Trường Đại học Lao động – Xã hội kỷ niệm 61 năm ngày truyền thống
- Giáo dục nghề nghiệp
- 06:05 - 28/05/2022
Tham dự lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội; lãnh đạo các đơn vị trong Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng toàn thể Ban Giám hiệu, cán bộ, giảng viên của trường.
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, NGƯT. TS Hà Xuân Hùng, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động – Xã hội đã ôn lại truyền thống 61 năm xây dựng và phát triển. Tiền thân của Trường Đại học Lao động – Xã hội ngày nay là hai trường: Trường Lao động - Tiền lương (được thành lập ngày 30/5/1961 trực thuộc Bộ Lao động, đến năm 1988 được đổi tên thành Trường Trung học Lao động – Xã hội I) và Trường cán bộ Thương binh và Xã hội (được thành lập năm 1977 trực thuộc Bộ Thương binh và Xã hội, đến năm 1988 được đổi tên thành Trường cán bộ quản lý Lao động – Thương binh và Xã hội).
Trải qua 61 năm, Trường Đại học Lao động – Xã hội đã trải qua 4 giai đoạn xây dựng và phát triển.
Từ 1961 – 1991: Đây là giai đoạn tồn tại 02 trường (Trường Trung học Lao động – Xã hội I và Trường Cán bộ quản lý Lao động – Thương binh và Xã hội) cho đến thời điểm hai trường được hợp nhất thành Trường Cán bộ Lao động và Xã hội. Trải qua không ít lần đổi tên, nhiều lần di chuyển địa điểm, cơ sở vật chất nghèo nàn, lớp học lợp bằng tranh tre, nứa, lá; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên còn ít, quy mô đào tạo chỉ vài trăm học viên nhưng hai trường đã vượt qua khó khăn để đào tạo được hàng chục ngàn cán bộ lao động – tiền lương cho ngành và đất nước.
Từ 1991-1997: Đây là giai đoạn phát triển của Trường cán bộ quản lý Lao động – Thương binh và Xã hội sau khi hợp nhất (27/05/1991) cho đến khi được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Lao động – Xã hội (31/01/1997). Giai đoạn này, Trường đã có một địa điểm đứng chân ổn định, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, xây mới. Đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên tăng lên. Nhà trường đã không ngừng đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, đa dạng hóa các hình thức đào tạo. Giai đoạn này, Nhà trường đã đào tạo được gần 2.000 học sinh tốt nghiệp trình độ trung cấp ra trường.
Từ 1997-2005: Trường Cao đẳng Lao động – Xã hội là trường đầu tiên trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao đào tạo Cử nhân trình độ cao đẳng ngành Công tác xã hội. Cơ sở vật chất của Trường được tiếp tục đầu tư xây mới. Đội ngũ cán bộ, giảng viên, người lao động đã phát triển lên trên 230 người với 160 giảng viên. Trong nhiều năm, Trường Cao đẳng LĐXH là một trong những trường có số lượng thí sinh dự thi tuyển đầu vào đông nhất trong các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Trong giai đoạn này, Nhà trường đã đào tạo được trên 12.000 học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng.
Từ năm 2006 đến nay: Đây là giai đoạn Trường hoạt động với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của một Trường đại học công lập. Trong năm 2006, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho sáp nhập Trường Trung học Lao động – Tiền lương (tại TP. Hồ Chí Minh) thành Cơ sở II và Trường Kỹ nghệ I (tại Thị Xã Sơn Tây) thành Cơ sở Sơn Tây trực thuộc Trường, Trường Đại học Lao động – Xã hội đã có một vị thế, diện mạo mới với tổng diện tích đất gần 11ha, đứng chân tại hai thành phố lớn nhất của đất nước.
Đến nay cơ cấu tổ chức của Trường dần đi đến hoàn chỉnh với tổng số 676 cán bộ, viên chức, giảng viên và người lao động, trong đó đội ngũ Giảng viên có 467 người (số có trình độ Tiến sĩ là 126 người, chiếm tỷ lệ 27%, có 01 GS và 10 PGS).
Từ 4 chuyên ngành đào tạo trình độ đại học năm 2005, đến nay Trường đã tuyển sinh và đào tạo 15 ngành ở trình độ đại học; 05 chuyên ngành ở trình độ thạc sĩ và 01 chuyên ngành ở trình độ tiến sĩ. Quy mô đào tạo của Trường luôn duy trì ở mức trên 15.000 SV. Trong giai đoạn này, Trường đã đào đạo được gần 50.000 người học có trình độ từ cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ tốt nghiệp ra trường.
Từ năm 2013, Nhà trường đã chuyển từ hình thức đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ - lấy người học làm trung tâm. Xây dựng và đưa phần mềm Quản lý đào tạo vào sử dụng, góp phần số hóa quá trình xây dựng kế hoạch đào tạo, sắp xếp thời khóa biểu cho lớp tín chỉ, kế hoạch học tập cho từng sinh viên, xử lý học vụ sau mỗi học kỳ. Tổ chức xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan dung cho đánh giá kết thúc phần lớn các học phần.
Nhà trường đã hai lần tổ chức Tự đánh giá chất lượng Cơ sở giáo dục đào tạo. Năm 2018 Trường được công nhận là Cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn chất lượng đào tạo. Hiện nay, Nhà trường đang tổ chức Tự đánh giá Chương trình đào tạo của 08 ngành tiến tới đánh giá ngoài các chương rình đạo tạo này trong năm 2022.
Về chiến lược phát triển đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2030, NGƯT.TS. Hà Xuân Hùng cho biết, Trường Đại học Lao động – Xã hội đã tập trung vào một số nhiệm vụ sau: duy trì quy mô đào tạo hợp lý; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế; thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội gắn công tác đào tạo với hoạt động thực tiễn; phát triển nghiên cứu khoa học, tư vấn, dịch vụ nhằm tăng cường hoạt động thực tiễn cho giảng viên, sinh viên; xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động, nhất là đội ngũ giảng viên đạt chuẩn về số lượng và chất lượng; xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hoàn thiện thiết chế quản lý nội bộ; từ năm 2023 thực hiện cơ chế tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên.
Phát biểu tại tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn – Thành ủy viên, Bí thư Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội đánh giá, trải qua 61 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Lao động - Xã hội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, từng bước ổn định và phát triển. Những kết quả, thành tích của trường đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giáo dục đào tạo nước nhà
Kỷ niệm 61 năm Ngày truyền thống là dịp để mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên ôn lại chặng đường lịch sử, tự hào nhưng cũng đầy khó khăn, thử thách, khơi dậy tình cảm “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống đoàn kết, phấn đấu, đùm bọc yêu thương, cộng đồng trách nhiệm của các thế hệ đi trước để truyền thống tốt đẹp vẻ vang đó lan toả mãi tới lớp lớp cán bộ, giảng viên và học viên, sinh viên của Nhà trường – những người đã, đang và sẽ đóng góp xứng đáng trong phát triển kinh tế và giữ vững an sinh xã hội của đất nước.
Tại Lễ kỷ niệm, NGƯT.TS. Hà Xuân Hùng -Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Lao động – Xã hội thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian qua; đồng thời trao Quyết định nghỉ hưởng chế độ BHXH theo quy định của Nhà nước, sổ hưu cho các đồng chí cán bộ, viên chức của trường.