THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:20

Trường học lạm thu có thể bị phạt 20 triệu đồng

 

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, bắt đầu được lấy ý kiến từ ngày 28/9. Văn bản này sau khi được hoàn thiện, Thủ tướng ký quyết định thông qua sẽ thay thế Nghị định số 138 năm 2013.

Thu chi sai quy định, phạt 5-20 triệu đồng

Theo dự thảo, cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng nếu không công khai thu, chi tài chính theo quy định hoặc không thông báo trước dự kiến học phí toàn khóa học và lộ trình tăng học phí. Với hành vi chi sai, tổ chức, cá nhân vi phạm bị phạt 10-15 triệu đồng.

Ngoài ra, với việc tổ chức thu các khoản sai quy định, trường học cũng bị phạt 15-20 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả gồm buộc thu hồi, nộp ngân sách nhà nước đối với các khoản chi không đúng quy định; buộc trả lại cho người học số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức trả lại.

 

Chứng từ thu chi quỹ hội phụ huynh của một trường học tại TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Đào tạo khi không đủ giảng viên tiến sĩ, thạc sĩ phạt 15-25 triệu đồng

Dự thảo cũng quy định mức phạt đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm chất lượng hoặc bảo đảm điều kiện an toàn về cơ sở vật chất trường, lớp học. Mức thấp nhất 1-2 triệu đồng áp dụng cho hành vi không đủ hồ sơ, sổ sách hoặc không sử dụng thiết bị dạy học đã được trang bị theo quy định.

Mức phạt với hành vi không bảo đảm tỷ lệ người học trên giảng viên hoặc tỷ lệ diện tích sàn xây dựng trên người học tùy theo mức độ. Người vi phạm bị phạt 10-20 triệu đồng nếu tỷ lệ người học trên giảng viên vượt 20-50% định mức quy định hoặc tỷ lệ diện tích sàn xây dựng trên người học chỉ đạt 50-90% định mức.

Ngoài ra, hành vi tổ chức đào tạo ngành khi không đủ số lượng giảng viên tiến sĩ, thạc sĩ theo quy định bị phạt 15-25 triệu đồng; không đảm bảo điều kiện an toàn về cơ sở vật chất trường, lớp học bị phạt 20-30 triệu đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung với các cơ sở giáo dục vi phạm với mức độ nghiêm trọng là đình chỉ hoạt động tuyển sinh 12-24 tháng.

In, xuất bản lậu sách giáo khoa bị phạt 30-40 triệu đồng

Dự thảo cũng quy định xử phạt 5-40 triệu đồng với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng sách, giáo trình, tài liệu, thiết bị dạy học. Cụ thể, hành vi không thực hiện lựa chọn sách, giáo trình sử dụng trong cơ sở giáo dục theo quy định bị phạt 5-10 triệu; sử dụng sách, giáo trình, tài liệu, thiết bị dạy học không đúng quy định phạt 10-25 triệu. Mua sắm, tiếp nhận sách, giáo trình, tài liệu, thiết bị dạy học không đúng quy định hoặc có nội dung không phù hợp, xuyên tạc, kích động bạo lực, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc thì bị phạt 15-30 triệu đồng.

Mức phạt cao nhất 30-40 triệu đồng với hành vi in, xuất bản sách giáo khoa hoặc sản xuất thiết bị dạy học không đúng quy định. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy bỏ sách, giáo trình, tài liệu, thiết bị dạy học trái quy định.

Vi phạm kiểm định chất lượng giáo dục phạt 20-50 triệu đồng

Dự thảo quy định chi tiết mức phạt với các cơ sở giáo dục vi phạm về kiểm định chất lượng giáo dục. Mức 20-30 triệu đồng áp dụng cho một trong những sai phạm: tự đánh giá chất lượng giáo dục không trung thực, không đúng quy trình quy định; ngụy tạo minh chứng để nộp hồ sơ đánh giá kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, chương trình giáo dục; không công khai giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục đúng hình thức, thời hạn theo quy định.

Mức xử lý 20-30 triệu đồng cũng áp dụng với trường hợp không triển khai kế hoạch cải tiến, nâng cao chất lượng theo các kiến nghị của Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục; không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ với cơ quan quản lý trực tiếp về kết quả cải tiến chất lượng và việc khắc phục những tồn tại đã được chỉ ra trong báo cáo đánh giá ngoài; không rà soát chất lượng giữa chu kỳ và thực hiện đánh giá chu kỳ tiếp theo theo quy định.

Mức phạt 30-40 triệu áp dụng với sai phạm: không có giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; gian lận để được cấp giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục hoặc quyết định công nhận hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục tại Việt Nam; không duy trì được một trong các điều kiện của tổ chức hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định.

Mức phạt cao nhất 40-50 triệu đồng với một trong các hành vi: tổ chức đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục, chương trình giáo dục không đúng quy trình quy định; thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục không khách quan, không trung thực, công nhận kết quả kiểm định chất lượng giáo dục sai so với thực tế.

Hình thức xử phạt bổ sung với các sai phạm nghiêm trọng là thu hồi giấy phép quyết định công nhận hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, đình chỉ hoạt động trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục 6-24 tháng. Kết quả đánh giá chất lượng cũng bị xem xét, hủy bỏ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh