CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:30

Truyền hình thực tế: Có bao nhiêu phần trăm sự thật?

 

Tăng độ nóng bằng các chiêu trò

Tại Việt Nam, chỉ vài năm gần đây, truyền hình thực tế mới thực sự lên ngôi với vô vàn gameshow, trò chơi, chương trình thực tế từ nhiều nhà đài sản xuất thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Có thể kể đến các chương trình như: Vietnam Idol, The Voice, The Voice Kids, Đồ Rê Mí, Gương mặt thân quen, Vietnam’s Next Top Model, Cuộc đua kỳ thú, Bước nhảy hoàn vũ, The Face Vietnam… Hầu hết các chương trình truyền hình thực tế này đều kéo một lượng khán giả khá lớn, từ đó tăng rating quảng cáo của các nhãn hàng, thương hiệu, tăng doanh thu quảng cáo cho nhà sản xuất, nhà đài, đồng thời góp phần làm cho tên tuổi của các nghệ sỹ phủ sóng rộng rãi hơn.

Không thể phủ nhận việc truyền hình thực tế đã là một món ăn tinh thần của đông đảo khán giả vào mỗi cuối tuần và giờ đây là bất kể ngày nào trong tuần, với nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như âm nhạc, người mẫu, ẩm thực, mạo hiểm. Từ đó, góp phần đưa truyền hình tới gần hơn với nhiều đối tượng khán giả khác nhau, mở thêm cơ hội cho những ngành nghề khác xuất hiện và phát triển như cổ động viên, hoạt náo viên chương trình, khán giả thuê, vỗ tay thuê, các dịch vụ ăn uống, thuê trang phục.

Tuy nhiên, nếu lướt một vòng qua các trang mạng sẽ thấy nhiều ý kiến phàn nàn rằng, nhiều chương trình truyền hình thực tế mà không tập trung vào chuyên môn, chỉ thấy chiêu trò, cãi nhau như cái chợ, điển hình như hai chương trình truyền hình thực tế về thời trang đang lên sóng là The Face và Vietnam's Next Top Model. Có thể nói, sự kịch tính, tranh giành đấu đá lẫn nhau của các huấn luyện viên trong chương trình The Face và các thí sinh trong Vietnam’s Next Top Model chính là yếu tố thu hút sự chú ý của khán giả.

Có lẽ vì điều này, những màn “chặt chém”, thậm chí đánh nhau của các thành viên tham gia hai chương trình đều được nhà sản xuất cập nhật thường xuyên, giúp chương trình ngày càng tăng độ nóng. Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, khán giả phân tích, bình luận và chờ cuộc chiến nảy lửa của các thí sinh và huấn luyện viên trên sóng truyền hình…

Bao nhiêu phần trăm là sự thật?

Nếu nói các chương trình truyền hình thực tế không dựng sẵn kịch bản cho cả người chơi và giám khảo thì không đúng. Bởi bất cứ một chương trình nào, khi lên sóng, đều đã có dự tính của nhà đài, không thể không có kịch bản có trước. Tuy nhiên, chương trình truyền hình thực tế khác biệt hơn so với các chương trình truyền hình khác là ở yếu tố bất ngờ và sự gần gũi với thực tế. Các phiên bản quốc tế gần như làm tốt ở khía cạnh này, nhưng khi được Việt Nam mua bản quyền, nó lại là câu chuyện khác.

 

The Face gây chú ý bằng màn đấu đá nảy lửa giữa các huấn luyện viên.

 

Ngoài yếu tố giải trí, yếu tố chuyên môn, các chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bật cập, nhiều tai tiếng về việc sắp đặt kết quả, dàn dựng, diễn theo kịch bản. Siêu mẫu Xuân Lan, người từng có kinh nghiệm ngồi ghế nóng nhiều năm, chia sẻ: "Giống một bộ phim truyền hình dài tập, nếu phim càng dài thì càng phải có nhiều vai phản diện. Vai phản diện càng ác, càng thu hút khán giả. Phim nào không có vai ác, khán giả sẽ thấy nhạt và không xem nữa. Phim sẽ thua vì không có rating. Do vậy, các thí sinh muốn ở lại lâu thì phải thể hiện "cá tính" đặc biệt của mình, càng bị chửi càng ở lại lâu, càng ở lâu càng có nhiều cơ hội”…

Cựu giám khảo Next Top Model cho biết, một quy tắc khi ký hợp đồng tham gia truyền hình thực tế là quyền cắt dựng và biên tập phụ thuộc vào nhà sản xuất. Thí sinh và giám khảo không kiểm soát được và không có quyền can thiệp hình ảnh của mình khi lên sóng. Có những chương trình khai thác rất tốt cá tính của thí sinh, giám khảo nhưng vẫn giữ được ý chính: đó là kỹ năng nghề nghiệp, sự nỗ lực, học hỏi không ngừng và thể hiện qua những vòng thử thách cam go. Nhưng ngược lại, có những chương trình chỉ tập trung khai thác vào sự chặt chém, cãi nhau để câu view mà quên mục tiêu chính của nghề nghiệp được đề cập theo suốt cuộc thi....

PGS. TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng. “Truyền hình thực tế của Việt Nam chủ yếu chiêu trò, thậm chí là diễn chứ không hoàn toàn là thực tế. Nhà đài thậm chí cũng phải biên tập, cắt gọt nên tính chất thực tế bị dãn cách. Còn đến bao giờ nhà đài và nhà sản xuất hết “dắt mũi” người xem thì chỉ có thể trông chờ vào ý thức, trách nhiệm của họ, cũng như sự quyết liệt của chính các khán giả”…

NGUYỆT HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh