CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:12

Trưởng ban Tổ chức Trung ương: Sẽ có chính sách để cán bộ yên tâm cống hiến

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính: Sẽ có chính sách để cán bộ yên tâm cống hiến

 

Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng (Đề án 922) được Đà Nẵng triển khai từ năm 2006. Đến nay, 460 người tham gia đã tốt nghiệp, trong đó 375 người đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP.

Tuy nhiên, mới đây có 40 người xin thôi việc, trong đó có những học viên phải bồi hoàn kinh phí đào tạo do chưa đủ thời gian cống hiến 7 năm như cam kết.

Trước bất cập trên, sáng 23/5, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết, tới đây sẽ giao cho Ban Tổ chức, Bộ Nội vụ và Ban Công tác đại biểu xây dựng đề án theo hướng để cán bộ, công chức yên tâm cống hiến cho sự nghiệp chung.

Về chế độ đãi ngộ cán bộ, công chức quá thấp, không đáp ứng điều kiện sống, theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, thời gian tới sẽ thực hiện Nghị quyết cải cách về tiền lương.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Môi trường, cơ chế làm việc chưa khuyến khích, chưa tạo được điều kiện cho người tài yên tâm làm việc

 

Cùng vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) tại thảo luận tổ sáng 22/5 khẳng định, đây là một đề án hay. Lương không phải thấp, nhưng tại sao lại có 93 người đã rút khỏi Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng (Đề án 922), tiếp ngay vừa rồi, 40 trường hợp xin thôi việc. 

Theo đó Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, môi trường, cơ chế làm việc chưa khuyến khích và chưa tạo được điều kiện cho người tài yên tâm làm việc, cống hiến. “Người tài, yếu tố đầu tiên họ cần chính là môi trường, chứ chưa phải là đồng tiền”, Bộ trưởng nhận định, và thẳng thắn: “Khách quan mà nói, ngay trong việc tuyển chọn người tài đi học, chúng ta đã chọn “trúng” chưa? Có một bộ phận nhỏ được ưu ái, khi đi học về lại được ưu tiên, tạo điều kiện để phát triển hơn những người có năng lực khác, dẫn đến người có năng lực họ thấy bất công, và mất lòng tin”.

Cùng với đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, chế tài xử lý những trường hợp bỏ việc, không thực hiện nhiệm vụ của chúng ta hiện nay chưa nghiêm. “Dẫn đến “anh” bỏ việc được thì tôi cũng bỏ được, để kiếm nơi thu nhập cao hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh thêm. 

Đồng quan điểm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề cập, trong công tác cán bộ, Đà Nẵng có chính sách sử dụng nhân tài, nhưng vấn đề là các “nhân vật” được gọi là nhân tài họ lại xin rút. “Do đó, tôi thấy chính sách sử dụng nhân tài… có vấn đề. Cán bộ “đội lốt”, hoặc những người chưa vào đã đòi lợi ích, thì phải cân nhắc”, ông Nhưỡng nói. 

 

ĐBQH Dương Trung Quốc: Lâu nay chúng ta thu hút nhân tài hoàn toàn phụ thuộc yếu tố bằng cấp và những yếu tố khác

 

Cũng liên quan vấn đề trọng dụng nhân tài, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, yếu tố quan trọng nhất trong việc trọng dụng nhân tài là dùng đúng người, đúng việc và trả lương cho họ một cách hợp lý. “Tôi quan sát nhiều nơi, nhân tài chỉ là ở vấn đề bằng cấp mà thôi. Có nơi rất nhiều tiến sĩ, nhưng không rõ nhu cầu dùng họ làm việc gì để phát huy hết năng lực. Theo tôi, quan trọng nhất chính là sử dụng nguồn nhân lực phù hợp, cộng với chế độ đãi ngộ tương xứng”, đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Ông Dương Trung Quốc lưu ý, lâu nay chúng ta thu hút nhân tài hoàn toàn phụ thuộc yếu tố bằng cấp và những yếu tố khác.

“Nhân tài ở đây không phải chỉ những người xuất chúng, mà theo quan niệm cổ điển là dùng người nào đúng việc đấy và họ được hưởng thụ tương xứng với đóng góp của họ. Đấy là sử dụng nhân tài. Chứ sử dụng nhân tài không phải thu hút về lượng lớn tiến sĩ, những nhà khoa học mà không được làm khoa học, đó là cách sử dụng lãng phí chứ đừng nói hiệu quả”, ông Quốc nhấn mạnh.

Về trường hợp ở Đà Nẵng, theo ông Dương Trung Quốc, các cơ quan chức năng cần phải phân tích kỹ bản chất vấn đề, chứ không nên nhìn hiện tượng rồi vội vã kết luận.

“Tại Đà Nẵng hiện đang diễn ra sự khủng hoảng, trong đó có cả khủng hoảng lòng tin của người dân”, ông Quốc nhận định và cho rằng, Đà Nẵng có thời kỳ với thương hiệu “TP đáng sống” là một sự thực. Nhưng sau thời kỳ phát triển thì nảy sinh những vấn đề cần giải quyết hết sức cụ thể, ở đây chính là vấn đề cán bộ, chính sách.

Theo ông Dương Trung Quốc, với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, nếu muốn có đội ngũ nhân lực tốt, các cơ quan nhà nước cũng phải thay đổi hàng loạt chính sách cho phù hợp. “Nếu không tạo ra sự cạnh tranh tích cực, thì các cơ quan nhà nước mất nhân lực là đương nhiên”, vị đại biểu này nhận định.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh