Truông Bát ngày ấy và bây giờ
- Văn hóa - Giải trí
- 11:50 - 02/02/2022
Vào những năm đầu thập niên 60 thế kỉ trước, Truông Bát mới bắt đầu hình thành cộng đồng dân cư đầu tiên được gọi là làng Việt kiều Thái Lan với sự góp mặt của 14 hộ gia đình. Những hộ dân này có gốc tích, bản quán khác nhau đều ở Việt Nam di cư sang Lào tìm kế sinh nhai từ năm Ất Dậu (1945) trở về trước. Đến năm 1946 thực dân Pháp quay lại tái chiếm Đông Dương, bà con lại rủ nhau vượt sông Mê Kông sang bên kia biên giới Thái Lan để lánh nạn tạm thời, nhưng chiến tranh kéo dài triền miên nên dần dần họ tổ chức thành từng làng người Việt định cư hẳn ở Thái.
Dù xa quê hương, nhưng bà con Việt kiều ta rất đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, và luôn ngóng vọng một ngày nào đó sẽ được hồi hương trở về cố quốc an cư lạc nghiệp. Và ước mơ của họ bắt đầu được toại nguyện sau khi Hồ Chủ Tịch ra lời kêu gọi cộng đồng bà con Việt kiều Thái Lan trở về xây dựng quê hương đất nước từ năm 1960.
Lịch sử nước Lào cũng từng được nhắc đến những cuộc chạy loạn của Việt kiều Lào sang Thái Lan trên những chuyến phà, chuyến đò dọc sông Mê Kông là một trong những cuộc di dân đẫm máu nhất của lịch sử Lào! Bởi rất nhiều chuyến phà, chuyến đò như thế bị giặc Pháp và Cảnh sát Thái Lan bắn cháy, bắn chìm, người chết la liệt, máu nhuộm đỏ cả dòng sông!
Những người sống sót dù có cuộc sống mới ở Thái Lan nhưng vẫn nơm nớp trước bao biến cố khác có thể xảy ra nơi đất khách, quê người bất cứ lúc nào! Vì thế, khi nhận được thông báo, Chính phủ Việt Nam cho tàu thủy cập bến Cảng Bangkok đón dân Việt kiều ta về nước, nhiều người đã không chút đắn đo bỏ lại nhà cửa và nhiều tài sản quý giác khác để hồi hương.
Hiện nay những người những người thuộc thế hệ đầu tiên của làng Việt kiều ở Truông Bát còn lại chỉ đếm vào đầu ngón tay. Nhưng nỗi ám ảnh về những cuộc vượt sông lịch sử đó dường như vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ của họ. Có lẽ không ai trong họ muốn nhắc đến những kí ức đáng quên đó cho con, cháu sau này khi mà rừng núi ở đây đã an bài cho ngày về thanh thản của họ rày mai; và bao mất, được đổi thay có được đến giờ đây ở xứ sở này cũng đã thuộc về họ!...
Do địa hình nằm giữa "cung đường lửa" 15A, nối ngã ba Đồng Lộc - Khe Giao - phà Địa Lợi nên trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, Truông Bát bị đánh phá rất ác liệt. Nhưng cũng chính nhờ lợi thế rừng rậm, núi cao che chở nên trong chiến tranh chống Mỹ bộ đội ta đã bố trí nhiều trận địa pháo cao xạ ở đây để đánh chặn máy bay địch. Đặt biệt còn có cả trận địa phòng không tên lửa hiện đại do Liên Xô tài trợ đặt trên cả một ngọn đồi lớn, được người dân địa phương đặt tên cho là đồi "Tên Lửa".
Trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, quân và dân Truông Bát đã anh dũng chiến đấu hy sinh, bám từng tấc đất, bắn rơi hàng chục máy bay Mỹ, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc.
Hiện nay ở Truông Bát còn có nhiều dấu tích chiến tranh để lại như: Hầm Tỉnh đội, đồi Tên Lửa và hàng loạt hệ thống giao thông hào, hầm pháo...Trong giai đoạn chiến tranh ngoài lực lượng bộ đội và bà con làng Việt kiều, nơi đây còn có sự góp mặt của lực lượng Thanh niên xung phong, cán bộ, công nhân Lâm trường Truông Bát... Sau khi hòa bình được lập lại, các đơn vị chủ lực rút đi chỉ còn lại xóm Việt kiều heo hút và vài lán trại sơ sài của công nhân nằm rải rác dọc Quốc lộ 15A, đất đá tan hoang!
Truông Bát nằm lọt giữa cánh cung Trường Sơn Đông thuộc hệ thống dãy núi Khe Lang, Động Bụt, Nhật Lệ, Vang Vang... chạy từ Vũ Quang, Can Lộc sang Hương Khê, Thạch Hà vào Cẩm Xuyên, Kỳ Anh rồi nhập vào dãy Hoành Sơn, nhưng tách biệt khỏi dãy Giăng Màn ở phía Trường Sơn Tây bởi thung lũng sông Ngàn Sâu. Vì thế miền này còn là điểm khởi thủy của hàng chục con suối khe như: khe Thờ, khe Bướu, khe Rén, khe Bứa hay khe Ràn Trâu... chảy ngược, rồi đổ ra sông Ngàn Sâu, con sông bổ ngang bản đồ địa lý Hà Tĩnh ra hai phần Đông - Tây.
Do sự khác biệt đó, Truông Bát bỏ lại sau lưng cả một miền đồng bằng mênh mông từ phía Can Lộc vắt qua Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh, rồi xoải dần xuống tận miền bãi ngang rộng dài từ cửa Sót đến cửa Nhượng. Với địa hình đó, Truông Bát hợp với Động Bụt, Nhật Lệ trở nên một hệ thống lá chắn khổng lồ tự nhiên che chở gió Lào cho thành phố Hà Tĩnh và một phần của Can Lộc, Cẩm Xuyên, Thạch Hà.
Nếu từ trên máy bay quan sát xuống thì Truông Bát chẳng khác nào đại ngàn Amazon của Nam Mỹ thu nhỏ giữa bức tranh thiên nhiên Hà Tĩnh. Ai hay hàng trăm năm trước Truông Bát vẫn là nơi "đi dễ khó về" không riêng đối với đám tiều phu khốn khó, mà ngay cả bọn thảo khấu lục lâm dẫu quẫn đường, cùng kế vẫn phải kiêng dè đâu dám chọn nơi này làm chốn dung thân!
Trước đây từ thị xã Hà Tĩnh muốn lên Hương Khê ắt phải qua Truông Bát, mà cung đường độc đạo lổng chổng đất đá này vừa nhỏ vừa dày đặc ổ trâu, ổ voi lại vừa chênh vênh gập khúc. Nhất là vào mùa mưa đường càng trơn trượt, người đi rất dễ bị té lăn xuống vực thẳm.
Để có được gánh chè tươi, cam, bưởi... từ Hương Khê xuống thị xã Hà Tĩnh, hay gánh cá, muối, ruốc, mắm... từ cửa Nhượng, cửa Sót ngược ngàn, dân buôn bán phải gánh bộ mất vài ngày đường. Và trong bao kiếp mưu sinh đầy phiêu lưu như thế không ít người đã phải bỏ xác lại dọc đường Truông Bát, hoặc chịu cảnh thương tật suốt đời.
Ông Nguyễn Quốc Toàn sinh năm Bính Tuất (1946), quê quán ở vùng bãi ngang xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, nguyên là công nhân Lâm trường Truông Bát từng gắn bó với mảnh đất này từ năm 1978. Dù đôi mắt ông vẫn rực lên sự nhanh nhẹn, nhưng nơi góc ghế sa lông ông ngồi đó đang thu lại một thân thể gầy gò, ốm yếu và khô đét như cây sim cháy. Đó là hệ quả của cả quá trình bươn bả vất vả và bệnh sốt rét hành hạ triền miên mà ông đã trải qua!
Sau khi đi bộ đội phục viên chuyển ngành về làm công nhân Lâm trường Truông Bát, ông cùng vợ là bà Đinh Thị Tứ sinh năm Mậu Tý (1948) quê ở Nghệ An đã chọn nơi này làm quê hương thứ hai. Mặc dù từng có nhiều năm trong quân ngũ, quen với cảnh trèo đèo, lội suối, sinh hoạt thiếu thốn, nhưng thời kỳ đầu lên đây nhiều lúc vợ chồng cũng cảm thấy chán nản bàn nhau định bỏ về quê do công việc nặng nhọc, hàng ngày phải trèo đèo lội suối vất vả, ăn không đủ no. Trong lúc đó, rắn rết, sên, muỗi... thì dày lên từng lớp. Chưa kể đến các loài thú hoang như: Voi, gấu, lợn lòi.. có thể cướp đi tính mạng bất cứ lúc nào!
Mỗi khi ra khỏi nhà mọi người phải trang bị bảo hộ từ đầu đến chân; trước khi vào nhà lại cởi bỏ vuốt khắp người xem có sên, vắt bám vào da thịt không. Vậy mà nhiều lúc sên, vắt vẫn ẩn trong chân tóc, lỗ tai, lỗ mũi, thậm chí chui vào cả chỗ kín nhất. Sau một ngày làm về mệt ngủ thiếp đi, nửa đêm tỉnh dậy thấy máu ở những chỗ đó rỉ ra mới biết.
Còn với bệnh rốt rét thì càng kinh hoàng hơn nữa! Thời đó người ta còn gọi nơi này là vùng "ma sốt sét" bởi người người rốt rét, nhà nhà sốt rét. Nỗi ám ảnh sợ hãi nhất về bệnh sốt rét phải kể đến cái chết đầy tang thương của hai vợ chồng ông Hành, bà Hương, công nhân của Lâm trường vào năm 1980 khi dường như cả núi rừng ở đây cũng đành phải bật khóc vì ta oán!
Ngay cả vợ chồng ông Nguyễn Quốc Toàn cũng nhiều lần nhìn thấy "con ma sốt rét" gõ cửa! Nhất là thời kỳ bà Đinh Thị Tứ mang thai người con trai út Nguyễn Quốc Thiết vào năm 1991 bị sốt rét hành hạ suốt 6 tháng trời liền. Ông Toàn dù cũng đang mang mầm bệnh quái ác ấy trong người, nhưng buộc phải làm một nhân viên "y tá bất đắc dĩ" chích thuốc quinin cho bà!
Do phải tiêm thuốc nhiều lần nên hai phần mông của bà Tứ cứ chai sần ra như hai tấm mo cau khô. Có lần xuyên được mũi kim tiêm qua lớp "mo cau" ấy nhưng ông Toàn không tài nào bơm được hết cơ số thuốc vào người bà nên đành rút tiêm ra. Đổ đi thì xót ruột vì hồi đó quinin là loại thuốc duy nhất dùng chữa trị bệnh sốt rét ở đây nhưng lại cực kỳ khan hiếm, nên ông Toàn đành đánh liều đem ra tái sử dụng tự tiêm lại cho mình.
Cũng vào thời kỳ đó, bà con Việt kiều không còn được hưởng bao bao cấp như trước, mà ruộng sản xuất lại không có nên cuộc sống của họ càng lâm vào cảnh khó khăn. Trong lúc đó cán bộ, công nhân lâm trường cũng ốm đau thiếu thốn đủ bề! Nhà ai trồng được vài nương ngô, nương sắn chưa kịp thu hoặch thì bị lợn rừng về phá cho trơ trụi. Không biết làm gì hơn, người dân phải rủ nhau vào rừng chặt chặt gỗ, chặt củi đem bán; cán bộ, công nhân không đủ nhân lực và điều kiện quản lí rừng được nữa nên nhiều người nao núng bỏ đi xứ khác.
Trước tình hình đó, mặc dù mới "chân ướt chân ráo" tổ chức lại bộ máy làm việc sau khi chia tách tỉnh Nghệ Tĩnh vào năm 1991, nhưng đến đầu năm 1992 Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng thành lập "Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng kinh tế" tại vùng Truông Bát, nhằm tạo việc làm cho người lao động và góp phần điều hòa dân cư trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở thực hiện theo Quyết định số: 322/QĐ/UB ngày 28-3-1992 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc thành lập Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng kinh tế tại tỉnh Hà Tĩnh.
Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) xây dựng kinh tế còn gọi là "Làng Thanh niên lập nghiệp" tại vùng Truông Bát, Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế đầu tiên tỉnh theo mô hình kinh tế hộ gia đình. Làng được khai sinh vào ngày 1, tháng 5, năm 1992 khi những nhát cuốc đầu tiên của anh chị em TNXP cắm phập xuống sườn đồi Khe Thờ như một lời hứa đanh thép với thần thiêng khe núi, sẽ làm cho nơi này trở nên giàu đẹp trong tương lai.
Những TNXP đầu tiên hầu hết đến từ Can Lộc, Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên... họ nhanh chóng được Tổng đội giao đất phát triển sản xuất, và giao khoán rừng để trồng và bảo vệ rừng. Ngoài ra, các hộ bà con Việt kiều cũng được Tổng đội khuyến khích giao khoán đất rừng và rừng để tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập, dần dần chấm dứt nạn chặt, phá rừng.
Bước đầu Làng thanh niên được định hướng trồng chè, nhưng do khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng không phù hợp nên họ quay sang trồng các loại cây lâu năm và tổ chức chăn nuôi. Để lấy ngắn nuôi dài, trước mắt các hộ nhanh chóng tổ chức sản xuất mía, đậu, lạc... nhờ đất đai tốt nên có năm có những hộ thu nhập vài tấn lạc.
Tuy nhiên trong điều kiện cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, dịch bệnh sốt rét lại bùng phát mạnh, nhưng nhờ sự năng nổ, sáng tạo và nhiệt huyết của tập thể Tổng đội cùng bà con Việt kiều và sự phối hợp với Lâm trường Truông Bát, chỉ trong một thời gian ngắn khu vực này đã có điện lưới, xây dựng được Trường tiểu học và mở được nhiều tuyến đường mới... Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng cải thiện, bệnh sốt rét nhanh chóng được đẩy lùi nên ai ai cũng cảm thấy phấn khởi hẳn lên.
Dẫu bước đầu mọi thứ còn vỡ vạc, cả Tổng đội và bà con Việt kiều hồi đó chưa mấy ai có nhà xây lợp ngói, phương tiện sinh hoạt thiếu thốn. Nhưng sau một ngày làm việc mệt mỏi, đêm về cả làng thường tập trung lại tại trụ sở làm việc của Tổng đội xem ti vi và tổ chức các cuộc giao lưu mang tính cộng đồng như uống nước chè xanh, ăn lạc rang, hát hò, kể chuyện... đặc biệt bà con Việt kiều thường nhảy múa điệu múa của dân tộc Thái-Lào thâu đêm, rất vui vẻ.
Tôi có cơ duyên được làm quen với ông Trần Văn Công, người có chân tướng bề ngoài giống như một tay "hảo hán Lương Sơn Bạc", nhưng ngược lại thì hiền khô như đất. Công cầm tinh con khỉ, sinh năm Mậu Thân (1968) nên có vẻ như anh sinh ra là phải gắn với núi rừng nơi này để chứng minh cho mọi người rằng, mình có thừa phẩm chất của một người đoàn viên thanh niên, là chủ nhân của chính mảnh đất này, sẽ làm giàu từ đó bằng trí tuệ và bản lĩnh của mình.
Ở thời điểm hiện tại Công đã làm được điều đó khi dựng được căn nhà kiên cố với tiện nghi đầy đủ, tọa lạc giữa khu vườn rừng rộng tới hơn 6ha có đủ các loại cây trái và nuôi được cả đàn bò lên tới gần 20 con, đàn lợn lên tới hơn 100 con, cùng hàng chục tổ ong rừng, ngan, ngỗng, gà, vịt... thu nhập bình quân hàng năm lên tới cả tỷ đồng.
Chia sẻ về cuộc sống riêng tư với tôi, Công không cần phải dấu diếm gì mà cứ thẳng băng "ruột ngựa": Tuổi thơ của Công vốn hít thở trong bầu không khí đói nghèo ở làng quê Nam Phong, xã Thượng Lộc. Mới 17 tuổi Công đã biết tự lập cuộc sống, một mình vào Tây Nguyên khai hoang mở đất trồng cà phê. Song đến đầu năm 1993, nghe tin quê nhà vừa thành lập Tổng đội TNXP làm kinh tế, Công lại làm một "cuộc cách mạng" trở về quê viết đơn tình nguyện xin gia nhập vào Tổng đội, nhận đất, nhận rừng, dựng lều ở một mình tiếp tục gây dựng cuộc sống mới.
Sau khi được Tổng đội tiếp nhận và hỗ trợ về kĩ thuật, giống, phân bón... Công vừa tăng gia sản xuất chăn nuôi, vừa vào rừng hái các loại cây thuốc Nam như khương hoạt, đình hương, thiên niên kiện, độc quạt... đem bán cho các hiệu thuốc; trồng mía, kéo che ép mật...Hai năm sau có được chút vốn liếng trong tay Công về quê hỏi vợ rồi đưa vợ về Tổng đội chung tay tạo lập sự nghiệp và trở thành cặp vợ chồng trẻ của Tổng đội. Ngày tháng thoi đưa họ đã sinh được ba người con nuôi dạy khôn lớn, học hành tử tế. Nay hai đứa cháu đầu của ông bà đã xây dựng gia đình và có việc làm ổn định.
Ở tuổi ngũ tuần nhưng vợ chồng Công vẫn ấp ủ nhiều dự định mới về phương hướng làm ăn phát triển kinh kế. Công cũng vừa bỏ tiền ra tự làm gần 500m đường bê tông từ trục đường chính làng vào tận ngõ sau khi sắm được chiếc ô tô 7 chỗ hạng sang. Bởi vậy, thoạt tiên nhìn thấy lối lên nhà Công khi mới đến, tôi cứ ngỡ đây là lối lên biệt phủ của một đại gia nào đó! Công cũng đã có hơn 10 năm làm Thôn trưởng và Bí thư Chi bộ thôn, góp sức vào thành tích của Tổng đội được công nhận làng Văn hóa tiêu biểu.
Không riêng gì vợ chồng Công, mà ở Tổng đội nay là thôn 11 xã Hà Linh hầu hết các hộ gia đình đều có cuộc sống khá giả. Từ chỗ 28 hộ có mặt từ buổi ban đầu ngày thành lập đến nay đã có tới 188 hộ, trong đó có 80 hộ gia đình thuộc thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai của Tổng đội đều có nhà ở kiên cố và tiện nghi sinh hoạt đầy đủ với thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Có nhiều thế hệ thanh niên hồi đó nhờ trải qua rèn luyện, phấn đấu đã trở thành những cán bộ chủ chốt ở địa phương...
Ngược thời gian về năm 1997, sau khi Công ty Cao su Hà Tĩnh được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ Lâm trường Truông Bát, cũng là thời điểm sứ mệnh của bộ máy điều hành Tổng đội Thanh niên lập nghiệp xây dựng kinh tế tại Truông Bát đã hoàn thành, 2.800 ha diện tích rừng của Tổng đội giao khoán cho người dân vẫn giữ nguyên trên cơ sở bàn giao lại cho Công ty Cao su Hà Tĩnh quản lí.
Công ty Cao su Hà Tĩnh chỉ thu hồi 1.000 ha đất rừng chưa sử dụng đưa vào trồng cao su, số diện tích còn lại đã được các hộ sử dụng theo hợp đồng từ trước được Công ty khuyến khích trồng cây cao su, hỗ trợ giống, kĩ thuật và nhận bao tiêu đầu ra. Ngoài ra, Công ty còn tiếp nhận một số con em của Tổng đội cũ vào làm việc.
Như vậy ở Truông Bát từ chỗ thưa thớt, đói nghèo, dịch bệnh sốt sét, đường sá đi lại khó khăn, nay đã trở nên sầm uất.. Ngoài sự hưởng lợi từ tuyến đường mòn Hồ Chí Minh qua địa bàn khoảng 10km được rải nhựa láng bóng, hệ thống đường làng cũng được mở mang dày đặc với tỷ lệ bê tông hóa 100% vô cùng thuận tiện cho việc đi lại; xây dựng được Nhà Văn hóa cộng đồng, Trường Tiểu học cao tầng, Trường Mầm non và Trạm y tế... đẹp đẽ khang trang.
Cụ Nguyễn Văn Mục nay đã 80 tuổi, người gốc Huế là một trong những công dân ở làng Việt kiều rời Thái Lan về nước trên chuyến tàu cuối cùng vào năm 1963 tâm sự: Trên chuyến tàu dài ngày từ Bangkok cập cảng Hải Phong cụ gặp bà Dù quê ở Hà Tĩnh, hai người hẹn hò về cưới nhau và lập nghiệp ở Truông Bát. Bà Dù đã mất hơn 13 năm nay, cụ Mục nay cũng đã già cả không làm gì nữa chỉ vui vẻ với con cháu hàng ngày.
Trước đây, gia đình cụ cũng như các hộ dân khác ở làng Việt kiều cũng vất vả, nhiều khi phải vào rừng làm "lâm tặc", nhưng sau khi Tổng đội về đóng trên địa bàn giao đất, giao rừng với diện tích gần 30 ha. Từ việc thực hiện dự án 327, sau này là trồng cây keo và cây cao su... cuộc sống bắt dầu khấm khá dần lên. Làng Việt kiều từ chỗ vọn vẹn 14 hộ dân khiêm tốn nép mình dưới ánh đèn dầu leo lét, nay đã có tới 60 hộ, nhà cửa mọc lên san sát rạng rỡ dưới ánh sáng điện đường như sao đêm.
Đôi mắt cụ Mục bây giờ đã trĩu nặng xuống bờ mi tuổi tác, nhưng trong cái nhìn xa xăm ấy giống như một chiếc ống kính thời gian lưu lại tất thảy những hình ảnh đổi thay trên vùng quê đầy sự kiện này. Tôi chỉ là kẻ may mắn được đọc lại một phần ít ỏi trong đôi mắt đó của cụ cũng đủ để yêu đến mê đắm quá Truông Bát mình ơi!