THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:09

'Truyền dịch' cứu 1.000 cổ thụ trong đô thị miền Tây

 

Hàng cổ thụ hơn trăm năm tuổi ở TP Trà Vinh. Ảnh: Cửu Long.

TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) có hơn 13.000 cây xanh. Trong đó, khoảng 1.000 cổ thụ sao đen, dầu rái, me... trên 100 năm tuổi nằm trên các tuyến đường trong tình trạng suy kiệt, già cỗi, kém phát triển, khả năng chết rất cao.
Năm 2016, tỉnh Trà Vinh mời các chuyên gia ở Hà Lan, Australia, Viện giống cây trồng (Bộ Nông nghiệp) và Đại học Nông lâm đến khảo sát, tìm nguyên nhân rừng cổ thụ suy kiệt và đề xuất các giải pháp xử lý.
"Các chuyên gia xác định có 800 cây bị suy kiệt, trong đó gần 50% trong tình trạng nguy cấp", ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng quản lý đô thị TP Trà Vinh nói và cho biết, giải pháp cứu hàng trăm cổ thụ được tỉnh thống nhất, với kinh phí đầu tư 20 tỷ đồng, thực hiện giai đoạn 2017-2020.
Theo ông Bình, chuyên gia xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do đô thị hóa, bêtông hóa dẫn đến nước ở gốc cây không thẩm thấu xuống rễ. Ngoài ra, chăm sóc cây không đúng, nhất là vào mùa khô khiến cây thiếu nước trầm trọng, dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng ngày càng nặng...

Công nhân cây xanh truyền chất dinh dưỡng trực tiếp cho các cổ thụ suy kiệt. Ảnh: Cửu Long.

Giải pháp được đưa ra là cải tạo mở rộng bồn gốc cây, thay lớp đất mặt và bón phân, khử trùng; lắp đặt các ống nhựa rộng 0,12 m, dài 1,5 m tại mỗi gốc cây nhằm trữ nước khi tưới để thẩm thấu xuống rễ trong mùa khô; truyền dịch dinh dưỡng trực tiếp cho cây; chăm sóc, vén tàn, gỡ ký sinh trên thân cây.
Đến nay, sau hai năm, được chăm sóc đặc biệt, gần 400 cổ thụ ở 15 tuyến đường phục hồi mạnh mẽ. Nhiều cây tưởng chết nhưng sau khi được cắt nhánh chết, thay đất, bón phân, tưới nước đầy đủ, đặc biệt là "vô nước biển" đã đâm chồi, xanh tươi.
"Đặc biệt, các cây sao, dầu già cỗi đã trổ bông rất nhiều, màu vàng rất đẹp, rơi xuống đường lớp lớp, công nhân vệ sinh phải tăng cường quét dọn", Trưởng phòng quản lý đô thị TP Trà Vinh cho biết.

Cổ thụ đâm chồi non sau khi được chăm sóc đặc biệt. Ảnh: Cửu Long.

"Người dân địa phương rất tự hào với những hàng cổ thụ rợp bóng mát trong lòng phố. Thà trồng thêm chứ đốn đi dù một cây là chúng tôi cũng không đồng tình", ông Trần Văn Tâm (80 tuổi, ở phường 7), người gắn bó với những hàng cổ thụ từ nhỏ, nói.
Theo Bí thư Thành ủy Trà Vinh Lê Văn Hẳn, mỗi cây xanh được trồng trên các tuyến đường đều gắn số và có hồ sơ lý lịch theo dõi; việc đốn hay bứng di dời một cây còn sống phải được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh.
"Thời gian qua, nhiều dự án Trung tâm thương mại hàng trăm tỷ đồng, hay trụ sở ngân hàng lớn, công trình công cộng... khi được xây dựng đều phải có giải pháp bảo vệ hoặc né các cổ thụ chứ không được đốn hạ", ông Hẳn khẳng định. 

 

Cũng tại Trà Vinh, đầu tháng 8, 13 cây dầu hơn 100 tuổi ở huyện Châu Thành được đốn hạ phục vụ việc mở rộng Quốc lộ 54. 
Theo chính quyền địa phương, các cổ thụ này nằm trên đường nên cần thiết phải đốn hạ để đảm bảo an toàn giao thông. Ngoài ra, 13 cây này lớn tuổi, có nguy cơ ngã vào nhà dân, nhất là vào mùa mưa bão

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh