CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:54

Có thể 20 năm nữa thanh niên Việt bị “ế vợ”

 

Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, hiện nay, đạt mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; đạt cơ cấu dân số “vàng” tạo lợi thế nguồn nhân lực lao động; quy mô dân số gia tăng trong sự ổn định… Song hành với những kết quả tích cực, đến thời điểm này mô hình dân số Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức: Tình trạng già hóa dân số tốc độ cao; tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh; chất lượng dân số chưa “bằng chị bằng em” so với khu vực và toàn cầu…

 

TS. Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng DS-KHHGĐ chia sẻ tại Hội thảo 


TS. Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng DS-KHHGĐ cho biết: Bên cạnh những vấn đề nội tại của lĩnh vực dân số kế hoạch hóa gia đình, sự phát triển KT-XH của đất nước thời gian qua cũng đặt ra vấn đề thiếu vắng “biến Dân số” trong các “hàm số chiến lược” về kinh tế, môi trường, lao động việc làm, an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, di cư và tích tụ dân số… “Vì vậy, Ban Bí thư TW Đảng đã ban hành Kết luận số 119-KL/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh chính sách DS-KHHGĐ trong tình hình mới. Theo đó, Việt Nam đã sớm đạt và duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Sau 56 năm, Việt Nam đã có xuất phát điểm mới về dân số để thay đổi chính sách, chuyển trọng tâm từ DS-KHHGD, DS-KHHGĐ-SKSS sang Dân số & Phát triển”.

 

Báo giới cùng chuyên gia tham dự hội thảo


Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, sau “bài toán mức sinh” đã có đáp án, với trọng tâm hoạt động “Dân số & Phát triển”, ngành DS-KHHGĐ đặt kỳ vọng nhanh chóng tìm ra đáp án toàn diện của “bài toán thách thức” trong tình hình hiện nay: Duy trì mức sinh thay thế đã đạt được; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh để 20 năm tới thanh niên Việt không bị “ế Vợ”, tận dụng tối đa cơ cấu dân số “vàng”, thích ứng với quá trình già hóa dân số (dự kiến đến 2032 Việt Nam là quốc gia có dân số già, hơn 20% tổng số dân); điều chỉnh phân bổ dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số hiệu quả…

 

 

Để có được đáp án này, ngoài các giải pháp đậm tính chuyên môn của ngành DS-KHHGĐ cùng sự vận động cả hệ thống chính trị vào cuộc, theo BS Mai Xuân Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục thuộc Tổng cục DS-KHHGĐ, các thông điệp và mô hình truyền thông giáo dục cũng phải “đổi mới cho phù hợp trọng tâm hoạt động mới”. “Thông điệp liên quan đến mức sinh phải được vận dụng linh hoạt. Ở nơi mức sinh thấp như TP.HCM thì phải sinh đủ 2 con, còn ở nơi mức sinh cao thì phải dừng lại ở 2 con… Ngoài ra, nội dung truyền thông cần xoay quanh trục an sinh xã hội, chất lượng dân số, đời sống của người cao tuổi, hướng nghiệp & đào tạo nghề…”, BS Phương chia sẻ thêm.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh