CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:57

Đến lượt hài truyền hình thực tế cũng bão hòa

 

 

Tiếng cười bỏ danh hài

Dù là thời chưa bao giờ các danh hài bội thu như hiện nay, nhưng chính vì xuất hiện quá dày đặc trên sóng truyền hình, mà nhiều sao hài đã bắt đầu xuống sắc và kiệt sức. Lý do là họ không kịp trau chuốt kịch bản lẫn vai trò đảm nhận, từ giám khảo cho đến MC. Người ta bắt đầu nhìn thấy hình ảnh Hoài Linh bơ phờ vì chạy sô, và phản ứng của khán giả với danh hài này ngày càng tăng. Họ cho rằng vô tình anh đã đánh mất hình ảnh Hai Lúa đáng yêu ngày nào, bù lại, chỉ là một cuộc đổ bộ lên truyền hình và màn ảnh vô hồn, ít ngón hài hước, thậm chí không có duyên làm MC. Dẫn chương trình thì quên kịch bản, làm giám khảo cũng nhạt. Với Hoài Linh bây giờ, làm tròn vai còn khó, nói gì đến chuyện mang lại tiếng cười cho khán giả.

Một loạt tên tuổi khác như Việt Hương, Trấn Thành, Trường Giang, Chí Tài, Xuân Bắc… cũng lâm vào cảnh tương tự. Khi họ ngồi ghế nóng, hay dẫn chương trình thì cách nói chỗ nào cũng giống nhau khiến người xem ngán ngẩm. Ban đầu, sự tham gia của một loạt sao hài thường đẩy rating của nhà đài lên cao. Nhưng càng về sau, các chương trình làm vội cho kịp phát sóng, các danh hài bị “ép” vào guồng quay công nghiệp không chịu nổi cả về sức khỏe lẫn đầu tư kịch bản, miếng hài, lời ăn tiếng nói, thành ra tỉ lệ người xem giảm dần. Chính vì thế, một số nhà sản xuất đã thay đổi cách làm, chọn những gương mặt mới, cho họ thi thố và để các danh hài “đấu đá, chặt chém” nghe vui tai hơn.

Dẫu vậy, đầu năm 2016 cũng có khoảng hơn 30 chương trình hài chiếm sóng. Các danh hài vẫn vắt kiệt sức mình cả ở phim ảnh lẫn truyền hình. Các công ty sản xuất hài hàng đầu hiện nay là Đông Tây Promotion (5 chương trình: Ơn giời, cậu đây rồi, Hội ngộ danh hài, Người bí ẩn, Bí mật đêm chủ nhật, 1.000 độ hot), Điền Quân (Thách thức danh hài, Đấu trường tiếu lâm), Jet Studio (4 chương trình: Danh hài đất Việt, Diêm Vương xử án, Cười để ngẫm, Gặp nhau để cười), Khang Media (Cười xuyên Việt, Quyền năng ảo), BHD (Chết cười, Cười là thua), Vietcom Film (Xả xì trét, Thử thách người nổi tiếng, Kính đa tròng và Audition), Cát Tiên Sa cũng có phiên bản Nghiêng ngả cười. Dĩ nhiên, càng làm hài, họ càng gặp khó, vì mùa đầu đại thắng, từ mùa sau vơi dần tiếng cười.

Làm hài chất hơn

Nắm bắt được tình hình, các nhà sản xuất bắt đầu tính đến đi đường dài, đầu tư sâu hơn vào chương trình hài. Không phải ngẫu nhiên, dù mới làm chương trình, Điền Quân M&E đã thắng lớn với phiên bản Thách thức danh hài, giới thiệu được nhiều cây hài trong dân gian đến với khán giả, thì nay tiếp tục khai thác Đấu trường tiếu lâm một cách bài bản (ảnh).

Phiên bản Đấu trường tiếu lâm khá giống Giọng hát Việt, ở chỗ các huấn luyện viên sẽ chọn thí sinh và đào tạo theo phong cách của đội mình. Từ đây, thí sinh muốn trụ được đều phải thủ sẵn những kịch bản ứng biến thông minh, nhiều ngón hài trí tuệ hơn, thay vì chọc cười theo kiểu cù nhầy, “gãi ngứa cơ học”. Từ đây, các huấn luyện viên cũng thể hiện bản lĩnh đào tạo của họ, mà theo như đạo diễn Đức Thịnh, mục đích là giúp cho thí sinh có tư duy hài kịch, sáng tạo hơn, ý nhị hơn, chứ không theo kiểu dễ dãi ở các kênh Youtube hiện nay.

Đạo diễn Bửu Điền, Chủ tịch hội đồng quản trị Điền Quân M&E  cho biết: “Đơn vị sản xuất này đã phải ngồi lại cùng các nhà sản xuất chương trình quốc tế, xem đưa những gì mà thị trường hài còn đang thiếu và cùng với họ sáng tạo, thống nhất tiêu chí về ban giám khảo, cách tạo xung đột trong giám khảo để sao cho cuộc chơi thú vị. Cái hay của show thực tế còn là sáng tạo ra những xung đột như vậy dựa trên cá tính của giám khảo, cách lựa chọn thí sinh, tính cách của thí sinh… Những xung đột sẽ tạo nên một ma trận nhiều tầng mà khi mọi xung đột dần được tháo gỡ thì sẽ tìm ra được một quán quân. Đó là cách mà các chuyên gia quốc tế thường làm. Ở Việt Nam có nhiều format sáng tạo, với nhiều đơn vị đi đầu, nhưng đa số các format đều hạn chế và không thành công như mức mong đợi. Chính vì vậy, Điền Quân muốn đi tiên phong trong lĩnh vực này với tiêu chí thực sự tôn vinh tài năng hài, để các bạn có một sân chơi sau cuộc thi để hành nghề, để có chỗ đứng trong xã hội và thậm chí tiến tới là người kế thừa của những danh hài hiện tại. Tiêu chí nữa là thí sinh Đấu trường tiếu lâm diễn hài phải luôn sạch sẽ, mang lại tiếng cười sảng khoái đáp ứng nhu cầu khán giả ngày càng cao hơn”.

Một điều đáng lưu tâm là các danh hài chạy show mệt nghỉ, lấy đâu ra thời gian tập luyện cho thí sinh? Và không chỉ một show này thôi, họ còn cùng lúc tham gia một loạt chương trình hài thực tế khác, chính họ còn không đầu tư làm mới mình nổi, thì lấy đâu vốn liếng để truyền nghề? Đó là chưa kể các vai ở màn ảnh rộng? Cho nên, nói gì thì nói, đây là một cuộc khủng hoảng về nghề, là một thách thức với các nghệ sĩ hài. Nếu không vững tay nghề, không trau dồi ngón hài, rất có thể, chính họ sẽ tụt hậu so với bản thân mình, chưa nói đến ảnh hưởng, đến chất lượng tiếng cười hiện nay. Đây thực sự vẫn là bài toán nan giải.

Theo Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh