THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:24

Trường ĐH Lao động - Xã hội: Khẳng định được vị thế trong đào tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực

 

Các đại biểu tại lễ kỷ niệm.


Tại lễ kỷ niệm, NGƯT, TS Hà Xuân Hùng, Hiệu trưởng nhà trường đã ôn lại truyền thống hào hùng của Trường Đại học Lao động - Xã hội trong suốt 55 năm qua Trường đã kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên, đoàn kết vượt qua khó khăn, chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Qua từng thời kỳ lịch sử, Trường đã khẳng định được vị thế trong đào tạo cán bộ lao động - xã hội ở các trình độ đào tạo nghề, đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học. Đến nay Trường đã trở thành cơ sở đào tạo đầu ngành về lao động - xã hội ở Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp tặng hoa cho nhà trường tại lễ kỷ niệm.

Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và hợp tác quốc tế của Nhà trường trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận với 3 đề tài cấp nhà nước, gần 50 đề tài cấp Bộ, 166 đề tài cấp Trường, 133 đề tài cấp khoa, 185 đề tài của sinh viên và hàng trăm bài báo đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước, hàng trăm giáo trình, bài giảng đã được xuất bản. Những công trình khoa học đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo. Công tác NCKH được thực hiện theo đúng quy trình, trên 70% số lượng đề tài hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng của các đề tài được nâng cao qua các năm. Giai đoạn 2005 - 2015, Trường đã cử gần 150 lượt cán bộ, giảng viên, sinh viên đi học tập, giao lưu và tham dự các hội thảo, hội nghị quốc tế, trong đó có một số cán bộ, giảng viên đi học thạc sỹ và tiến sỹ tại nước ngoài.

 

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề Công tác xã hội Việt Nam tặng hoa cho nhà trường tại lễ kỷ niệm.

 

Cũng tại buổi lễ, NGƯT, TS Hà Xuân Hùng đã đề ra những định hướng phát triển của Trường Đại học Lao động – Xã hội trong thời gian tới: Từng bước nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học, đến năm 2020 quy mô tuyển sinh duy trì ở mức 5.500 sinh viên/năm, số học sinh, sinh viên có mặt thường xuyên là 22.000 người; phát triển đào tạo đa cấp trình độ, lĩnh vực, ngành nghề, hình thức; phấn đấu tuyển sinh đào tạo cho tất cả các ngành đang đào tạo đại học hiện nay và đào tạo tiến sĩ; phát triển nghiên cứu khoa học, tư vấn, dịch vụ nhằm tăng cường hoạt động thực tiễn cho giảng viên, sinh viên; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, hoạt động kinh tế-xã hội; mở rộng phạm vi đào tạo, phát triển các cơ sở đào tạo cho khu vực phía Nam và miền Trung tạo thuận lợi cho người học. Liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ tư vấn với các trường đại học, viện nghiên cứu nước ngoài; đến năm 2020 có 3 đến 4 ngành đào tạo trực tiếp bằng tiếng Anh; phát triển du học tại chỗ.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp nhận định: 55 năm qua Trường ĐH Lao động Xã hội đã khẳng định được vị thế của mình trong đào tạo cán bộ lĩnh vực lao động – xã hội, góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Về nhiệm vụ trọng tâm của Trường trong thời gian tới, ông Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh: Trường cần thực hiện tốt Quy hoạch phát triển Trường ĐH Lao động - Xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 mà Bộ LĐ-TB&XH đã phê duyệt với mục tiêu phát triển quy mô đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, góp phần tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học, trên đại học cho ngành và xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.

Chuẩn bị mọi điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Trường ĐH Lao động - Xã hội TP. Hồ Chí Minh và đầu tư nâng cao năng lực của cơ sở Sơn Tây.

Đổi mới bộ máy cán bộ mà cụ thể là xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên đạt chuẩn về số lượng và chất lượng. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản toàn bộ giáo viên đạt trình độ thạc sĩ, tăng tỷ lệ cán bộ, giảng viên là thạc sĩ, tiến sĩ, Phó giáo sư, giáo sư.

 

Nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền tặng hoa cho nhà trường tại lễ kỷ niệm.


Tham gia tích cực, đóng vai trò cao trong các công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách của Bộ LĐ-TB&XH. Chủ động hơn trong việc tạo mối quan hệ gắn kết và hợp tác với các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ để tham gia nghiên cứu hoạch định chính sách.

Đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ; mở rộng hợp tác; đổi mới quy trình, phương pháp dạy và học; mở rộng phạm vi đào tạo; nâng cao chất lượng dào tạo, chương trình giáo trình, bài giảng theo chuẩn quốc gia, tiếp cận với chuẩn quốc tế; phát triển tư vấn, dịch vụ nhằm tăng cường hoạt động thực tiễn cho giáo viên, sinh viên.

Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tăng cường triển khai các chương trình nghiên cứu, tư vấn với các tổ chức, doanh nghiệp. Từ đó khẳng định vai trò, vị trí hình ảnh của Trường ĐH Lao động - Xã hội trong bối cảnh đổi mới và hội nhập hiện nay.

Đối với các em sinh viên và học viên phải cố gắng rèn luyện đạo đức, chăm chỉ học tập để nắm vững lý luận và kỹ năng nghiệp vụ, khi ra trường các em đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập nền kinh tế toàn cầu.

Nhân dịp này, Bộ LĐ-TB&XH đã tặng nhiều Bằng khen và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp LĐ-TB&XH cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc của nhà trường trong thời gian qua. 

 

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tặng Bằng khen và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp LĐ-TB&XH cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc của nhà trường.

C.H / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh