THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:48

Trường cao đẳng nghề Gia Lai: Đổi mới để phát triển

Trường đề ra mục tiêu là tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tập trung đổi mới phương pháp đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và xã hội. Theo thầy Trần Văn Kiệm, Hiệu trưởng, đổi mới phải bắt đầu ngay từ khâu tuyển sinh. Nhà trường tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các phòng khoa trong công tác tuyển sinh, gắn với địa bàn các địa phương trong tỉnh để tư vấn cho người học.

Nhờ thế, cùng với uy tín trong đào tạo nghề của nhà trường từ nhiều năm nay, số lượng học sinh, sinh viên đến học tại trường ngày càng tăng. Cùng với đó, Trường còn tăng cường tiếp xúc, xác định nhu cầu để đào tạo trực tiếp cho doanh nghiệp. Kịp thời nắm bắt nhu cầu học nghề của quân nhân xuất ngũ thông qua các đơn vị quân đội để tư vấn tuyển sinh. Nắm chắc số lượng học sinh tốt nghiệp các trường Trung học cơ sở, dân tộc nội trú, các trường trung cấp để tư vấn tuyển sinh tại từng thôn, làng, tư vấn trực tiếp đến với người lao động. Chủ động nắm thông tin nhu cầu đào tạo trong tỉnh để liên kết với các trường đại học đào tạo đại học và trên đại học.

Lớp học nghề của thanh niên đồng bào dân tộc.

Từ đầu năm đến nay, Trường đã chủ động tiếp xúc với các doanh nghiệp để mở các lớp đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp như: Công ty điện Gia Lai và Công ty Điện lực Gia Lai: 123 sinh viên cao đẳng, Lớp trung cấp vận hành nhà máy thủy điện (đào tạo cho công ty TNHH MTV Trang Đức): 16 học viên. Bồi dưỡng sát hạch nâng bậc cho cán bộ kỹ thuật và công nhân Công ty cổ phần thủy điện Đắkrơsa: 25 học viên, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long 25 học viên. Nhà trường đã tổ chức cho 200 sinh viên cuối khóa đi thực tập sản xuất tại 79 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. 

Để đảm bảo năng lực hoạt động, nhà trường đã tổ chức tuyển dụng bổ sung, bố trí cán bộ, giáo viên đi đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời Trường cũng duy trì tốt phong trào thi đua “dạy tốt” với nhiều giáo viên tham gia. Phong trào nghiên cứu khoa học và lao động sáng tạo cũng được nhà trường triển khai, thông qua tổ chức nghiên cứu chế tạo thiết bị, phương tiện dạy học. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức biên soạn chương trình, giáo trình đào tạo theo quy định của Bộ LĐ-T&XH.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề đạt kết quả cao, năm học này, nhà trường tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo; tổ chức biên soạn giáo trình để đảm bảo 100% môn học, mô đun có giáo trình, đặc biệt là giáo trình cho các nghề trình độ cao đẳng và chương trình đào tạo nghề trọng điểm công nghệ sinh học mới được Bộ LĐ-TB&XH quyết định. Hiện tại Trường đã triển khai công tác đào tạo các hệ: Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề, Sơ cấp nghề, dạy nghề thường xuyên. Kết quả thu được rất đáng khích lệ, Nhà trường đã tuyển sinh và dạy nghề cho 914 người. Trong đó, trình độ cao đẳng là 328 người, trình độ trung cấp là 414 người. Số học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp  trong 6 tháng đầu năm là được nhà trường giới thiệu việc làm là 91 sinh viên (Cao đẳng là 71 sinh viên và trung cấp là 20 em). Việc dạy nghề cho học sinh phổ thông cũng được trường triển khai thực hiện rất hiệu quả, đã dạy nghề cho học sinh phổ thông gần 5.000 học sinh (Trung học phổ thông 3.000, Trung học cơ sở 2.000). Nhà trường còn phối hợp với các trường Đại học tổ chức đào tạo gần 300 học viên (Bồi dưỡng sau đại học: 34, đại học: 264).

Trường Cao đẳng nghề Gia Lai là một nơi dạy nghề có uy tín, là thương hiệu được nhiều người không chỉ ở Tây Nguyên mà cả các tỉnh duyên hải miền Trung biết đến. Thương hiệu của Trường được khẳng định không chỉ bởi tỷ lệ học sinh, sinh viên hàng năm tốt nghiệp luôn đạt tỷ lệ cao – 95%, mà còn bởi tỷ lệ sinh viên có việc làm khi ra trường cũng rất ấn tượng. Hàng năm Trường đều tổ chức nghiên cứu thị trường lao động và giới thiệu việc làm cho sinh viên nên thường xuyên tăng cường tiếp xúc, tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp và các địa phương vùng khó khăn, xa trung tâm tỉnh để phục vụ. Với mô hình này, từ đầu năm đến nay, nhà trường đã tư vấn, giới thiệu đến các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo nghề lại và nâng cao tay nghề cho công nhân và người lao động. Mô hình đào tạo theo địa chỉ, gắn với thị trường và doanh nghiệp đã giúp nhà trường thành công hơn trong việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Những năm qua, nhiều học viên tốt nghiệp tại trường vào làm việc ở các doanh nghiệp lớn có uy tín, cho thu nhập cao, như: Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long - Chi nhánh Gia Lai, Công ty cổ phần Sông Đà 3...

Thạc sĩ Trần Văn Kiệm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Gia Lai cho biết: Hiện nay, hệ thống các trường dạy nghề đang gặp những khó khăn vướng mắc như: Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời và có hiệu lực từ ngày 01/7/2015 nhưng còn thiếu nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên các cơ sở dạy nghề còn lúng túng trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, cấp bằng tốt nghiệp. Công tác phân luồng sau trung học cơ sở ở nhiều nơi chưa tốt. Việc đầu tư cơ sở vật chất cho các nghề trọng điểm gặp khó khăn. Tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn trên sẽ tạo điều kiện cho các trường nghề thực hiện tốt hơn sứ mạng của mình là tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng đòi hỏi của công cuộc đổi mới và sự phát triển chung của toàn xã hội.

Thu Hà/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh