Truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố nhạc sĩ Văn Cao
- Văn hóa - Giải trí
- 23:40 - 10/07/2016
Trước đó, năm 2010 bà Nghiêm Thúy Băng đã có thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL hiến tặng tác phẩm “Tiến quân ca” cho công chúng, Đảng, Quốc hội và Nhà nước. Đây cũng là tâm nguyện của cố nhạc sĩ Văn Cao khi còn sống. Tuy nhiên, sau đó, nhiều cơ quan báo chí phản ánh về việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu tiền bản quyền tác phẩm âm nhạc “Tiến quân ca” của cố nhạc sĩ Văn Cao trong chương trình Hát mãi khúc quân hành ngày 15/8/2015, tại Nhà hát tuổi trẻ và chương trình Tự hào Tổ quốc tôi ngày 17/8/2015 tại Cung Thể thao tổng hợp Quần Ngựa (Hà Nội). Đây là hai chương trình hướng tới Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, ngày 25/8/2015, Thanh tra Bộ VH-TT&DL và Cục Bản quyền tác giả đã làm việc và thông báo cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam dừng thu phí bản quyền với ca khúc “Tiến quân ca”.
“Tiến quân ca” là một bài hát do nhạc sĩ Văn Cao (1923 - 1995) sáng tác vào năm 1944 và được sử dụng làm Quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kể từ năm 1976. Trước đó, “Tiến quân ca” là Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1945 đến năm 1976.
Ngay từ khi ra đời, bài hát được coi là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945, thay vì "Đoàn quân Việt Nam đi", những người tham gia Việt Minh thường hát là "Đoàn quân Việt Minh đi". Khi được chọn chính thức làm Quốc ca, phần lời của Quốc ca đã được sửa đổi khác đôi chỗ so với bản gốc "Tiến quân ca" của Văn Cao. Thông thường, khi cử Quốc ca trong các buổi lễ, chỉ có lời 1 của bài được sử dụng.
Về ca khúc, Văn Cao từng nói rằng, tên bài hát và lời ca của nó là một sự tiếp tục từ ca khúc “Thăng Long hành khúc ca” trước đó: "Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng" và bài Đống Đa: "Tiến quân hành khúc ca, thét vang rừng núi xa"... Và ông đã rút lại những ca từ trong bài hát đó thành “Tiến quân ca”. Phần ca từ trong bài hát ở thời điểm mới ra đời có nhiều khác biệt so với sau này, như câu đầu Đoàn quân Việt Nam đi, thì ban đầu là Đoàn quân Việt Minh đi, câu thứ 6 của bài hát ở phiên bản đầu là "Thề phanh thây uống máu quân thù" thể hiện sự căm phẫn, đau đớn của Văn Cao trước sự tàn bạo của thực dân Pháp và trước nạn đói đang xảy ra, về sau được nhiều người góp ý, tác giả đã sửa thành Đường vinh quang xây xác quân thù. Câu kết: "Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là nơi đây ước nguyền!" được Văn Cao sửa thành (...) Núi sông Việt Nam ta vững bền, nhưng đến khi xuất bản thành Quốc ca, ai đó đã sửa thành (...) Nước non Việt Nam ta vững bền, việc này, theo Văn Cao, "Với một ca khúc đòi hỏi trang nghiêm, chữ nước non hát lên bị yếu. Chữ núi sông hát khỏe và hùng tráng".
Sau khi hoàn thành tác phẩm, Văn Cao gặp và hát cho Vũ Quý nghe. Vũ Quý rất hài lòng, giao cho Văn Cao tự tay viết bài hát lên đá in. Và lần đầu tiên “Tiến quân ca” được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11/1944 bằng bản in đá do chính Văn Cao viết. Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca” làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 17/ 8/1945, trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội trước Nhà hát Lớn, bài “Tiến quân ca” đã được cất lên lần đầu tiên trước đông đảo dân chúng. Cũng tại Quảng trường Nhà hát Lớn, ngày 19/8/1945, trong cuộc mít tinh lớn, dàn đồng ca của Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát bài “Tiến quân ca” chào lá cờ đỏ sao vàng.
Ngày 2/9/1945, “Tiến quân ca” chính thức được cử hành trong ngày Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình bởi Ban nhạc Giải phóng quân do Đinh Ngọc Liên chỉ huy. Năm 1946, Quốc hội khóa I đã quyết định chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, tại điều 3 ghi rõ: “Quốc ca là bài Tiến quân ca”. Năm 1955, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá I đã quyết định mời tác giả tham gia sửa một số chỗ về phần lời của Quốc ca. Văn Cao sau này đã luyến tiếc vì một số chữ sửa đã làm mất khí thế hùng tráng của ca khúc.
Sau năm 1975, hai miền Nam - Bắc thống nhất, “Tiến quân ca” vẫn là Quốc ca Việt Nam cho tới ngày nay.