Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long: Phát triển đội ngũ trình độ cao, đầu tư trang thiết bị 4.0 và mở rộng liên kết đào tạo quốc tế
- Giáo dục nghề nghiệp
- 20:07 - 21/06/2022
Hiện nhà trường đào tạo 06 chuyên ngành tiến sĩ, 16 chuyên ngành thạc sĩ và 47 chuyên ngành đại. Tổng lưu lượng gần 12.000 học viên, sinh viên hiện đang theo học tại trường
Với quyết tâm đưa chất lượng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long tiệm cận với trình độ các trường đại học lớn trên thế giới, nhà trường chú trọng nâng cao trình độ giảng viên; đầu tư thiết bị thực hành; mở rộng liên kết với các đối tác uy tín quốc tế nhằm nâng cao năng lực đào tạo phù hợp với trình độ thế giới.
1. Đào tạo đội ngũ giảng viên trình độ cao
Trong những năm qua, Nhà trường đã phối hợp tốt 3 yếu tố: Sự nỗ lực, cố gắng nâng cao trình độ của giảng viên; công tác quy hoạch, bổ nhiệm; chính sách hỗ trợ học tập để tạo ra một sự chuyển biến tích cực về đội ngũ, lực lượng giảng viên có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ trong một thời gian ngắn.
Theo PGS. TS Cao Hùng Phi - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hàng năm, Nhà trường phối hợp với các trường đại học, các viện đào tạo trong và ngoài nước mở các lớp nâng cao năng lực chuyên môn ngắn hạn, chuyên sâu. Khuyến khích và tạo điều kiện đưa giảng viên nâng cao trình độ ngoài nước, nhất là các quốc gia, các trường đại học hàng đầu trên thế giới về khoa học công nghệ. Song song đó, khuyến khích đội ngũ giảng viên trẻ tìm kiếm học bổng và học NCS ở nước ngoài, phù hợp với hướng chuyên môn. Hiện nay toàn trường có 41 tiến sĩ, trong đó có 03 nhà giáo đạt chức danh Phó giáo sư, bên cạnh đó là 100 % giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, trình độ chuyên môn vững vàng phục vụ cho công tác giảng dạy.
Hiện tại, nhà trường đang cử nhiều cán bộ giảng viên tham gia học tập nâng cao trình độ ở trong nước và ở các trường đại học nổi tiếng ở các nước tiên tiến như: Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Pháp, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Đài Loan,... Hứa hẹn đây sẽ là lớp kế cận ưu tú cho sự phát triển bền vững nhà trường trong tương lai.
2.3 Đầu tư thiết bị hiện đại, phù hợp với cuộc cách mạng 4.0
Đứng trước những cơ hội và thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long đã xây dựng chiến lượng đón đầu công nghệ thông qua đầu tư hàng trăm tỷ đồng để mua sắm các thiết bị hiện đại phục vụ cho dạy thực hành: như hệ thống thiết bị của Festo, Siemens (CHLB Đức), hệ thống thủy lực khí nén của hãng SMC (Nhật Bản), các máy gia công CNC của công ty HASS, máy in 3D kim loại (Hoa Kỳ),… Trung tâm năng lượng điện tái tạo, thực hành ô tô điện và các thiết bị điện được đầu tư từ VinFast. Trung tâm đào tạo kỹ thuật TOYOTA. Các hệ thống máy chủ, siêu máy tính với cấu hình mạnh được ứng dụng điện toán đám mây. Công nghệ này đã được nhà trường sử dụng trong 2 cuộc thi cấp quốc gia là Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc 2021 và Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia 2021 theo hình thức trực tuyến – hình thức lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam và thế giới. Kết quả đã mang lại thành công vược ngoài mong đợi, nhận được sự đánh giá cao của các đơn vị, của lãnh đạo trung ương và của toàn xã hội.
Song song đó, ứng dụng nhận diện khuôn mặt dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) được nhà trường đào tạo và đưa vào sử dụng trong công tác quản lý điều hành. Hệ thống BigData điều khiển thông minh nhà màng công nghệ cao tại trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học, nông nghiệp thông minh.
Năm 2022, với lợi thế là một trong 16 trường được thụ hưởng nguồn kinh phí dự án SKIEG từ nguồn vốn của ngân hàng phát triển Châu Á ADB - 8,4 triệu USD cho các trang thiết bị công nghệ hiện đại nhất cho các lĩnh vực cơ khí, điện điện tử, công nghệ thực phẩm, sẽ là đòn bẩy nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0.
2.4 Liên kết quốc tế vươn tầm thế giới
Hoạt động hợp tác quốc tế (HTQT) được xem là hoạt động chiến lược và đã có những đóng góp quan trọng cho quá trình xây dựng và phát triển. Nhà trường đã xây dựng và phát triển nhiều mối quan hệ truyền thống lâu bền và vững chắc với các đối tác quốc tế như Hiệp hội kỹ thuật và GDNN Châu Á TVET; Các Đại học tại Liên Bang Nga (ĐH Tổng hợp Liên bang Kazan – Hiện nhà trường có 02 giảng viên đang nghiên cứu sinh, ĐH Tổng hợp kỹ thuật Quốc gia Volgrad); Đại học Aix-Marseille (CH Pháp); Các đại học tại Hàn Quốc (ĐH Incheon, ĐH Tongmyong, ĐH Koreatech); Tại Nhật bản có ĐH Tokuyama; Tại Thailand có đại học công nghệ Rajamangala;…
Dưới hình thức “du học tại chỗ”, năm 2019, được sự phê duyệt của Bộ GDĐT, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long và Đại học Tongmyong (Hàn Quốc) đã ký kết hợp tác đào tạo chương trình chất lượng cao 2+2. Đến nay đã có 11 chuyên ngành được đào tạo với số lượng sinh viên gần 150. Năm 2021, Nhà trường tiến hành hợp tác với tổ chức ASIIN (CHLB Đức) cho các chương trình và các bậc đào tạo của nhà trường. Đây có thể nói là bước tiến quan trọng trên con đường phát triển, đưa Nhà trường tiệm cận với chương trình đào tạo của các nước có kỹ thuật công nghệ hàng đầu thế giới.
Liên kết quốc tế thật sự đã giúp Nhà trường thực hiện những bước đi vững chắc trong hội nhập giáo dục đào tạo quốc tế. Thông qua các hoạt động này, Nhà trường từng bước xây dựng đội ngũ giảng viên có thể đảm đương giảng dạy các chương trình quốc tế, thực hiện được trao đổi giảng viên với nhiều trường ÐH trên thế giới.
Đến thời điểm hiện tại, Nhà trường đã có những thành công lớn thể hiện qua số lượng tuyển sinh tăng theo hàng năm, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm đúng chuyên ngành. Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long đang là điểm đến của các công ty, tập đoàn lớn trong tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và có những đóng góp rất tích cực cho sự phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng.