THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:53

Chuyện "thầy bùa Lỗ Ban" 4 đời trị rắn độc ở đại ngàn U Minh

 

Nạn nhân ngồi tựa lưng vào lan can, anh Duyên pha thuốc gia truyền cho uống, rồi đặt vào vết thương một vật màu nâu, to như hạt mãng cầu được cho là sừng con dinh có khả năng hút hết độc tố. Khoảng 10 phút sau cơn đau nhức giảm rõ rệt, Giang đỡ mệt và bình phục khi trời hừng sáng.

"Nạn nhân được đưa đến sớm lấy nọc nhanh, không cần bùa. Những ca quá nặng, đàm kéo ngạt thở phải thổi bùa từ ngực xuống chân cho khỏe lại rồi mới đổ thuốc" - Anh Duyên nói rồi quay sang sửa chiếc máy cưa là công cụ mưu sinh chính của gia đình.

Anh Duyên kể, anh là đời thứ tư của dòng họ Đặng được cố nội truyền nghề chữa trị rắn cắn giữa đại ngàn U Minh hạ. Mẹ anh là cụ Châu Thị Nam (81 tuổi) cũng tham gia cứu người khi con trai đi vắng.

Theo cụ Châu Thị Nam, ông nội chồng (cố nội anh Duyên) là khắc tinh của độc xà nổi tiếng đất U Minh. Trước khi qua đời, bí kíp trị rắn cắn bằng thảo dược trong rừng kết hợp với thuốc bắc và bùa Lỗ Ban được hậu duệ Tư Chữ lĩnh hội. 

Ông này tiếp tục giao lại cho con trai Đặng Bình An (Bảy An) là chồng cụ Nam và hiện nay đến lượt anh em Đặng Hoàng Phương, Đặng Hoàng Duyên truyền thừa.

2
Thầy bùa Lỗ Ban 49 tuổi kiểm tra vết thương trên bàn chân của thanh niên là nạn nhân của rắn hổ.

"Vùng này trước đây rất nhiều rắn độc, cha chồng tôi có tài bắt chúng mang về nhốt đầy lu để giết thịt ăn dần. Tôi nghe ông ấy kể đã được nội truyền lại bùa chú vỗ hang khiến rắn bò ra nộp mạng. Để học được bí kíp này, sư phụ bắt nội chồng tôi phải đưa tay cho độc xà cắn chết đi sống lại nhiều lần" - Cụ Nam kể.

Sinh thời chồng cụ Nam hoạt động cách mạng, được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì. Chiến tranh đi qua, thầy Bảy An về nhà làm nông, tìm dược liệu quý trong rừng và luyện bùa cứu hàng nghìn người bị rắn độc cắn.

Những lần nạn nhân đến nhà lúc ông nhậu xỉn, thầy Bảy An gọi vợ hoặc con trai thay mình chữa trị. Dần về sau anh em anh Duyên lĩnh hội được bùa chú của cha nhưng chỉ để cứu người, không ai dám mang đi vỗ hang bắt rắn vì sợ bị "phản bùa".

"Bùa tôi học được của cha là bùa bóng, vẽ bằng lưỡi theo hướng từ ngực xuống chân nạn nhân để trị rắn độc cắn. Tôi cũng có bùa gọi rắn về nhưng rất nguy hiểm vì "chơi dao có ngày đứt tay" nên không dùng" - Anh Duyên nói và cho biết trước khi qua đời ở tuổi 63, thầy Bảy An căn dặn con cháu những lần cúng tổ nghiệp hoặc cúng ra binh thì bỏ qua thuật gọi rắn về nhằm tránh gây hại cho hàng xóm.

3
Vật màu nâu đặt vào viết thương được gọi là sừng dinh, có tác dụng hút độc chất.

"Ngày ông mất có gần 2.000 người khắp nơi đến thắp hương. Trong đó đa số là nạn nhân của độc xà được cha tôi chữa trị", anh Duyên kể và cho biết từ đó đến nay đã 23 năm, năm nào truyền nhân đời thứ tư này cũng chữa trị cho khoảng 100 người bị rắn cắn, trong đó có trường hợp gia đình đã xẻ gỗ đóng hòm nhưng được cứu sống.

Nạn nhân là dâu của ông Mười Vỹ ở Rạch Ráng (Trần Văn Thời) bị rắn hổ cắn, chở chưa đến bệnh viện đã tắt thở. Gia đình đưa về lo an táng thì hàng xóm mách tìm thầy Út Duyên ở cách Cơi Năm chừng 7 km.

Thuốc chủ may thầy, gia đình Mười Vỹ vừa xẻ gỗ đóng hòm vừa đưa con dâu đến nhà anh Duyên. Lúc này thầy bùa đi săn cá trong rừng sâu, nhận được điện thoại quay về thổi bùa, đổ thuốc giúp thiếu phụ sống lại sau 3 ngày đêm chữa trị.

"Thấy tôi vào rừng giữa đêm khuya tìm thuốc, ông Mười mang xấp tiền dày cộp đặt lên bàn thờ tổ nhưng gia đình từ chối nhận vì nghề này cứu người không cần ân huệ. Vài ngày sau ông ấy chở heo đến xẻ thịt trước nhà tôi để cúng tổ, mời cả xóm ăn mừng con dâu thoát chết", anh Duyên nhớ lại.

4
Lá bùa này được cho là trừ rắn độc khi mang theo trong người.

Vì cứu người không nhận tiền nên nhiều nạn nhân quay lại biếu anh Duyên vài trái mãng cầu, xoài chín hoặc chục trứng gà ăn lấy thảo. Mới đây, thầy bùa bỏ nghề xẻ gỗ trước nhà vì sức khỏe không tốt, một cán bộ kiểm lâm đã tặng chiếc máy cưa cầm tay sau lần bị rắn độc cắn được anh Duyên cứu sống.

"Chiếc máy cưa này giờ là cần câu cơm của gia đình. Hàng ngày tôi đi cưa cây thuê cho bà con được trả công 200 - 300 nghìn đồng chứ nghề trị rắn cắn nghèo lắm. 

Vì sợ nghèo nên 2 con trai tôi không chịu học, chừng nào tổ ứng đứa nào thì dạy bùa cho đứa đó" - Anh Duyên nói và cho biết nhiều người từ TP Cà Mau khăn gói vào rừng năn nỉ để được học bùa chú nhưng anh không dạy vì sợ đệ tử mang đi hại người hoặc trị rắn cắn với chủ đích lấy tiền.

Gặp những nạn nhân bị rắn cắn nhiều lần, anh Duyên thắp hương bàn thờ tổ, vẽ bùa cho đeo hoặc dán trước cửa nhà. Những lá bùa này có nét ngoằn ngoèo như rắn bò hoặc khoanh tròn, được người đi rừng mang theo đề phòng rắn độc

Theo Zing

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh