CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:21

Xuân về trên đất Đoài Thịnh, Hà Tĩnh

Mưa xuân như dải lụa mỏng mềm bắt đầu choàng lên thôn Đoài Thịnh ngày tôi trở lại càng tô điểm thêm cho không khí cuộc sống của vùng quê yên bình, khiêm tốn nép mình bên sự ồn áo phố sá này bừng lên hương sắc ngày mới.

Chen lẫn với những khu dân cư, những trường học, bệnh viện, công sở... là những thửa ruộng vừa mới gieo phảng phất mùi bùn non, đủ để cho ta gợi nhớ đến bao cái Tết đầm ấm trong lòng người Đoài Thịnh trải qua bao biến vận thời gian mà định đoán lấy những chân trời tương lai hứa hẹn, đợi chờ phía trước.

Người dân Đoài Thịnh tranh thủ xuống đồng ngày áp Tết

Người dân Đoài Thịnh tranh thủ xuống đồng ngày áp Tết

Trong  lúc  đang lâng lâng dưới màm mưa xuân với khúc giao duyên tân cổ hẹn hò như thực, như mơ với bao cung bậc cảm xúc khó tả ấy, tôi thật hạnh phúc biết bao khi bất ngờ được gặp lại anh Lê Văn Tuyết- người bạn học từ thời phổ thông cấp III Phan Đình Phùng sau 43 năm, và cũng thật bất ngờ Tuyết cũng từng là người không may bị nhiễm COVID-19 trong đợt dịch ấy, lại là người tôi cần gặp với vai trò thôn trưởng, thôn Đoài Thịnh.

Tâm sự với tôi, không có gì phải đắn đo, Tuyết bộc bạch, thời điểm đó hầu như đại đa số người dân trong thôn chưa được tiêm vaccine phòng chống dịch COVID-19,  nên mặc dù đã được tuyên truyền nhưng bước đầu nhiều người vẫn tỏ ra hoang mang!

Đó cũng là lần đầu tiên người dân Đoài Thịnh phải chứng kiến cảnh cuộc sống bị cô lập như tách biệt khỏi thế giới bên ngoài; lần đầu tiên họ được chứng kiến cảnh tượng lực lượng công binh đeo mặt nạ chống độc, ngồi trên những chiếc xe đặc chủng và  đội ngũ y tế được trang bị đồ bảo hộ kín mít từ đầu tới chân, cùng xuất hiện một cách thật bất ngờ như chui dưới đất lên có mặt khắp đầu làng, ngõ xóm.

Người dân Đoài Thịnh gieo sạ đón xuân về

Người dân Đoài Thịnh gieo sạ đón xuân về

Tất cả đều trong tình trạng thái im lặng mà chỉ thông qua những tín hiệu gì đó với nhau, nhanh chóng triển khai công tác phun độc, khử trùng một cách lạnh lùng như quân đội tập trận.

Sau đó là một màn sương mờ mờ bắt đầu phủ lên khắp bầu trời thôn, kèm theo mùi hóa chất hăng hắc mà họ chưa bao giờ nhìn thấy và ngửi thấy.  

Trước đó mấy giờ, họ cũng từng chứng kiến cảnh các lực lượng chức năng lập 15 chốt  kiểm dịch tại các tuyến đường đầu thôn, cách ly toàn bộ khu vực họ đang sinh sống theo mệnh lệnh, "nội bất xuất, ngoại bất nhập" và cảnh tượng những chiếc xe cứu thương hú còi chát chúa chở các ca f0 đi cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện và chở các trường hợp khác đi cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung.

Thêm vào đó là cả cảnh tượng người thân của họ vì một lý do nào đó ra khỏi làng chưa về kịp nhà sau khi các chốt kiểm dịch đã lập xong đành phải quay lại; ngay chính bản thân họ dù đang cần một việc gì ngoài khu vực phong tỏa cũng phải bỏ lại vì một chữ "an toàn cho cả cộng đồng".

Nhà Văn hóa thôn Đoài Thịnh

Nhà Văn hóa thôn Đoài Thịnh

Không riêng  gì người dân thôn Đoài Thịnh, mà thời điểm đó mọi người dân trong cả tỉnh đều hướng con mắt về ổ dịch này với nhiều cái nhìn khác nhau và đều cầu mong cho cơn đại dịch ở đây sẽ nhanh chóng được kiểm soát. Kèm theo sự cầu mong ấy có người suy nghĩ tích cực, cũng không ít người suy nghĩ tiêu cực với những lời lẽ mạt sát, thậm chí nguyền rủa những f0 như những kẻ tội đồ rước dịch bệnh về quê!

Vậy nhưng, mấy ai như thôn trưởng Lê Văn Tuyết- người bị lây nhiễm virus COVID-19 trực tiếp cũng coi ca f0 đầu tiên trong thôn mình chỉ là nạn nhân giữa cơn đại dịch thế kỷ như hàng trăm triệu người khác trên thế giới.

Và trong ngôi làng Đoài Thịnh vốn bình yên từ bao đời nay vô tình đã trở nên ổ dịch COVID-19 với mức độ cảnh báo cao nhất từ trước tới nay, không lẽ nào lại đi trách cứ một người con xa xứ vào mưu sinh tận đất Bình Dương vì nặng nợ với quê hương trở về thăm hỏi họ hàng vào ngày 30/5, mà lúc đó ở Bình Dương vẫn chưa phải là vùng dịch.

Sau khi đặt chân về quê, người con ấy cũng đã thực khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đầy đủ theo quy định. vậy nhưng ai hau vào ngày 3/5 khi nhận được thông tin có anh bạn ở Hà Nội là đối tác làm ăn trước đó có vào Bình Dương giao tiếp với mình trước đó thông báo bị nhiễm COVID-19 nên anh đã ý thức được trách nhiệm của mình, tự giác thông báo cho lực lượng y tế phát hiện bệnh kịp thời để tránh lây lan cho cộng đồng.

Việc làm ấy lẽ ra ít nhất cần được tôn trọng để làm gương cho người khác, ngược lại còn đi mạt sát người ta là điều hết sức tối kỵ

Một góc thôn Đoài Thịnh

Một góc thôn Đoài Thịnh

Không những anh Tuyết mà chính tất cả người dân Đoài Thịnh cũng sớm nhận thức được điều đó, và họ đều nhanh chóng xua đi tất cả mọi sự dị nghị để trở thành những nhân tố mới, tích cực tham gia phòng, chống dịch, đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau vượt lên tất cả từng bước đẩy lùi dịch bệnh.

Chỉ trong một thời gian ngắn, các Hội phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi... của thôn đã huy động được 600 kg gạo,  1 tấn bí xanh, hàng chục buồng chuối xanh, 12 kg cá khô, 100 thùng mù tồm , 22 lít dầu ăn và nước mắm... hỗ trợ, động viên nhau trong thời gian cách ly khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Hùng nay đã 70 tuổi là một thương binh từng bị lây nhiễm COVID-19 qua em trai mình tâm sự rằng, sau khi được lực lượng y tế thông báo mình bị nhiễm COVID-19, tâm thần tỏ ra lo lắng cho bệnh tật của mình ít, nhưng lo lắng sợ bị lây lan sang hàng xóm thì nhiều.

Trong đợt dịch ấy gia đình ông có 5 người bị nhiễm bệnh đều ở thể trạng nặng và đều được đưa ra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị, trong đó có một bà mự  không qua khỏi. Riêng ông không ngờ có được như ngày hôm nay là điều mà ngay cả những bác sĩ điều trị cho ông cũng không ngờ tới.

Người dân thôn Đoài Thịnh tranh thủ xuống đồng

Người dân thôn Đoài Thịnh tranh thủ xuống đồng

Bởi ông vừa là thương binh vừa là bệnh binh hạng, tuổi đã cao có tiền sử nhiều bệnh nền. Khi được chuyển lên tuyến trên điều trị ông không còn nhận biết gì nữa. Trong quá trình điều trị ông phải lọc máu liên tục và dùng máy thở suốt hơn 1 tháng trời mới sống sót.

Hơn ai hết, ông Hùngù hiểu được sự nguy hiểm của dịch COVID-19, nên sau khi ra viện chính ông đã trở thành tuyên truyền viên tích cực trong thôn, luôn khuyên bảo mọi người cần phải thực hiện nghiêm túc việc phòng,  chống dịch theo quy định của y tế, không được lơ là chủ quan bất cứ lúc nào.

Cũng như bao người dân khác ở thôn Đoài Thịnh, trước thềm năm mới đang cận kề, vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Hùng cùng mọi người đều đang bận rộn chuẩn bị cho một đón một cái Tết thật khang trang, nhiều gia đình đã cho lắp đèn nháy, dựng cây nêu trước ngõ; nhiều nhóm tổ dân cư còn tính chuyện chung nhau mổ lợn, mổ bò, nấu những nồi bánh chưng to nhất từ trước tới nay để ăn mừng thôn xóm vượt qua cơn đại dịch.

Nhắc đến ổ dịch thôn Đoài Thịnh, bác sĩ Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Sau khi xác định ở đây xuất hiện chùm ca bệnh đầu tiên, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh nhà đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành y tế, công an, giao thông và các lực lượng chức năng kịp thời khoanh vùng, phong tỏa, xét nghiệm diện rộng, sàng lọc và bóc tách f0 nên dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát.

Hiện nay quan điểm chung xem công tác phòng chống dịch COVID-19 là "thích ứng linh hoạt" do đã bao phủ được vaccine, coi COVID-19 là bệnh đặc hữu thông thường để xác định sống chung với nó. Nhưng quan điểm chung thời điểm dịch xảy ra tại thôn Đoài Thịnh là Zero COVID-19 nên để thực hiện triệt để các biện pháp y tế tại ổ dịch Đoài Thịnh là rất khó khăn. Tuy nhiên, cái được lớn nhất chính là nhờ vào sợ đồng lòng, ủng hộ và ý thức cao của toàn bộ người dân ở đây.

Thôn Đoài Thịnh có 380 hộ dân nằm sát khu vực trung tâm thành phố Hà Tĩnh, là nơi tập trung của nhiều cơ quan công sở, trường học... Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây xựng nông thôn mới, Đoài Thịnh đã đạt chuẩn các tiêu chí vào năm 2016 và hiện đang xây dựng khu nông thôn mới kiểu mẫu nâng cao cấp tỉnh; hệ thống giao thông được mở mang; thu nhập bình quân đầu người đạt 54 triệu đồng/ năm. 

Đáng chú ý là dù tốc độ đô thị hóa đang được đẩy lên nhanh trong những năm gần đây, nhưng Đoài Thịnh vẫn không bị đánh mất đi cảnh yên bình và nét đẹp văn hóa truyền thống...  

Cũng có thể vì thế mà khi những hạt mưa xuân thong thả trở về báo hiệu cái Tết cổ truyền sắp đến, tôi chỉ là một kẻ tao khách cũng đã cảm nhận được không khí vui tươi  đang ùa về Đoài Thịnh với bao hứa hẹn ngày một đẹp giàu.

NGUYỄN NGỌC VƯỢNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh