THỨ NĂM, NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2024 11:28

Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II: khát vọng con đường tự chủ

Tự chủ là chìa khóa nâng cao chất lượng đào tạo 

TS. Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (HVCT) chia sẻ, sau 5 năm thực hiện thí điểm Đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo Quyết định 538/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, nhà trường có tỷ lệ tuyển sinh chính quy ổn định; nhiều nghề đã tiệm cận và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; cam kết việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp; thu nhập bình quân của cán bộ, giáo viên tăng 5%-10% mỗi năm. 

TS. Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II.

TS. Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II.

Để đưa “con thuyền” HVCT thành công trên con đường tự chủ, vị “thuyền trưởng” Nguyễn Thị Hằng xác định: tự chủ không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là chìa khóa nâng cao chất lượng đào tạo. Và, chỉ có tự chủ mới thực hiện được nhiệm vụ “đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội”. 

Trong 5 năm qua, thành công của việc đổi mới được thể hiện rõ trong 5 nội dung cốt lõi. Cụ thể, về nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đã chọn lựa, huấn luyện sinh viên tham gia đấu trường kỹ năng nghề quốc tế đoạt 2 giải: Chứng chỉ nghề xuất sắc và Chứng chỉ phát triển môi trường bền vững; cùng với đó là tỷ lệ học sinh có việc làm tại các doanh nghiệp chiếm trên 90%. Về tuyển sinh, tỷ lệ đào tạo thường xuyên tăng nhiều mặc dù học phí tăng gấp 2 lần so với khi chưa tự chủ. 

Sinh viên được đào tạo nghề và thực hành trên các thiết bị hiện đại.

Sinh viên được đào tạo nghề và thực hành trên các thiết bị hiện đại.

“Đáng chú ý, chúng tôi đã tạo môi trường thuận lợi nhất để mỗi cán bộ, giáo viên được phát huy tối đa năng lực làm việc của mình và được hưởng thụ theo hiệu quả công việc,... Từ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 5%-10%/năm”, TS Nguyễn Thị Hằng chia sẻ. 

Chất lượng đào tạo là danh dự và thương hiệu của HVCT 

TS Nguyễn Thị Hằng cũng nhấn mạnh: Nhà trường xác định giá trị cốt lõi “chất lượng đào tạo là danh dự và thương hiệu của nhà trường”. Nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng dịch vụ đối với người học là vai trò trách nhiệm của từng thành viên trong trường. Coi trường là ngôi nhà chung của tất cả cán bộ viên chức, học sinh, sinh viên. Do vậy, việc lan tỏa thương hiệu và tuyển sinh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, tự giác, tích cực của cả cán bộ viên chức và học sinh, sinh viên. 

Nhà trường đã cam kết 100% với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động về chất lượng đào tạo.

Nhà trường đã cam kết 100% với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động về chất lượng đào tạo.

Trước khi thực hiện tự chủ nhà trường chưa chú trọng gắn kết doanh nghiệp với trách nhiệm đào tạo, chỉ hỗ trợ công tác đào tạo. Khi thực hiện tự chủ thì “Hợp tác đào tạo giữa trường và doanh nghiệp” là vấn đề “sống còn” của nhà trường, không chỉ là hợp tác mà là đồng hành cùng nhà trường, với phương châm: “Doanh nghiệp là một chủ thể không thể thiếu trong nhà trường”. Đến nay, nhà trường đã phối hợp với hơn 58 công ty, doanh nghiệp hỗ trợ nơi thực tập tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên cao đẳng, trung cấp.  

Ngoài ra, nhà trường còn cam kết 100% với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động về chất lượng đào tạo; Cam kết 100% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp; Công khai các vị trí việc làm tại các doanh nghiệp của từng nghề đào tạo đến các em học sinh, sinh viên khi đăng ký học tập tại trường. Đặc biệt, kể từ năm 2018 nhà trường ký cam kết với từng học sinh/sinh viên, học tập tại trường được bảo đảm: “Đào tạo gắn với việc làm là đưa nhà trường phát triển bền vững”. 

Nhà trường cam kết 100% sinh viên ra trường đều có việc làm.

Nhà trường cam kết 100% sinh viên ra trường đều có việc làm.

Qua chặng đường 5 năm thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ của Trường HVCT, ông Phạm Văn Sơn, Vụ Khoa giáo Văn xã (Văn phòng Chính phủ) nhận định: Trường HVCT đã đạt được nhiều kết quả tiêu biểu. “Ban lãnh đạo nhà trường đã rất năng động, đã chủ động linh hoạt, dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi để ngày càng khẳng định thương hiệu của Trường HVCT. Tôi nghĩ rằng: các lãnh đạo của Tổng Cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) khi nhắc đến cơ sở GDNN có nhiều thành tích tốt trong đào tạo, trong nghiên cứu khoa học, trong các kỳ thi, trong công tác tuyển sinh đều nghĩ đến trường HVCT”, ông Phạm Văn Sơn nhận định.

Với những thành quả đạt được trong 5 năm qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, ngày 31/12/2021 đã có quyết định khen thưởng cho 5 tập thể và 13 cá nhân của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II vì đã có thành tích trong thực hiện đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo quyết định số 538/QĐ-TTG ngày 04/04/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Pham Vu Quoc Binh

 TS Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN "ứng dụng chuyển đổi số vào dạy và học"

Ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp nhận định: Trong những năm qua, HVCT đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan, bộ máy tinh gọn, đời sống thu nhập được nâng cao, các quy định pháp luật ra đời kịp thời như Quyết định 538/QĐ-TTG của Chính phủ đã giúp cho các trường nghề, trong đó có HVCT mạnh dạn thực hiện những khát vọng đổi mới về đào tạo nghề, đổi mới tư duy, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... Tổng cục giáo dục nghề nghiệp đã tổng kết, rút tỉa đưa vào các Nghị định, Thông tư của Bộ LĐ-TB&XH, rồi tham mưu cho Chính phủ, tham mưu cho các Bộ ngành khác có liên quan.   

Ts Hung

TS Bùi Văn Hưng - P. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II: "HVCT luôn kiên định con đường tự chủ"

TS Bùi Văn Hưng - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, người có đóng góp không nhỏ trong kiến tạo con đường đổi mới ở HVCT cho rằng: đoàn kết, thống nhất mục tiêu, chấp nhận cái mới, không ngại cái khó sẽ thu được thành quả. Nhà trường khẳng định sẽ tiếp tục kiên định theo đuổi con đường tự chủ, nhằm mục tiêu đưa HVCT thành nơi đào tạo nghề có tên tuổi trong khu vực phía Nam.

Theo TS. Nguyễn Thị Hằng, Quyết định 538/QĐ –TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II đã tạo ra mộ cơ chế mới, phù hợp với nhà trường, tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của trường.

Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nên nhà trường càng tự tin hơn để thành công trên con đường tự chủ.

"Để thuận lợi hơn trong quá trình tự chủ, trước hết phải đồng bộ giữa cơ chế tự chủ với các quy định pháp luật. Ngoài ra, cần nhanh chóng có cơ chế đặt hàng đào tạo các trình độ để đảm bảo công bằng về chất lượng đào tạo giữa các trường trong hệ thống GDNN", TS. Nguyễn Thị Hằng chia sẻ kinh nghiệm.

XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh