CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:54

Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất: Đào tạo gần 3.500 lao động nông thôn

Hàng năm, Trường CĐKNDQ đã phối hợp với trên 15 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức ngày Hội việc làm tại Trường và đã thu hút hơn 1.200 lượt HSSV/năm tham gia, qua đó các doanh nghiệp có cơ hội đã tuyển dụng được lao động phù hợp với nhu cầu. 

Tùy thuộc vào việc sản xuất và mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp mà nhu cầu tuyển dụng qua từng giai đoạn là khác nhau; tuy nhiên, qua thống kê cho thấy số lượng HSSV do Trường đào tạo đang làm việc cũng như kế hoạch đăng ký tuyển sinh đào tạo và cung ứng của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật về cơ khí, may mặc, giày da là nhiều nhất. 

Thầy Nguyễn Hồng Tây-Hiệu trưởng TCĐKNDQ cho biết: "Đối với lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cùng với sự hướng dẫn cụ thể từ phía Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và quyết liệt của Đảng ủy, BGH Nhà trường đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT, xác định việc đào tạo nghề cho LĐNT là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Trường. Đây là một việc làm thiết thực giúp người dân được tiếp cận với nhiều ngành nghề để trang bị cho mình một nghề thực thụ góp phần xây dựng cuộc sống gia đình, xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Thực hiện nhiệm vụ này là góp phần cùng với xã hội tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn". 

Đại diện doanh nghiệp kiểm tra tay nghề của học viên TCĐKNDQ trước khi tuyển dụng. 

Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Nhà trường trong 3 năm 2015, 2016 và 2017 là 3.494 học viên, chủ yếu là các nghề phi nông nghiệp. Tính riêng năm 2017, Trường đào tạo là 1.396 chỉ tiêu, trong đó nghề sản xuất hàng giày da là 968 học viên; các nghề hàn, sửa chữa máy nông nghiệp, điện dân dụng, điện công nghiệp, nghiệp vụ xăng dầu, kỹ thuật xây dựng là 328 học viên. Toàn bộ học viên sau đào tạo đã có việc làm, riêng 968 học viên nghề Sản xuất hàng giày da đã được Công ty TNHH South Sea Leatherwares Việt Nam – Quảng Ngãi và Công ty THNN Properwell Việt Nam – Quảng Ngãi tiếp nhận làm việc ngay sau khi hoàn thành khóa học.

Th.s Nguyễn Ngọc Minh Nguyệt-Trưởng Ban tuyển sinh và Tư vấn việc làm thuộc TCĐKNDQ trao đổi với chúng tôi: "Công tác tuyển sinh học nghề đã được nhà trường thực hiện thường xuyên trong năm, các hình thức dạy nghề theo địa chỉ, dạy nghề gắn với tạo việc làm đã được xây dựng và nhân rộng có hiệu quả nhờ có sự phân công rõ trách nhiệm đối với từng cấp, các bên liên quan trong việc thực hiện; do đó, đa phần học viên sau khóa học có việc làm và thu nhập ngay. Các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được tổ chức linh hoạt đến tận các xã vùng sâu, cụm tuyến dân cư, tạo điều kiện cho nhiều người có cơ hội tham gia học nghề".

Luôn ý thức cao về nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu năm trường CĐKNDQ đã tiến hành khảo sát, rà soát trên địa bàn tỉnh, ngoài các lao động tham gia vào các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, Trường quan tâm đến số lao động thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ; hằng năm Trường luôn chủ động trong việc phối hợp với các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động, các ngành nghề nhu cầu thị trường lao động đang cần để xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo phù hợp nhằm giải quyết tốt việc làm sau đào tạo cho học viên. Toàn bộ lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm mới ở các khu công nghiệp và dịch vụ. Một bộ phận nhỏ tự áp dụng những kiến thức đã học để mở các cơ sở sản xuất, sửa chữa nhỏ tại nhà để tăng thu nhập cho gia đình, qua đó góp phần hình thành nhiều mô hình sản xuất công nghiệp, dịch vụ có hiệu quả; tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, trong 3 năm qua, dưới sự chỉ đạo và giám sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, trước khi tổ chức tuyển sinh đào tạo, nhà trường đã tiến hành làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi để ký biên bản ghi nhớ về việc tiếp nhận lao động sau đào tạo nghề. Do vậy tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo khá cao, đạt tỉ lệ gần 100%. Ông Nguyễn Hồng Tây cho biết thêm. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt, TCĐKNDQ cũng nhìn ra những tồn tại khách quan và đưa ra phương hướng để khắc phục như: Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp phải đi trước một bước, cán bộ tuyên truyền phải am hiểu chính sách, nắm được thông tin về đào tạo nghề và khả năng giải quyết việc làm sau học nghề để thông tin đầy đủ, kịp thời cho người lao động nông thôn. Chỉ khi người dân hiểu rõ, nhận thức đúng về dạy nghề trong việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình thì họ mới tích cực tham gia học nghề.

 Cần có sự tham gia, phối hợp tích cực, hiệu quả của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, chủ sử dụng lao động và người lao động; đồng thời, cần nắm chắc nhu cầu lao động cần đào tạo cho mỗi loại nghề, lĩnh vực theo quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xác định nhu cầu, tổ chức dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, đảm bảo việc làm sau đào tạo…; cần huy động tất cả các loại hình cơ sở đào tạo có chất lượng, uy tín tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề của các cơ sở dạy nghề phải được đầu tư đồng bộ; cán bộ quản lý và giáo viên cơ hữu phải được tăng cường về chất lượng và đủ về số lượng. Thường xuyên cập nhật về chương trình, giáo trình cho phù hợp với công nghệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động. Công tác giám sát, kiểm tra các hoạt động dạy nghề phải được thực hiện thường xuyên ở tất cả các “khâu” và ở tất cả các cấp.

Đông Hải

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh