THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:34

Cố nhạc sĩ Văn Cao với "Tiến về Hà Nội"

 

Nhớ mãi một hôm tôi hỏi Văn Cao: "Bác sáng tác nhạc phẩm "Tiến về Hà Nội" trong thời điểm nào?".

Những dấu ấn trong cuộc đời dường như không bao giờ quên lãng, Văn Cao kể lại khá mạch lạc:

Cố nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh TL

- Năm 1948, tôi đang công tác tại Hội Văn nghệ Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc. Cuối năm ấy tôi được cấp trên cử về công tác tại Chi hội văn nghệ Liên khu 3. Cùng đi với tôi có Nguyễn Đình Thi và Tô Ngọc Vân. Vì hoàn cảnh chiến tranh, tôi đã mang theo vợ, con vượt đường số 6, đi bộ gần 1 tháng mới về đến chợ Đại -  Liên khu 3. Dọc đường đi, khi thấy tôi đuối sức, anh tô Ngọc Vân và Nguyễn Đình Thi đã thay nhau cõng cháu Thao giúp tôi. Khi về đến chợ Đại, chúng tôi tìm đến gặp đồng chí Lương Xuân Nhị và Tử Phác là cán bộ chi hội văn nghệ Liên khu 3. Sau khi trò chuyện tâm sự, các anh động viên tôi nên sáng tác một ca khúc về Hà Nội.

Tối hôm đó, tôi cùng ăn cơm với anh Lê Quang Đạo (lúc đó là khu ủy viên đảng bộ Liên khu 3 - trước lúc đi xa anh là Chủ tịch Quốc hội).

Đêm hôm ấy anh Lê Quang Đạo tâm sự với tôi: "Những ca khúc của cậu đã làm tôi rất xúc động, nhất là bài "Làng tôi" và "Trường ca Sông Lô". Nét nhạc và lời ca thơ mộng lắm, làm mình rất nhớ Việt Bắc... Yêu Hà nội, nhớ Hà Nội kỳ này Văn Cao hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng, vừa trữ tình nhé".

Anh còn nói: "Khẩu hiệu chỉ đạo của TƯ Đảng là "tất cả cho Tổng phản công"; nhưng nếu có một bài hát cho Hà Nội đầy tình cảm cũng là mơ ước của người dân Thủ đô đấy".

Và, những nét nhạc đầu tiên của bà "Tiến về Hà Nội" đã đến với tôi:

"Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui, lúc quân thù đầu hàng/ Cờ ngày nào tung bay trên phố..."

Chỉ hai tuần lễ, tôi đã viết xong ca khúc "Tiến về Hà Nội". Đó là mùa Xuân 1949. Sau khi hoàn chỉnh nhạc và lời, tôi vừa đàn, vừa hát cho anh em trong cơ quan nghe. Người khen "hùng tráng, lạc quan", kẻ chê: "đề phòng lạc quan tếu, chưa có chiến dịch nào tầm cỡ vang dội đã nghĩ tới quân thù đầu hàng...". Mặc dù có ý kiến khác nhau, những anh Khuất Duy Tiến, Lê Quang Đạo đều nhất trí cho in vào tờ báo của Thủ đô ngày ấy.

Tôi nhớ mãi một kỷ niệm không thể nào quên, thuở ấy Chi hội văn nghệ Liên khu 3 ở cạnh Cơ quan Mặt trận liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc) do cụ Bảng Kỷ (tức cụ Phó bảng Bùi Kỷ - quê ở Hà Nam) làm Phó Chủ tịch mặt trận. Một đêm hầu chuyện với cụ, hết chuyện nay đến chuyện xưa, cụ Bảng Kỷ đã giảng giải cho tôi nghe về Sấm của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585, húy là Văn Đạt tự là Hạnh Phú, quê ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, xứ Hải Đông nay là huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng; ông đỗ Trạng nguyên giữ chức Trình Tuyên Hầu rồi được phong chức Trình Quốc Công).

Cụ Bảng Kỷ đọc 4 câu sấm (từ câu thứ 151 đến câu thứ 154) trong tập sách "Trình Trạng nguyên sấm ký". Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin đã in lại bằng chữ quốc ngữ (tiếng Việt) như sau:

"Cửu cửu càn khôn dĩ định

Thanh minh thời tiết hoa tàn

Trực đáo Dương đầu, Mã vĩ

Hồ binh bát vạn nhập Tràng An"

Cụ Bảng Kỷ dịch ra tiếng Việt là: "Chín chín đất trời đã định/ Hoa tàn vào tiết thanh minh/ Thẳng đến đầu dê, đuôi ngựa/ Tám vạn binh Hồ nhập Tràng An".

Dẫu đã dịch ra tiếng phổ thông, nhưng nhìn gương mặt tôi ngơ ngác (chưa hiểu nội dung), cụ liền giải mã: "Cửu, cửu là 9 và 9 đều là ẩn số. Từ Hà Thành thất thủ lần thứ nhất (1873) đến Hà Thành thất thủ lần thứ hai (1882) vừa đúng 9 năm (1882-1873=9), còn một số 9 nữa vẫn là ẩn số, phải chờ thời cuộc diễn biến ra sao. Câu thứ hai "Thanh Minh thời tiết hoa tàn". Theo tôi đây không phải là bông hoa thực vật nào đó, mà là một vị lãnh đạo Hà Thành. Đó là cụ Phó bảng Hoàng Diệu (quê ở làng Xuân Đài, nay là xã Điện Quang, tỉnh Quảng Nam). Thuở đó, cụ là Tổng đốc thành Hà Nội. Cụ đã lãnh đạo quân và dân ta chống thực dân Pháp xâm lược. Đến phút thế cô, Tổng đốc Hoàng Diệu đã tự sát để giữ trọn danh dự và khí tiết của công dân đất Việt. Cụ về cõi vĩnh hằng đúng vào tiết thanh minh (ngày 8/3 năm Nhâm Ngọ - 1882).

Câu thứ ba "Trực đáo Dương đầu, Mã vĩ" có nghĩa là cuộc chiến cuối năm Giáp Ngọ (Mã vĩ - 1954). Dương đầu có nghĩa là đầu năm Mùi (1955).

Thời gian dần trôi. Tháng 10/1954, quân ta về tiếp quản Thủ đô. Trước hào quang chiến thắng, vui nổ trời, đêm nằm không sao ngủ được, tôi trằn trọc suy ngẫm và bàng hoàng bái phục nhà tiên tri Trạng Trình và trình độ giải mã uyên thâm của cụ Bảng Kỷ. Thế là một ẩn số 9 nữa được giải mã. Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến ngày giải phóng Thủ đô cũng vừa 9 năm (1954-1945=9).

Đoàn quân kéo về giải phóng thủ đô. Ảnh T.L

Chẳng ai ngây thơ đem số 9 chia cho 9 để lấy con số 1, hoặc 9 trừ 9 để lấy con số không (0). Nhưng lấy số 9 nhân với 9 ta sẽ có đáp số 81. Sao mà con số 9 thiêng liêng đến thế. Năm 1873, thực dân Pháp đem quân đánh chiếm Hà Nội cho đến ngày bại trận chúng phải cuốn cờ xuống tàu về nước (1954) vừa đúng 81 năm (1954-1873=81)

Câu thứ tư "Hồ binh bát vạn nhập Tràng An" có lẽ ai cũng hiểu rằng: Tám vạn bộ đội cụ Hồ vào Tràng An.

Tôi đã đọc nhiều tập sách lịch sử viết về Hà Nội xưa và nay, và khẳng định chưa bao giờ Hà Nội mang tên Tràng An. Tại xã Trường yên (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) có đôi câu đối chữ Hán: "Cồ Việt quốc đương Tống khai bảo -  Hoa Lư đô thị Hán Tràng An" có nghĩa là: Nước Đại Việt sánh với niên hiệu Khai Bảo nhà Tống -  Kinh đô Hoa Lư sánh ngang với Tràng An của nhà Hán. Như vậy hai chữ Tràng An vốn là danh từ riêng, nhập vào Việt Nam nó đã trở thành hình dung từ chỉ những nơi phồn hoa đô hội, Đó đây một số người hiểu lầm.

Nhạc sĩ Văn Cao tâm sự: "Đầu xuân 1949 tôi viết xong nhạc phẩm "Tiến về Hà Nội". Lúc đó tôi mới 26 tuổi đời. 5 năm sau "Tiến về Hà Nội" mới trở thành hiện thực. Tháng 10/1954 tôi theo đoàn quân tiến về Hà Nội. Đồng bào Thủ đô mình nhạy bén thật. "Tiến về Hà Nội" đăng trên báo từ năm 1949. Thế mà khi quân ta đội ngũ chỉnh tề vừa đi vừa hát, nhân dân Hà Nội đứng chật hai bên lề đường cũng vỗ tay vừa hát "Trùng trùng quân đi như sóng...". Văn Cao nhấp một chén rượu và bật ra một câu tiếng Pháp "Toute le ville chamte" (cả thành phố cùng hát), "Tiến về Hà Nội" đã trở thành tiếng hát tự đáy lòng người Hà Nội, không còn là của riêng tôi nữa.

Ảnh TL

Nguyễn Thắng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh