THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:49

Già hóa dân số-Cần có chính sách ứng phó phù hợp

 

Thách thức không nhỏ

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% và năm 2050 là 25%. Điều này cho thấy, tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam là rất nhanh. Như tại nhiều nước phải mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 10%) sang giai đoạn dân số già (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 20%) như Australia: 73 năm, Hoa Kỳ: 69 năm, Canada: 65 năm… thì Việt Nam chỉ mất 22 năm.

Theo ông Tân, vấn đề già hóa dân số vốn là đặc trưng ở các nước thu nhập cao thì nay đang xảy ra nhanh ở Việt Nam, vốn là nước có thu nhập trung bình.Thời kỳ già hóa đặt ra những thách thức to lớn đòi hỏi phải có những phương thức tiếp cận mới trong chăm sóc sức khỏe, tuổi nghỉ hưu, lương hưu...

Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh. Khác với các nước già hóa dân số khi đã giàu còn Việt Nam lại khác biệt, dân số đang già hóa nhanh chóng nhưng mức thu nhập lại thấp hơn so với hầu hết các nước có dân số già hiện nay.

Tuy tuổi thọ tăng lên, nhưng người cao tuổi mắc bệnh chiếm khá cao. Theo thống kê, trung bình mỗi người cao tuổi ở nước ta phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống của mình; một người mắc 2,69 bệnh. Bên cạnh đó, tỷ lệ người cao tuổi vẫn phải lao động kiếm sống chiếm tỷ lệ cao đến gần 70%. Chỉ có khoảng 30% người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội, được hưởng lương hưu.

Theo dự đoán của các chuyên gia, giai đoạn vừa qua, mức sinh của Việt Nam giảm khá nhanh, nhưng cùng đó do điều kiện kinh tế khá hơn, việc chăm sóc sức khỏe tốt hơn nên xu hướng gia tăng người cao tuổi của Việt Nam cũng đạt tốc độ nhanh chóng mặt. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho biết, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. 

 

Đa số người cao tuổi Việt Nam vẫn phải lao động để kiếm sống


Trong những năm tới, mức sinh được dự đoán chắc chắn không tăng lên, và với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện tại, sự chuyển đổi nhân khẩu học này sẽ tạo ra những tác động rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế, lao động việc làm, tiết kiệm, đầu tư, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, sự chuyển dịch các dòng di cư, thiết kế hạ tầng... đặt kinh tế xã hội Việt Nam những thách thức mới không hề nhỏ.. Vì thế các chuyên gia khuyến nghị trong 22 năm trước khi dân số già, Việt Nam cần tận dụng thời gian để điều chỉnh chính sách nhằm giảm nhẹ các tác động do già hóa dân số gây ra; đặc biệt là cần chuẩn bị tiềm lực kinh tế, phát triển an sinh xã hội để chăm lo tốt nhất cho người cao tuổi.

Cần có chính sách ứng phó phù hợp

Trước thực trạng già hóa trên toàn cầu và tốc độ già hóa dân số nhanh ở trong nước, Việt Nam đã có nhiều biện pháp ứng phó. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH  Nguyễn Trọng Đàm, Luật Người cao tuổi đã thể hiện rõ sự chăm sóc của Nhà nước và toàn xã hội đối với người cao tuổi. Luật đã quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi, chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân đối với người cao tuổi, những hành vi bị cấm đối với người cao tuổi, cũng như ưu tiên dành cho người cao tuổi để tạo điều kiện cho họ tham gia vào các lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020 nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi và phát huy vai trò của người cao tuổi.

Tuy vậy, Thứ trưởng Đàm cũng thừa nhận, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là thiếu kinh nghiệm triển khai cũng như chiến lược và nguồn lực để ứng phó già hóa dân số một cách hiệu quả. Ngoài ra, trợ cấp đối với người cao tuổi vẫn chưa tương xứng và độ bao phủ của bảo hiểm xã hội còn thấp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc người cao tuối.

Trong lĩnh vực y tế,  Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Việt Nam đã có nhiều chính sách và hoạt động thiết thực để thích ứng với già hóa dân số.Gần đây, Bộ Y tế ban hành Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi với nhìn nhận một cách toàn diện, tăng cường chăm sóc người cao tuổi ngay tại cộng đồng. Vì nếu chỉ dựa vào bệnh viện hay nhà dưỡng lão chi phí sẽ cao và tốn kém.

“Người Việt Nam có văn hóa gia đình, là việc các thế hệ cùng chung sống trong một gia đình được thế giới đánh giá là nét văn hóa tốt, là điểm mạnh để tiến hành tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng. Hiện nay, Bộ Y tế cũng triển khai mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng và khuyến khích các doanh nghiệp và tư nhân cùng tham gia” - Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết

Hiện Bộ Y tế đã và đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi triển khai chính sách này, nhất là về kinh tế khi người cao tuổi luôn có ít nhất hai bệnh mãn tính trở lên và điều kiện kinh tế khá khó khăn. Vì thế, thích ứng với già hóa dân số, là một công việc nhiều thách thức đòi hỏi sự tham gia của các ngành, các cấp.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn cũng nhấn mạnh,  già hóa dân số là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Bởi để chăm sóc người cao tuổi, tất cả các vấn đề từ giáo dục, đào tạo, an sinh, xã hội, y tế, kinh tế... đều cần có những bước phát triển riêng. Sẽ có nhiều vấn đề liên quan đến người cao tuổi như thiết kế xây dựng nhà ở, đường sá, các phương tiện hỗ trợ người già, đào tạo cho điều dưỡng, bác sĩ... để phục vụ đối tượng này. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp có thể nghiên cứu và phát triển những lĩnh vực để phục vụ nhu cầu cho người cao tuổi. Do đó, người cao tuổi, cũng là đối tượng góp phần phát triển kinh tế xã hội…

BẢO CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh