CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:05

Thác nước mang truyền thuyết tộc người M’nông Gar

 

Cách trung tân thành phố Buôn Ma Thuột hơn 100 km, ngọn thác hình trâu đá kì lạ đêm ngày tuôn chảy dòng nước mát gắn liền với truyền thuyết ly kỳ liên quan đến quá trình hình thành, khai hoang lập làng, kích thích trí tò mò khám phá của du khách thập phương.

Đến chân núi lúc mặt trời đứng bóng, chúng tôi bắt đầu chuyến băng rừng, leo dốc chạm đỉnh thác khi cơn mưa vừa tạnh. Mất gần 2 giờ men theo lối mòn giăng đầy gai, những chú muỗi rừng vo ve bủa vây, chúng tôi mới đến được đỉnh thác, ngấm nhìn dòng thác đổ tạo nên bảng hợp xướng đủ âm thanh.

 Đứng trên đỉnh thác nhìn tựa như bể chứa đầy nước ngầm trong xanh chảy ra từ lòng núi sau thẳm rồi trút xuống nhiều tảng đá xếp chồng thẳng đứng. Nơi thác đổ xuống là một tảng đá lớn có hình thù giống chú trâu lớn đang ngâm mình dưới nước đầu hướng về phía trước.  Miệng thác nước cũng chính là “mõm” trâu đang thở “phì phò” tạo thành dòng nước xoáy mạnh, chảy cuồn cuộn tung bọt trắng xóa. Nước từ trên đỉnh đổ xuống uốn lượn qua nhiều lớp đá, mỗi lớp mang một hình dáng khác nhau song chúng đều có màu đỏ thẫm tạo nên nét riêng biệt chỉ có ở thác trâu đá.

Dòng nước trong xanh chảy qua phiến đá màu đỏ gặp ánh nắng phản quang như dải lụa uốn lượn mượt mà. Thác nước chảy lúc êm ả lúc ào ạt hòa lẫn với tiếng hót muôn loài thành bản hòa ca giữa núi rừng. Điều thú vị mà bất cứ ai đặt chân lên đây đều trầm trồ xuýt xoa chính là một rừng lan xanh mơn mởn nở hoa thơm ngào ngạt. Lan mọc từ gốc lên tới ngọn cây, bám quanh các phiến đá với vô số loài. Nhìn từ xa, thác trâu đá giống như một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất đầy hoang sơ yên tĩnh.

 Lan rừng mọc trên đá


Chúng tôi tạm chia tay thác, di chuyển vào buôn Yong Hắk để tìm hiểu những câu chuyện ly kỳ về thác có hình chú trâu cùng giai thoại liên quan đến thời kì khai hoang lập làng của người M’ nông Gar.

Trong căn nhà dài truyền thống, già Y Pun Buôn K’rông (67 tuổi) kể: Thác trâu đá còn có tên là “liên puk pet” theo cách gọi thân thương của người M'nông Gar. Ai đến đây cũng tò mò về màu nền đá mà lớp nước chảy qua, tên con thác… Già chỉ nghe ông bà xưa kể lại rằng: Vùng đất này lúc mới hình thành như là một biển lửa thiêu rụi hết buôn làng, người người chen nhau chạy tán loạn khắp nơi. Bỗng nhiên từ chân trời xuất hiện một con trâu trắng, người dân buôn làng liền bắt làm lễ đâm trâu hiến tế cho trời đất hiền hòa. Vừa làm lễ xong, trời bỗng quay cuồng, lòng đất nơi đặt trâu hiến tế biến thành một thác đá nước tuôn đổ ào ào dập tắt ngọn lửa, đất đai trù phú màu mỡ, cây cối sinh sôi nảy nở, dân làng thoát nạn.

Những phiến đá nơi nước chảy qua có màu được cho là dòng máu thiêng của chú trâu trắng để giữ nguồn nước trong xanh tuôn chảy quanh năm cho nước sinh hoạt, tưới tiêu cây trồng. Có thác đá che chở, rừng nguyên sinh trên núi Yông Chắk mới còn nguyên vẹn, cuộc sống buôn làng yên bình, no ấm. Người dân ở đây rất tin vào truyền thuyết về thác thiêng, khi lên thác họ không dám phạm những điều kiêng kỵ như: nhắc tên “trâu trắng”, ngồi trên đầu thác, hay không được lấy bất kỳ đồ vật gì tại đây khiến thần linh nổi giận.

Chị H’ Nik Rlăk, chủ quán nước ở đầu xã Krông Nô tiết lộ. Đầu xuân 2016, chị cùng nhóm bạn lên thác trâu đá chơi suốt một ngày không có vấn đề gì. Lúc chui vào hốc đá, nhìn thấy chiếc chén cũ rất đẹp, chị cầm lấy định bụng mang về ngắm. Không ngờ chị đi vòng vòng mãi không rời ra, nhớ lại điều cấm kỵ chị liền đặt chén lại vị trí cũ mới đi về được. Một vài người dân bản địa vào rừng lấy măng kể rằng họ từng thấy con hổ và gấu lảng vảng quanh khu thác nên thời gian gần đây ít người lên thác như trước đây.

Phần “mõm” trâu đá


 Bà H’ Jơn Til - cán bộ văn hóa xã Krông Nô, huyện Lắk cho biết: Câu chuyện liên quan đến thác trâu đá chỉ có già làng, người lớn tuổi trong buôn mới nắm rõ, họ thường kể cho con cháu nghe mỗi khi lên rẫy hoặc những ai muốn tìm hiểu về thác đá để lưu truyền, gìn giữ truyền thuyết đẹp. Nước ở thác rất sạch, chảy đều quanh năm. Năm 2013, UBND xã Krông Nô lắp đặt hệ thống dẫn nước từ đỉnh thác về cho buôn Yông Hắk và Trang Yôk sinh hoạt vì nguồn nước giếng trong buôn không đảm bảo. Ngoài ra nước ở thác Trâu Đá còn chảy về sông Krông Nô phục vụ tưới tiêu cho người dân ven vùng.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh