướng tới những đối tượng này sẽ góp phần bổ sung vào nguồn nhân lực cho địa phương khi họ trở về nước. Ngoài ra, nhiều địa phương đã tạo ra hiệu ứng rất tốt khi tuyên truyền sâu rộng hiệu quả của chương trình XKLĐ chất lượng cao. Mỗi năm số lao động Quảng Ngãi đang học tập và làm việc ở nước ngoài tích lũy gửi về  khoảng từ 350 đến 400 tỷ đồng, đây là nguồn thu nhập khá lớn của các gia đình có con em tham gia XKLĐ. Nhiều lao động sau khi hết hạn hợp đồng trở về nước đã phát huy tay nghề, kinh nghiệm và số vốn tích lũy, tổ chức sản xuất - kinh doanh phát triển kinh tế gia đình và giải quyết thêm được nhiều việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Đơn cử như xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đang dẫn đầu về số lượng lao động chất lượng cao. Nếu như cả tỉnh có 400 lao động chất lượng cao thì xã Bình Châu đã có hơn 200 lao động. 

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, trong năm 2016, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh ước đạt 47%, trong đó, lao động nữ chiếm 37%. Qua 24 phiên giao dịch việc làm, đã giải quyết việc làm cho trên 39.000 lao động, có 1.600 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 125 người đi theo Quyết định 71 của Chính phủ. Cũng theo báo cào này, trong năm 2017 Quảng Ngãi phấn đấu tạo việc làm mới cho 39.500 lao động, xuất khẩu lao động 1.700 người.

Ngày 21/12/2016, đồng chí Lê Viết Chữ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng Ban Thường trực đã làm việc với lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Sau khi nghe báo cáo đồng chí nhấn mạnh: “Ngành LĐ-TB&XH phải đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, XKLĐ”. Bí thư yêu cầu, trong quý 1/2017, Sở LĐ-TB&XH chủ động tham mưu cho UBND tỉnh khẩn trương ban hành chính sách đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn đào tạo với sử dụng lao động theo Nghị quyết 19; chính sách khuyến khích XKLĐ. Xem XKLĐ là một xóa đói giảm nghèo hữu hiệu, bền vững và chúng ta rất cần đến lực lượng lao động có kinh nghiệm đi XKLĐ trở về. Chính họ sẽ kế tiếp sự  phát triển cho KKT Dung Quất, vì vậy yêu cầu cần phải đẩy mạnh công tác XKLĐ, nhất là lao động sang các thị trường chất lượng cao. 

HOÀNG NAM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh